Bệnh lý tuyến giáp thường gặp trong đời sống hiện nay gồm các loại lành tính như: nang giáp, bướu giáp, cường giáp, viêm giáp… hay ác tính (ung thư tuyến giáp). Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc các bệnh lý này tăng cao một cách đột biến, đặc biệt có những gia đình cả nhà mắc bệnh này.
Thông tin Y học

Báo động về bệnh lý tuyến giáp - Bài 1: Cả nhà mắc bệnh

Hồ Quang 07/12/2023 16:10

Bệnh lý tuyến giáp thường gặp trong đời sống hiện nay gồm các loại lành tính như: nang giáp, bướu giáp, cường giáp, viêm giáp… hay ác tính (ung thư tuyến giáp). Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc các bệnh lý này tăng cao một cách đột biến, đặc biệt có những gia đình cả nhà mắc bệnh này.

Hết bệnh nhiều năm, nay lại tái phát

Cách đây hơn 6 năm, anh N.H.Q (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) phát hiện mình bị cường giáp. Sau hơn 1 năm điều trị anh thấy ổn, ăn uống được và lên cân trở lại nên anh tự ngưng thuốc, không điều trị nữa. “Khi đó tôi bỗng thấy thấy mình ăn kém, sụt cân nhiều. Tình cờ gặp một bà chị, người này thấy tôi ốm nhiều, rồi sờ vào vùng cổ phát hiện có một khối u nổi lên, bảo tôi đi khám xem bị bệnh gì không. Sau đó, tôi đến một phòng khám tư tại quận 1 kiểm tra thì phát hiện bị cường giáp”, anh Q. nhớ lại.

bao-dong-benh-nhan-mac-tuyen-giap-ca-nha-bi-giap-hinh-anh-1.png
Bệnh nhân xếp hàng dài đăng ký khám các bệnh lý tuyến giáp tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: PV

Mới đây anh Q. thấy mình sụt cân nhanh nên đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám thì phát hiện cường giáp nặng hơn. “Bác sĩ nói tình trạng cường giáp của tôi nặng lên, giờ phải uống ngày 3 viên, mỗi viên 10mg thay vì uống mỗi ngày 2 viên, mỗi viên 5mg như trước. Giờ tôi phải uống thuốc, điều trị liên tục, chừng nào xét nghiệm máu chỉ số giáp về mức an toàn, bác sĩ cho ngưng thuốc mới dám ngưng, chứ không như trước nữa”, anh Q. kể.

Theo các chuyên gia, bệnh cường giáp nói riêng và các bệnh lý tuyến giáp nói chung rất dễ tái phát. Việc phẫu thuật, hay điều trị nội khoa được xem là khỏi bệnh cũng không dám chắc chắn sẽ khỏi hẳn. “Bác sĩ nói bệnh cường giáp của tôi không nên mổ, vì mổ có nguy cơ suy giáp sẽ nguy hiểm hơn, và cũng không chắc chắn hết hẳn. Bệnh này gần như là phải sống chung với nó. Chỉ uống thuốc, khi nào thấy chỉ số giáp về mức an toàn thì ngưng thuốc; đồng thời ăn uống kiêng khem để hạn chế bị tái phát”, anh Q. nói.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý tuyến giáp đến khám, điều trị rất đông. Ngoài những trường hợp bị ung thư tuyến giáp, có rất nhiều bệnh nhân bị phình giáp, cường giáp, viêm giáp lành tính đến khám, điều trị định kỳ.

Khu vực phòng khám đầu cổ, phòng khám tuyến giáp tại lầu 2 khu kỹ thuật cao, bệnh nhân bị tuyến giáp ngồi chờ tái khám chật kín, không còn ghế ngồi, phải đứng chen chúc.

Lẫn trong dòng người chờ khám tuyến giáp, chị N.T.V (44 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết bản thân bị phình giáp đa nhân thùy phải (lành tính) cách đây hơn 10 năm, sau gần 1 năm uống thuốc điều trị tại đây, bác sĩ khám lại thấy tình trạng phình giáp ổn định, cho chị ngưng thuốc, nhưng giờ tái phát, phình cả hai bên.

“Bác sĩ chẩn đoán phình giáp đa nhân 2 thùy. Lúc trước chỉ phình ở bên phải, nay lan cả bên trái. Bệnh phình giáp đa nhân này, bác sĩ nói hạn chế sử dụng sữa đậu nành, bắp cải, nhưng trong đợt dịch COVID-19 vừa qua ở nhà tôi uống sữa đậu nành, ăn bắp cải hơi nhiều. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến bệnh phình giáp của tôi tái phát nặng hơn”, chị V. phân trần.

Nhiều người thân cùng mắc bệnh

Mỗi ngày tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có đến hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh lý tuyến giáp đến khám, điều trị, trong đó có không ít người cùng gia đình, cùng huyết thống.

Theo lời chị V., sau khi phát hiện mình tái phát căn bệnh phình giáp đa nhân 2 thùy, chồng chị là anh T.H (47 tuổi) cũng phát hiện tình trạng bệnh như trên. “Chồng tôi cũng phình giáp đa nhân 2 thùy, nhưng kết quả siêu âm tuyến giáp cho thấy các nhân này còn nhỏ, chỉ 5mm. Bác sĩ nói với kích thước trên chưa cần sử dụng thuốc, chỉ theo dõi tái khám định kỳ 6 tháng. Khi nào các nhân có kích thước từ 10mm trở lên mới cần can thiệp”, chị V. chia sẻ.

