Một số chuyên gia ở Anh đã sớm kết luận rằng bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua quan hệ tình dục. Sự thật ra sao?

Bệnh đậu mùa khỉ có lây qua quan hệ tình dục, uống thuốc gì điều trị và phòng ngừa thế nào?

Sơn Vân | 20/05/2022, 22:24

Một số chuyên gia ở Anh đã sớm kết luận rằng bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua quan hệ tình dục. Sự thật ra sao?

Hôm 20.5, Pháp xác nhận một ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, trở thành quốc gia châu Âu mới nhất đối mặt với loại vi rút liên quan đến căn bệnh thường chỉ xuất hiện ở Châu Phi.

Cơ quan y tế Pháp cho biết trường hợp này là người đàn ông 29 tuổi ở vùng Paris, gần đây không có tiền sử du lịch đến một quốc gia có vi rút lưu hành. Họ cho biết anh bị bệnh nhẹ và đang cách ly tại nhà.

Các trường hợp nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở Mỹ, Canada và một số quốc gia châu Âu khác: Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Bỉ, Đức.

WHO cho biết nhiều ca bệnh được báo cáo ở những người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Bệnh đậu mùa khỉ trước đây chưa được ghi nhận lây lan qua đường tình dục, nhưng có thể lây truyền khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, quần áo hoặc ga trải giường của họ.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) là cơ quan y tế đầu tiên tại châu Âu báo cáo công khai một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 7.5, ở một người gần đây đến từ Nigeria.

Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của UKHSA, cho biết: “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những người nam đồng tính và song tính nhận thức được bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương bất thường nào và liên hệ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục ngay lập tức”.

UKHSA khuyến cáo nên đặc biệt chú ý đến các tổn thương trên cơ quan sinh dục.

Hôm 20.5, UKHSA đã phát hiện 11 ca bệnh đậu mùa khỉ mới ở Anh, nâng tổng số trường hợp lên 20.

Trước đây, Anh đã báo cáo tổng cộng 9 ca bệnh nhẹ, đặc trưng bởi các triệu chứng sốt cũng như phát ban sần sùi đặc biệt.

"Chúng tôi cho rằng sự gia tăng này sẽ tiếp tục trong những ngày tới và nhiều trường hợp hơn sẽ được xác định trong cộng đồng rộng lớn hơn. Ngoài ra, chúng tôi đang nhận được báo cáo về các ca bệnh khác được xác định ở các quốc gia trên toàn cầu. Chúng tôi tiếp tục nhanh chóng điều tra nguồn gốc của những ca bệnh này và nâng cao nhận thức của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe", Susan Hopkins nói.

Bộ trưởng Y tế Anh - Sajid Javid cho biết đã cập nhật cho các bộ trưởng y tế G7 về những gì được biết cho đến nay về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.

"Hầu hết các trường hợp đều nhẹ và tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã mua thêm liều vắc xin có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ", Sajid Javid nói trên Twitter.

Không có vắc xin cụ thể cho bệnh đậu mùa khỉ nhưng UKHSA cho biết vắc xin đậu mùa cung cấp một số biện pháp bảo vệ.

Theo WHO, dữ liệu cho thấy vắc xin được sử dụng để diệt trừ bệnh đậu mùa có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85%.

Hôm 18.5, các quan chức Mỹ đã báo cáo một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở người đàn ông gần đây đi du lịch đến Canada. Cơ quan y tế Canada sau đó xác nhận hai ca bệnh liên quan và 17 trường hợp nghi ngờ đang được điều tra xung quanh thành phố Montreal.

Tính đến sáng 20.5, Tây Ban Nha cùng Bồ Đào Nha đã phát hiện hơn 40 ca nghi ngờ và được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ; Ý và Thụy Điển mỗi nước xác nhận một trường hợp.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một họ hàng của đậu mùa (được loại trừ vào năm 1980) nhưng ít lây truyền hơn, gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và ít gây chết người hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.

