Tờ thời báo Hoàn Cầu (Global Times) phụ trương của Nhân dân Nhật báo đã chỉ trích Ấn Độ vì nước này đang có kế hoạch chặn "Con đường Tơ lụa Mới" của Trung Quốc bằng cách gây ảnh hưởng với các nước láng giềng.
Trước đó, hôm 15.5 Hội nghị thượng đỉnh Một Vành đai Một Con đường tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15đã kết thúc với việc 6 nước châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh.
Theo Guardian, những nước châu Âu này không ký thỏa thuận vì cho rằng kế hoạch của Bắc Kinh không có sự cam kết bền vững về vấn đề xã hội và môi trường. Chưa hết, châu Âu cũng muốn có sự minh bạch và đồng sở hữu dự án, điều mà Trung Quốc không bao giờ nhắc tới.
Hội nghị tại Bắc Kinh không có sự tham gia của Ấn Độ do nước này tẩy chay hội nghị và nhấn mạnh rằng "Con đường Tơ lụa Mới" của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền của New Delhi do đi qua vùng tranh chấp lãnh thổ với Pakistan.
Dù vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình người nghĩ ra sáng kiến "Con đường Tơ lụa Mới" nhằm kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu với nhau bằng một loạt đại dự án trị giá cả ngàn tỉ USD nói rằng kế hoạch của Trung Quốc "không có chương trình nghị sự chính trị".
Tuy nhiên, cả Mỹ, nhiều nước châu Âu và Ấn Độ thì coi dự án này của Trung Quốc là một công cụ gia tăng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quốc gia trên thế giới.
Ấn Độ là nước chỉ trích mạnh nhất đối với dự án Một Vành đai Một Con đường của Bắc Kinh vì một trong những điểm mút trọng điểm của kế hoạch nằm ở khu vực Kashmir, nơi Ấn Dộ và Pakistan đang tranh chấp lãnh thổ.
Truyền thông Trung Quốc ngay lập tức chỉ trích Ấn Độ và tự tin rằng New Delhi sẽ không thể cản được kế hoạch của Trung Quốc vì sức mạnh tài chính của Bắc Kinh quá lớn.
"Ấn Độ không thể có giải pháp cản trở các nước láng giềng hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng", Tờ Hoàn Cầucho biết trong một bài xã luận của tờ báo này.
"Nếu Ấn Độ không muốn trở thành một diễn viên chính, thì họ tốt hơn nên là một khán giả tốt", tờ Hoàn Cầu chỉ trích rằng nếu Ấn Độ không tham gia vào sáng kiến Một vành đai Một con đường thì đúng ra cũng không được phản đối Bác Kinh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung quốc nhấn mạnh rằng các dự án hợp tác với Pakistan ở khu vực tranh chấp chỉ là một "sáng kiến hợp tác kinh tế" và "không nhắm vào bên thứ 3". Về vấn đề Kashmir, Trung Quốc cho biết họ không đứng về phe nào trong tranh chấp và muốn Ấn Độ cùng Pakishtan giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc và cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc thì cho rằng Ấn Độ đang lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách "cô lập" họ.
"Ấn Độ luôn coi Trung Quốc là kẻ thù tiềm năng nhất. Vì vậy, Ấn Độ sẽ không vui với dự án Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc", ông Song nói với Phoenix TV trong một cuộc phỏng vấn hôm 13.5.
Thiên Hà (theo Telegraph)