Điều đáng lo hơn là trường hợp của anh N.M.Th (46 tuổi, ngụ quận 10), cả 5 người trong gia đình đều bị mắc bệnh cường giáp khiến anh cảm thấy áp lực và lo lắng. “Ngoài tôi mắc bệnh cường giáp, còn có vợ, em trai, em vợ, em họ và em dâu đều bị cường giáp”, anh Th. cho biết.

Theo anh Th., năm 2019 khi phát hiện sụt cân nhanh, bồn chồn, nhịp tim cao, vã mồ hôi… anh đến một phòng khám tư nhân ở quận 5, TP.HCM kiểm tra thì phát hiện mình bị cường giáp.

Sau 2 năm điều trị bằng thuốc uống rồi xét nghiệm lại thì thấy các chỉ số về giáp trở lại bình thường, sức khỏe ổn định, tăng cân trở lại.

bao-dong-benh-nhan-mac-tuyen-giap-ca-nha-bi-giap-hinh-anh-3(1).png
Bệnh nhân khám tuyến giáp tại Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM - Ảnh: PV

“Giờ đây tôi vẫn hay kiểm tra định kỳ, nhưng chưa phát hiện bệnh tái phát. Tôi không biết chắc chắn mình có bị tái phát trở lại hay không. Tuy nhiên, không hiểu sao, sau khi tôi phát hiện mắc bệnh cường giáp thì vợ, em trai rồi cả em vợ, em họ của tôi cũng mắc cường giáp. Tại sao các bệnh về giáp giờ lại bùng phát nhiều vậy?”, anh Th. lo lắng.

Có hay không bệnh lý tuyến giáp di truyền?

BSCK2 Đỗ Văn Liêm - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết qua ghi nhận những bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp điều trị tại bệnh viện, có nhiều trường hợp trong cùng một gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp. “Về mặt lý thuyết bệnh lý này vẫn có yếu tố gia đình, di truyền”, bác sĩ Liêm nói.

Riêng cường giáp là một bệnh lý nội tiết có liên quan đến việc dư hormone tuyến giáp, các chuyên gia y tế cho rằng có thể có yếu tố di truyền.

Theo TS-BS Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), cường giáp là tình trạng tăng quá mức nồng độ hormon giáp do tăng hoạt động tuyến giáp gây ra bởi nhiều bệnh lý khác nhau. Hầu hết trường hợp nhiễm độc tố giáp là cường giáp do bệnh basedow (chiếm 60 - 80%) và các bướu giáp nhân hóa độc.

Bệnh basedow mang nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh graves, bệnh parry, bướu giáp độc lan tỏa, bệnh cường giáp tự miễn. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cường giáp và cũng là bệnh lý có khả năng di truyền cao nhất. Luôn có sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và di truyền dẫn đến bệnh basedow.

Yếu tố di truyền là yếu tố nguy cơ chính của khả năng mắc bệnh basedow, với 79% nguyên nhân mắc bệnh là di truyền. Nghĩa là trong một gia đình có cha hay mẹ bị bất thường về tuyến giáp như bướu giáp, basedow… thì con cái sẽ rất dễ có nguy cơ mắc bệnh basedow.

Đối với bệnh ung thư tuyến giáp, theo bác sĩ Đức, có một số di truyền, nhưng hầu hết những người mắc bệnh ung thư tuyến giáp không có bệnh di truyền, hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh.

Có người thân thế hệ thứ nhất (cha mẹ, anh chị em hoặc con) mắc bệnh ung thư tuyến giáp, thậm chí không có hội chứng di truyền nào được biết đến trong gia đình, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Cơ sở di truyền của những bệnh ung thư này không hoàn toàn rõ ràng.

bao-dong-benh-nhan-mac-tuyen-giap-ca-nha-bi-giap-hinh-anh-4.png
Siêu âm kiểm tra bệnh lý tuyến giáp của bệnh nhân - Ảnh: PV

Trong khi đó, theo Hội Ung thư Mỹ, ung thư tuyến giáp thể nhú (Papillary Thyroid Cancer - PTC) chiếm 80 - 90%, loại này không mang tính di truyền; còn ung thư tuyến giáp thể tủy (Medullary Thyroid Cancer - MTC) chiếm 0,5 - 1%, loại này có tính di truyền.

“Khoảng 2/10 bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTC) do thừa hưởng một gien bất thường. Những trường hợp này được gọi là ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy gia đình (FMTC). FMTC có thể xảy ra một mình, hoặc có thể xuất hiện cùng với các khối u khác

Sự kết hợp giữa FMTC và khối u của các tuyến nội tiết khác được gọi là đa u nội tiết loại 2 (Men 2). Có 2 loại phụ là Men 2a và Men 2b, cả hai đều do đột biến (khiếm khuyết) ở gien có tên RET.

Trong các dạng MTC di truyền này, bệnh ung thư thường phát triển trong thời thơ ấu, hoặc tuổi trưởng thành sớm và có thể lây lan sớm. MTC mạnh nhất trong hội chứng Men 2b. Nếu Men 2a, Men 2b hoặc FMTC đơn độc lây truyền trong gia đình, nguy cơ mắc MTC rất cao”, bác sĩ Đức giải thích.

Bài liên quan
Phạm Hương tạm xa showbiz sang Mỹ điều trị bệnh tuyến giáp
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 vừa bước sang tuổi 27 với sinh nhật ấm áp bên mẹ tại Mỹ. Cuối tháng 8 vừa qua, Phạm Hương đã âm thầm sang Mỹ để điều trị bệnh kết hợp nghỉ ngơi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo động về bệnh lý tuyến giáp - Bài 1: Cả nhà mắc bệnh