Theo WHO, triệu chứng sau cùng (sưng hạch bạch huyết) thường giúp các bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc đậu mùa.

Một khi bạn bị sốt, đặc điểm chính của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, có xu hướng phát triển từ 1 đến 3 ngày sau đó, thường bắt đầu trên mặt, sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các tổn thương sẽ trải qua một quá trình từ dát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi lên), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch), sau đó là mụn mủ (tổn thương chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy (tổn thương đóng vảy) trước khi rơi ra.

benh-dau-mua-khi-co-lay-qua-quan-he-tinh-duc1.jpg
Một bé gái Zaire 7 tuổi bị bệnh đậu mùa khỉ ở giai đoạn cấp tính, ngày thứ 7 bị phát ban, và bệnh đậu mùa khỉ ở một cậu bé Zaire 3 tuổi bị phát ban ở giai đoạn đóng vảy - Ảnh: WHO

Tại sao được gọi là bệnh đậu mùa khỉ?

Vi rút đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Nó được phát hiện lần đầu tiên năm 1958 khi hai đợt bùng phát của một căn bệnh giống thủy đậu xảy ra trên những con khỉ trong phòng thí nghiệm được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên như vậy.

Thế nhưng, khỉ có thể không phải là loài gây ra các đợt bùng phát bệnh này và vẫn chưa xác định được ổ chứa tự nhiên của bệnh đậu mùa khỉ, dù WHO nói nhiều khả năng là loài gặm nhấm.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho hay: “Ở châu Phi, bằng chứng về sự lây nhiễm vi rút đậu mùa khỉ đã được tìm thấy ở nhiều loài động vật bao gồm sóc dây, sóc cây, chuột khổng lồ Gambian, chuột sóc, các loài khỉ khác nhau”.

Bệnh đậu mùa khỉ thường được tìm thấy ở đâu?

Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu gây ra các đợt bùng phát ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới Trung và Tây Phi, không thường thấy tại châu Âu.

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người vào năm 1970.

Kể từ đó, các ca bệnh đã được báo cáo ở 11 quốc gia châu Phi: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận bên ngoài châu Phi có liên quan đến việc nhập khẩu động vật có vú nhiễm bệnh vào Mỹ hồi năm 2003.

Gần đây hơn, vào năm 2018 và 2019, hai du khách từ Vương quốc Anh, một từ Israel và một từ Singapore, cả hai đều có lịch sử du lịch tại Nigeria, đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Bệnh đậu mùa khỉ có lây qua quan hệ tình dục?

Bạn có thể nhiễm vi rút từ vết cắn hoặc vết cào của động vật nhiễm bệnh, ăn thịt thú rừng, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chạm vào giường hoặc quần áo bị ô nhiễm.

Vi rút xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng).

Sự lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu xảy ra qua các giọt bắn đường hô hấp lớn, thường không thể di chuyển quá vài feet, vì vậy cần phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài.

Một số chuyên gia Anh bình luận về đợt bùng phát bệnh gần đây tại nước này, đã sớm kết luận rằng bệnh đậu khỉ đã lây lan qua quan hệ tình dục, nhưng đó là một khả năng.

benh-dau-mua-khi-co-lay-qua-quan-he-tinh-duc11.jpg
Một đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi bệnh đậu mùa khỉ được điều trị tại Cộng hòa Trung Phi ngày 18.10.2018 - Ảnh: AFP

Neil Mabbott, chuyên gia về bệnh tại Đại học Edinburgh (Scotland), cho biết: “Các trường hợp gần đây cho thấy một phương thức lây lan mới có khả năng qua đường tình dục”.

Trong khi Keith Neal, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham (Anh), nói sự lây truyền có thể không xảy ra qua hoạt động tình dục mà chỉ là “tiếp xúc gần gũi với quan hệ tình dục”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng "bất kỳ ai, bất kể khuynh hướng tình dục, đều có thể lây bệnh đậu mùa khỉ khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể, vết loét do bệnh đậu mùa khỉ hoặc các đồ dùng chung (như quần áo và giường) đã nhiễm vi rút".

