Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Trong đó, vùng biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 có bán kính khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Bão số 1 gây gió giật cấp 10

Thanh Niên | 03/01/2019, 06:32

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Trong đó, vùng biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 có bán kính khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Chiều 2.1, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 16 giờ cùng ngày, tâm bão số 1 ở vào khoảng 6,2 độ vĩ bắc và 107,5 độ kinh đông, cách đất liền các tỉnh Nam bộ khoảng 380 km về phía đông nam, cách Côn Đảo khoảng 280 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Trong đó, vùng biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 có bán kính khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Nhiều tàu cá bị sóng đánh chìm

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16 giờ chiều nay (3.1), vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,2 độ vĩ bắc và 103,6 độ kinh đông, cách mũi Cà Mau khoảng 200 km về phía nam tây nam.

Cư dân trên đảo Hòn Chuối lên đồn biên phòng tránh trú bão -Ảnh: Lê Khoa

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong 24 giờ tới, vùng biển nguy hiểm với gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên trên Biển Đông là phía bắc vĩ tuyến 5,0 độ vĩ bắc. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông, vùng biển phía nam Cà Mau từ ngày 2 - 4.1 có gió mạnh cấp 7. Trong đó, vùng biển gần tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, gây sóng biển cao từ 2 - 4m, biển động mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau, bao gồm huyện đảo Côn Đảo và vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2 - 3m.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết đã ghi nhận thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của bão số 1. Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 tàu cá với 16 ngư dân bị sóng đánh chìm; các ngư dân đã được ứng cứu kịp thời.

Khẩn cấp gia cố kè tạm bảo vệ khu dân cư và Trạm hải đăng ở P.6, TP.Tuy Hòa -Ảnh: Đức Huy

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT), 10 tàu cá của các tỉnh Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu đang phải tránh bão ở vùng biển Malaysia.

Thông tin từ Đồn biên phòng Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hai tàu cá của ngư dân xã Phước Tỉnh (H.Long Điền) hoạt động ngoài vùng biển Côn Đảo đã bị sóng đánh chìm cùng với 13 ngư dân. Lúc này, các tàu cá ở gần đó phát hiện và cứu vớt kịp thời. Sáng cùng ngày, có 12 tàu cá của ngư dân xã Phước Tỉnh mất liên lạc nhưng đến chiều các tàu này đã liên lạc được và vào đất liền để tránh bão. Có 2 tàu cá bị sóng biển đẩy sang vùng biển Indonesia mất liên lạc nhưng sau đó cũng đã liên hệ được với chủ tàu trong bờ. Theo các ngư dân, hiện sóng biển nơi các tàu cá hoạt động không còn lớn, nhiều tàu cá không vào bờ mà tiếp tục đánh bắt hải sản.

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT trong ngày 2.1, ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh bão số 1 là cơn bão trái mùa có diễn biến nguy hiểm với sóng lớn, gió mạnh ở vùng biển các tỉnh Nam bộ.

Khẩn trương ứng phó bão

Ngày 2.1, ông Nguyễn Khánh Hoan, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Bến Tre cho biết lệnh cấm tàu thuyền ra khơi tính từ tối 1.1 cho đến khi có thông báo mới.

Bến Tre có khoảng 4.000 tàu cá đánh bắt trên biển. Thời điểm này phần lớn các tàu đều ra khơi đánh bắt chuyến cuối năm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang khẩn trương liên lạc với chủ các phương tiện và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ TKCN để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu.

Chiều 2.1, lực lượng biên phòng phối hợp Công an H.Phú Quốc, Kiên Giang ra biển kêu gọi tàu thuyền trở về đảo trú bão. Theo nhận định của H.Phú Quốc, khả năng các xã Thổ Châu, Hòn Thơm, Hàm Ninh và TT.An Thới sẽ chịu ảnh hưởng lớn của bão. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Kiên Giang thông báo không cho tàu thuyền ra hoạt động trên biển kể từ 12 giờ ngày 2.1 cho đến khi có thông tin cuối cùng về bão số 1.

Tại Cà Mau, tính đến 14 giờ ngày 2.1, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã kêu gọi và sắp xếp nơi neo đậu cho 2.585 phương tiện/14.044 lao động vào tránh bão. Các đồn biên phòng thường xuyên liên lạc với số phương tiện còn hoạt động trên biển. Hiện còn 997 phương tiện/6.379 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó hoạt động xa bờ 822 phương tiện/5.502 lao động. Khu vực hoạt động từ đông nam đảo Hòn Khoai đến bãi cạn Cà Mau có 186 phương tiện/936 lao động; khu vực gần đảo Thổ Châu Kiên Giang 636 phương tiện/4.566 lao động.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bạc Liêu, cho biết đến tối 2.1, Bạc Liêu vẫn còn 4 tàu cá gặp nạn ngay khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1, đang được tỉnh tích cực cứu hộ, hướng dẫn tránh bão.

Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 2.1, tàu cá BL-93222TS, có 8 ngư dân (chủ tàu là bà Nguyễn Thị Hân, ở H.Đông Hải) đang trên đường vào bờ tránh bão thì bị chết máy, trôi dạt trên vùng biển cách TT.Gành Hào, H.Đông Hải khoảng 130 km. Tỉnh Bạc Liêu đã gửi công văn đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN khẩn trương điều lực lượng, phương tiện cứu nạn tàu BL-93222TS.

Tàu cá BL-93573TS, có 9 ngư dân do bà Nguyễn Thị Liên làm chủ và tàu cá KG-9959 TS có 8 ngư dân do ông Trần Văn Nòng làm chủ bị sóng to, gió lớn, máy có công suất nhỏ, không chạy vào bờ tránh trú bão được, xin thả trôi sang vùng biển Indonesia. Tàu cá BL-93683 TS, có 9 ngư dân, do bà Vũ Thị Ánh Hường làm chủ, không vào bờ được, xin vào vùng biển Malaysia tránh bão. Các tàu cá trên đều ở TT.Gành Hào, H.Đông Hải.

Do ảnh hưởng bão số 1, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có mưa lớn kéo dài, kèm gió giật mạnh làm 3.310 ha lúa trên đất nuôi tôm và lúa đông xuân bị đổ ngã và 600 ha lúa bị ngập cục bộ.

Tại tỉnh Sóc Trăng, do ảnh hưởng của bão số 1 gây mưa lớn, gió giật mạnh làm hơn 1.000 ha lúa đông xuân đang trổ đòng và sắp thu hoạch bị đổ ngã gây thiệt hại lớn.

Hơn 11.310 ha lúa mới gieo sạ bị ngập nước

Sáng 2.1, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đi kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đợt mưa lũ từ ngày 28.12.2018 đến nay, tỉnh có 11.310 ha lúa mới gieo sạ bị ngập nước.

Cùng ngày, ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết 3 ngày qua triều cường đã tấn công, đánh sập 4 nhà dân, uy hiếp hơn 20 hộ dân khác và Trạm hải đăng ở P.6, TP.Tuy Hòa.

Mưa lớn kéo dài suốt những ngày qua khiến hàng trăm héc ta lúa vụ đông xuân 2018 - 2019 ở Quảng Ngãi vừa mới gieo sạ bị ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nặng.

Hoàng Trọng - Đức Huy - Hiển Cừ/Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bão số 1 gây gió giật cấp 10