Thủ tướng Trinidad và Tobago, Keith Rowley cảm thấy không hề vui về tình hình phân phối vắc xin COVID-19 hiện tại trên toàn cầu, theo trang NPR của Mỹ.

Bát nháo giá bán vắc xin COVID-19 trên thế giới

Quỳnh Yên | 06/06/2021, 12:54

Thủ tướng Trinidad và Tobago, Keith Rowley cảm thấy không hề vui về tình hình phân phối vắc xin COVID-19 hiện tại trên toàn cầu, theo trang NPR của Mỹ.

“Chúng tôi lo vì đang hoặc sẽ xảy ra tình trạng tích trữ, chặt chém giá vắc xin”, ông nói trong một cuộc họp báo chung với người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây.

Ông biết quá rõ việc tiếp cận vắc xin hiện tại khó khăn như thế nào. Ở nước ông, quốc gia nhỏ bé khoảng hơn 1,3 triệu dân ở biển Caribê chỉ mới chích ngừa được cho những nhân viên ở tuyến đầu tiên trên tuyến đầu chống dịch nhờ Ấn Độ tặng một số liều vắc xin cho Barbados và nước này tặng lại một ít cho các nước láng giềng trong vùng.

Về giá, trong một thế giới lý tưởng, một lọ vắc xin lẽ ra nên có giá đồng nhất trên toàn cầu. Nhưng ở giai đoạn hiện nay thật khó để tìm kiếm những dữ liệu căn bản như chi phí sản xuất một lọ vắc xin là bao nhiêu vì các công ty giữ bí mật, không tiết lộ giá chính xác.

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), dựa trên báo cáo từ các địa phương, tường trình của Reuters và tài liệu từ nhiều nguồn khác đã dựng nên một bảng tổng hợp cho thấy các quốc gia và các tổ chức phi lợi nhuận đang phải trả bao nhiêu cho một liều vắc xin.

Có một sự cách biệt đáng kể về giá giữa các loại vắc xin, vì có loại vắc xin giá thành sản xuất cao hơn loại khác. Tuy nhiên, ngay cả với cùng một loại vắc xin như AstraZeneca thì giá bán cũng khác nhau không ít, tùy người mua.

vacixn.jpg
Vắc xin AstraZeneca do Anh sản xuất được cam kết "không vì lợi nhuận trong thời gian đại dịch" tuy nhiên các quốc gia cũng phải trả với nhiều mức giá khác nhau

AstraZeneca không tiết lộ giá bán chính xác mặc dù CEO của công ty, Pascal Soriot nhiều lần cam kết cung cấp rộng rãi vắc xin này không vì lợi nhuận trong thời gian đại dịch.

Điều này dẫn tới những báo cáo về việc các chính phủ ở những khu vực khác nhau trên thế giới trả những giá rất khác nhau để mua loại vắc xin này. Và có những ví dụ về việc những nước nghèo hơn lại phải trả giá cao hơn cả nước giàu cho cùng một loại sản phẩm.

Nam Phi trả 5,25 USD một liều cho loại vắc xin do Ấn Độ sản xuất, trong khi một hợp đồng giữa AstraZeneca với Ủy ban Châu Âu cho thấy người châu Âu chỉ trả 3,50 USD một liều vắc xin loại này. Uganda, một nước nghèo, thậm chí dường như còn phải trả tới 8,50 USD một liều, theo Reuters và các quan chức chính phủ nước này. Cho dù khác biệt về giá chỉ là vài ba đôla một liều thì với hàng triệu, chục triệu, trăm triệu liều phải mua, chi phí sẽ là khổng lồ.

Theo dữ liệu có được, chi phí để chích một số loại vắc xin khác còn cách biệt khủng khiếp hơn. Được biết, chi phí để chích một liều vắc xin Sinopharm, công ty được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, là từ 18,50 USD ở Senegal cho đến 44-72,50 USD trong nội địa Trung Quốc. Đó là một vắc xin chưa được cơ quan thẩm định lớn nào ngoài Trung Quốc cấp phép (ngoại trừ WHO mới đây).

Manuel Martin, người làm việc cho tổ chức Thầy thuốc Không biên giới, nói các nước nhỏ gặp bất lợi trong việc thương lượng mua vắc xin từ các công ty sản xuất.

“Các nước nhỏ không đủ mãi lực và khả năng thương lượng tay đôi, dù cho họ giàu”, Martin nói thêm. “Rõ ràng, các nhà sản xuất không mặn mà với việc bán những lượng nhỏ vắc xin cho các nước nhỏ thay vì bán lượng lớn cho những quốc gia có dân số lớn và sức mua lớn hơn”.

Sáng kiến toàn cầu COVAX do WHO điều hành, tổ chức GAVI và Liên minh Cải tiến sự Sẵn sàng cho đại dịch đang tìm cách mang lại sự tiếp cận công bằng hơn với vắc xin trên toàn cầu, cung cấp vắc xin miễn phí hoặc với giá rẻ cho các quốc gia có nhu cầu.

Nhưng ngay cả COVAX cũng không tiết lộ chính xác họ trả bao nhiêu cho mỗi loại vắc xin.

Ngay cả những quốc gia thu nhập trung bình từng làm chủ nhà cho các công ty dược thử nghiệm lâm sàng vắc xin của họ cũng thấy khó thương lượng với những công ty mà họ đã giúp đỡ.

vaccintq.jpeg
Vắc xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất

Argentina từng làm chủ nhà cho cuộc thử nghiệm lớn giai đoạn 3 vắc xin của Pfizer nhưng đã không đạt thỏa thuận với công ty này để mua sản phẩm hiệu quả cao của họ.

Peru thì tiến hành thử nghiệm cho Sinopharm nhưng khi việc thử nghiệm kết thúc nước này đã không được giảm giá mua vắc xin này.

“Có những người đưa cơ thể của họ ra để thúc đẩy việc phát triển các loại vắc xin, nhưng đến lúc cần tiếp cận vắc xin thì họ lại bị gạt ra”, Martin nói. “Giá cả chỉ là một yếu tố, yếu tố kia là họ có được tiếp cận vắc xin hay không”.

Theo ông, có một thứ “chủ nghĩa apartheid vắc xin” đang phát triển, trong đó người giàu được chích ngừa sớm và chích loại vắc xin có hiệu quả nhất.

Martin cảnh báo, với các biến chủng mới đang tiếp tục lây lan, sự bất bình đẳng vắc xin trên toàn cầu sẽ còn tệ hại hơn.

“Các biến chủng mới có thể thoát được một số loại vắc xin, và rồi những vắc xin đó là những loại mà các nước giàu không muốn dùng và được cung cấp cho quốc gia nào cần”, ông nói. “Chúng ta có lẽ rồi sẽ chứng kiến tình trạng bất bình đẳng hơn nữa giữa các nước thu nhập cao và các nước đang phát triển về chất lượng và sự thỏa đáng trong vấn đề vắc xin”.

Thủ tướng Trinidad và Tobago, Rowley nói mọi sự lẽ ra không nên như vậy: “Lịch sử đầy những ví dụ về cách ứng xử mang tính hủy hoại, sự thống trị bất chấp, những bất cân đối và những hình thức bất nhân khác của con người với con người.

Ông kêu gọi phân phối vắc xin toàn cầu theo mô hình “chia sẻ và chăm sóc”, mang lại sự tiếp cận vắc xin bình đảng cho các nước nhỏ, mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại chứ không chỉ số ít giàu có, đặc quyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bát nháo giá bán vắc xin COVID-19 trên thế giới