Tỷ lệ người dân Việt Nam bị nhân giáp, phình giáp rất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh lý tuyến giáp không thực sự đáng lo ngại, người dân không nhất thiết phải tầm soát.
Thông tin Y học

Báo động bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp: Bài 2: Khoảng 60% dân số mắc bệnh lý tuyến giáp

Hồ Quang 08/12/2023 06:08

Tỷ lệ người dân Việt Nam bị nhân giáp, phình giáp rất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh lý tuyến giáp không thực sự đáng lo ngại, người dân không nhất thiết phải tầm soát.

Vì sao bệnh lý tuyến giáp gia tăng?

Theo BS.CK2 Đỗ Văn Liêm – Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trong nhiều năm qua bệnh nhân mắc các bệnh lý tuyến giáp đến khám, điều trị tại bệnh viện này là khá lớn. Đây cũng là căn bệnh khá phổ biến ở cộng đồng, nhất là phình giáp, bướu giáp.

bao-dong-benh-nhan-mac-tuyen-giap-khoang-60-dan-so-mac-benh-ly-hinh-anh(1).png
Hiện nay, các chương trình khám sức khỏe định kỳ cũng siêu âm tuyến giáp cùng với máy siêu âm có độ phân giải cao đã phát hiện nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý tuyến giáp - Ảnh: PV

Phân tích về nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp nhiều, bác sĩ Liêm cho biết không có yếu tố gì đặc biệt, chủ yếu vẫn là thiếu i ốt.

“Qua nghiên cứu cho thấy, yếu tố kinh điển lâu nay mà chúng ta biết là những vùng dịch tễ thiếu i ốt, người dân bị bướu cổ, phình giáp có tần suất tăng cao, nhưng hiện nay Việt Nam không thuộc vùng này; còn những vùng đủ i ốt vẫn có bệnh nhân bị bướu cổ, phình giáp nhưng tần suất thấp”, bác sĩ Liêm nói.

TS-BS Nguyễn Minh Đức - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho rằng rất khó có thể xác định chính xác nguyên nhân chính nào gây ra bệnh lý tuyến giáp hiện nay. “Trước kia nguyên nhân gây ra bệnh lý tuyến giáp là do thiếu i ốt, nhưng hiện tại tình trạng này đã hết, vì Việt Nam không còn nằm trong vùng thiếu i ốt”, bác sĩ Đức nói.

Tuy nhiên, theo ThS-BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM), thời gian gần đây người dân phát hiện bệnh lý tuyến giáp nhiều là do chúng ta siêu âm, tầm soát quá nhiều. Hiện nay các chương trình khám sức khỏe định kỳ đều siêu âm cổ, tuyến giáp. Ngoài ra, một số chương trình khám sức khỏe thường quy cũng siêu âm tuyến giáp cùng với đó là các máy siêu âm có độ phân giải cao, cho phép phát hiện cả những tổn thương rất nhỏ.

Chia sẻ về điều này, TS-BS Nguyễn Minh Đức - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho rằng, hiện nay người dân quan tâm sức khỏe, và tham gia khám sức khỏe định kỳ ngày càng tăng nên tỷ lệ phát hiện bệnh lý tuyến giáp ngày một nhiều lên.

“Máy siêu âm phổ biến ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ cơ sở công lập to lớn đến phòng khám tư nhân nhỏ đều trang bị máy siêu âm. Đây là loại máy chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp tốt nhất hiện tại. Kỹ thuật thăm khám bệnh tuyến giáp bằng siêu âm do các bác sĩ thực hiện rất chuyên sâu và cập nhật”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Mặc dù vậy các chuyên gia y tế đều thừa nhận một thực tế hiện này là do tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng, lạm dụng thuốc lá, rượu bia… cũng tác động đến việc gia tăng các bệnh lý tuyến giáp.

“Những yếu tố không tốt gồm: môi trường ô nhiễm, thực phẩm kém chất lượng, hóa chất độc hại trong đồ ăn thức uống, thuốc lá, rượu bia… đều có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sẽ liên quan nhất định đến việc gia tăng tần suất nhiều loại bệnh lý, trong đó có cả bệnh lý tuyến giáp”, bác sĩ Đức cho biết.

Bệnh không nguy hiểm, không cần thiết phải tầm soát

Các chuyên gia y tế cho rằng, tỷ lệ người dân Việt Nam bị nhân giáp, phình giáp rất cao, nhưng các bệnh lý này không thực sự đáng lo ngại, người dân không nhất thiết phải tầm soát.

Đối với nhân giáp, phình giáp là căn bệnh khá phổ biến, nếu siêu âm cổ có thể phát hiện từ 60 đến 70% dân số Việt Nam mắc bệnh này.

Riêng bướu tuyến giáp hay còn gọi là bướu cổ là tình trạng thường gặp, chiếm khoảng 40 - 60% người dân bình thường mắc bệnh này. Khoảng 5 đến 10% bệnh nhân có mắc bướu giáp có khả năng ung thư tuyến giáp.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trên đều không biết mình bệnh, và “chung sống hòa bình” với bướu giáp, nhân giáp, phình giáp, thậm chí cả ung thư tuyến giáp…

“Đây là một tỉ lệ khá cao nhưng hầu hết bệnh nhân đều lành tính. Do đó, nếu chúng ta không có triệu chứng thì không cần thiết siêu âm cổ để phát hiện bệnh lý tuyến giáp làm gì. Điều này đẩy bệnh nhân tuyến giáp tăng ảo”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Theo bác sĩ Vũ, ngoại trừ cường giáp, các bệnh lý tuyến giáp khác không ảnh hưởng gì đến tình hình sức khỏe nói chung. Ngay cả ung thư tuyến giáp cũng không cần thiết phải tầm soát, vì ung thư tuyến giáp tiến triển rất chậm.

“Có những người ung thư tuyến giáp sống chung cả đời, không cần phải mổ gì cả. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc cho thấy, bệnh nhân ung thư tuyến giáp tăng, nhưng tỷ lệ tử vong không thay đổi. Một số ung thư tuyến giáp có thể theo dõi từ từ, không cần mổ gấp. Do đó, việc tầm soát ung thư tuyến giáp cũng không cần thiết”, bác sĩ Vũ nói.

Đối với cường giáp, bác sĩ Vũ cho biết đây là một bệnh lý nội tiết do dư hormone tuyến giáp khi có triệu chứng sụt cân, vã mồ hôi, run tay thì xét nghiệm và làm siêu âm để xác định. Nếu phát hiện cường giáp thì sử dụng thuốc điều trị, chứ chưa cần đến phẫu thuật.

>> Báo động về bệnh lý tuyến giáp - Bài 1: Cả nhà mắc bệnh

Bài liên quan
Độ tuổi người mắc bệnh ung thư tuyến giáp ngày càng trẻ hóa
Thống kê gần đây ở một số nước cho thấy, ung thư tuyến giáp có tỷ lệ mới mắc đứng hàng đầu, ở cả nam và nữ. Đáng báo động là bệnh tuyến giáp ở người trẻ khá nhiều, nhiều bạn trẻ khi phát hiện bệnh tỏ ra rất ngạc nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
một giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo động bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp: Bài 2: Khoảng 60% dân số mắc bệnh lý tuyến giáp