Người mắc các bệnh tuyến giáp tại Việt Nam rất nhiều, nhất là nang giáp, bướu giáp, viêm giáp… đang trở thành mối lo của nhiều người. Để phòng bệnh, chế độ ăn uống đóng vai trò rất lớn.
Thông tin Y học

Báo động về bệnh lý tuyến giáp - Bài 3: Làm gì để hạn chế mắc bệnh?

Hồ Quang 09/12/2023 07:05

Người mắc các bệnh tuyến giáp tại Việt Nam rất nhiều, nhất là nang giáp, bướu giáp, viêm giáp… đang trở thành mối lo của nhiều người. Để phòng bệnh, chế độ ăn uống đóng vai trò rất lớn.

Cần cân đối chế độ dinh dưỡng

Các bệnh tuyến giáp nói chung và cường giáp, suy giáp nói riêng không phải bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp rất nhiều, trong đó có chế độ dinh dưỡng kém cân đối.

bao-dong-ve-bneh-ly-tuyen-giap-lam-gi-de-han-che-mac-benh-hinh-anh(1).png
Hạt lanh, một trong những loại hạt chứa hàm lượng lớn omega 3 và ma giê có công dụng tăng cường chức năng tuyến giáp - Ảnh: PV

Ngoài ra, còn là tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng, lạm dụng thuốc lá, rượu bia… cũng tác động đến việc mắc các bệnh lý tuyến giáp.

Để phòng ngừa bệnh về tuyến giáp, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người phải chú ý nhiều hơn đến thực đơn dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày.

Theo TS-BS Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), dinh dưỡng có ảnh hưởng nhất định đến bệnh tuyến giáp. Như chúng ta đã biết, đến nay việc thiếu i ốt vẫn là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý tuyến giáp. I ốt có vai trò cân bằng nội tiết tố của tuyến giáp, góp phần kích thích sản sinh nhiều hơn các nội tiết tố cần thiết, từ đó hạn chế hình thành khối u tuyến giáp.

Do đó, con người cần bổ sung những thực phẩm giàu i ốt như: rong biển, sử dụng muối i ốt trong nấu ăn, hải sản... nhưng cũng cần kiểm soát lượng i ốt nạp vào cơ thể ổn định, vừa phải, vì quá nhiều i ốt có thể dẫn đến bệnh cường giáp.

Ngoài ra các loại rau, loại hạt, sữa chua ít béo, trứng… cũng là những dinh dưỡng rất tốt cho tuyến giáp.

Trong đó, rau nói chung và rau xanh nói riêng như mồng tơi, rau muống, cải, cải bó xôi... cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cần thiết, tăng cường thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn, tuyến giáp cũng khỏe mạnh hơn.

Các loại hạt giàu dưỡng chất như hạnh nhân, óc chó, hạt bí, hạt điều... đáp ứng nhu cầu ma giê của cơ thể, bổ sung nhiều axit béo cần thiết và khoáng chất. Những chất dinh dưỡng này đều có vai trò hỗ trợ hoạt động của tuyến giáp khỏe mạnh hơn.

Muốn phòng chống bệnh tuyến giáp, nên thêm các loại hạt vào chế độ ăn hằng ngày, đặc biệt là hạt lanh. Hạt lanh chứa hàm lượng rất lớn omega 3 và ma giê có công dụng tăng cường chức năng tuyến giáp, là lựa chọn tuyệt vời để phục hồi sức khỏe cho tuyến giáp.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, sữa chua ít béo là nguồn cung cấp i ốt tự nhiên và vitamin D vô cùng tốt cho cơ thể nói chung và tuyến giáp nói riêng. Nếu i ốt có vai trò tăng cường sản sinh hormone tuyến giáp thì vitamin D có khả năng điều hòa hệ thống miễn dịch, ngăn chặn bệnh lý bướu cổ Hashimoto. Do đó sữa chua ít béo cũng là thực phẩm nên ăn để phòng bệnh tuyến giáp.

Đối với trứng, thành phần dinh dưỡng của nó phải kể đến: i ốt, đạm, selen, ma giê, omega-3... cùng nhiều dưỡng chất khác, rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Ăn trứng giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn, tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên cho cơ thể, làm vững chắc hơn hàng rào miễn dịch, từ đó phòng ngừa hiệu quả bệnh về tuyến giáp.

Giữ thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ

Phân tích của TS-BS Nguyễn Minh Đức cho thấy bệnh lý tuyến giáp rất phổ biến, gồm lành tính (nang giáp, phình giáp, viêm giáp…) và ác tính (ung thư tuyến giáp). Trong đó, ung thư tuyến giáp thể nhú (papillary thyroid cancer - PTC) chiếm đến 80 - 90% trường hợp ung thư tuyến giáp. Đây là loại ung thư có tiên lượng rất tốt, chỉ cần tuân thủ điều trị thì sẽ khỏi bệnh hoàn toàn.

“Để bảo vệ mình trước căn bệnh tuyến giáp, mọi người cần giữ thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ. Việc làm này có lợi, không chỉ phát hiện sớm các bệnh lý tuyến giáp mà còn nhiều loại bệnh lý nguy hiểm khác”, bác sĩ Đức nói.

Những người không may bị các bệnh lý tuyến giáp cũng không nên quá lo lắng, vì đây không phải là bệnh nguy hiểm, diễn tiến chậm, tỷ lệ lành tính cao nên không cần phải can thiệp, hay uống thuốc khi kích thước nhân, khối u giáp còn nhỏ.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo bệnh nhân mắc tuyến giáp nên kiêng các thực phẩm như: đậu nành, bông cải xanh, súp lơ trắng, các loại đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn, đồ đông lạnh, bơ, thịt, thực phẩm có chứa đường… để cải thiện tình trạng bệnh.

“Mọi người cần duy trì thói quen tập thể dục, ăn uống tiết độ, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, ăn ít thịt đỏ, tránh áp lực và căng thẳng trong công việc, không hút thuốc lá, nói "không" với rượu bia sẽ tốt cho không chỉ bệnh lý tuyến giáp mà còn lợi ích rất nhiều cho việc phòng tránh các loại bệnh khác”, bác sĩ Đức khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, tuyến giáp là bộ phận có nhiệm vụ sản xuất hormone cho cơ thể, duy trì quá trình trao đổi chất diễn ra ổn định. Khi bị bệnh tuyến giáp, khả năng sản sinh hormone của tuyến giáp bị ảnh hưởng không ít, lượng hormone tiết ra quá nhiều, hoặc quá ít dẫn đến thay đổi cấu trúc mô học, chức năng của tuyến giáp cũng bị rối loạn.

Lượng hormone sản sinh quá ít là bệnh suy giáp và ngược lại, quá nhiều hormone được tiết ra là bệnh cường giáp. Khi bị bệnh tuyến giáp, người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tăng cân không kiểm soát, hoặc có thể giảm khả năng chịu nhiệt, không chịu được quá nóng hoặc quá lạnh...

Bài liên quan
Báo động về bệnh lý tuyến giáp - Bài 1: Cả nhà mắc bệnh
Bệnh lý tuyến giáp thường gặp trong đời sống hiện nay gồm các loại lành tính như: nang giáp, bướu giáp, cường giáp, viêm giáp… hay ác tính (ung thư tuyến giáp). Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc các bệnh lý này tăng cao một cách đột biến, đặc biệt có những gia đình cả nhà mắc bệnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
28 phút trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo động về bệnh lý tuyến giáp - Bài 3: Làm gì để hạn chế mắc bệnh?