Có nên lo lắng không?

Bệnh đậu mùa khỉ thường là bệnh nhẹ và hầu hết mọi người sẽ bình phục trong vòng vài tuần”, UKHSA cho biết.

Tiến sĩ Colin Brown, Giám đốc lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng mới nổi của UKHSA, nói: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan giữa người với người và nguy cơ tổng thể với công chúng là rất thấp”.

Có hai chủng vi rút đậu mùa khỉ chính: Chủng Tây Phi, có tỷ lệ tử vong hơn 1%; chủng Congo, nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên đến 10%.

Các bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Anh nhiễm vi rút thuộc chủng Tây Phi.

Theo số liệu của WHO, bệnh đậu mùa khỉ đã được chứng minh là có thể gây tử vong cho 10% bệnh nhân nhiễm vi rút chủng Congo, so với khoảng 30% ở bệnh đậu mùa.

Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thanh niên, những người suy giảm miễn dịch đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh nặng.

WHO cảnh báo mắc bệnh đậu mùa khỉ khi mang thai cũng có thể dẫn đến các biến chứng, trẻ em bị bệnh này bẩm sinh hoặc thai chết lưu.

"Các trường hợp nhẹ hơn của bệnh đậu mùa khỉ có thể không bị phát hiện và có nguy cơ lây truyền từ người sang người", WHO cho hay.

Điều trị và phòng ngừa

Bệnh đậu mùa khỉ thường tự khỏi, nhưng một loại thuốc kháng vi rút đường uống có tên Tecovirimat đã được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vào đầu năm nay để điều trị bệnh đậu mùa, đậu mùa khỉ và đậu mùa bò. Tecovirimat có thể hạn chế sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Theo WHO, việc tiêm vắc xin bệnh đậu mùa được cho là có hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Thế nhưng vì bệnh đậu mùa được cho bị diệt trừ hơn 40 năm trước, nên những người trẻ hơn "không còn được hưởng lợi từ sự bảo vệ của các chương trình tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa trước đây".

Một loại vắc xin mới hơn do công ty dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) phát triển để phòng ngừa cả bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ đã được phê duyệt ở EU, Mỹ và Canada (dưới tên thương mại Imvanex, Jynneos và Imvamune), nhưng nó chưa phổ biến rộng rãi.

CDC cho biết các chất khử trùng gia dụng thông thường có thể tiêu diệt vi rút đậu mùa khỉ.

Giới chức y tế Mỹ vừa ký một thỏa thuận trị giá 119 triệu USD để mua vắc xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ của Bavarian Nordic.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh (BARDA), cơ quan chính phủ Mỹ phụ trách đối phó đại dịch và khủng hoảng sinh học, đã ký hợp đồng với Bavarian Nordic để mua vắc xin Jynneos đông khô.

Hợp đồng có giá trị ban đầu 119 triệu USD, nhưng tổng giá trị có thể tăng thêm 180 triệu USD (lên tới 299 triệu USD) nếu Mỹ muốn mua thêm. Khi đó, số vắc xin mà Mỹ nhận được sẽ là khoảng 13 triệu liều.

Vắc xin Jynneos được tạo ra để điều trị bệnh đậu mùa, nhưng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019. Việc chuyển vắc xin Jynneos sang dạng đông khô sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng.

Bavarian Nordic từng làm việc với Mỹ kể từ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2003, cung cấp gần 30 triệu liều vắc xin Jynneos.

Bài liên quan
Mỹ có ca bệnh đậu mùa ở khỉ đầu tiên trong năm, Anh cảnh báo đến người đồng tính nam và song tính
Sở Y tế cộng đồng bang Massachusetts hôm 18.5 cho biết đã xác nhận một người đàn ông nhiễm vi rút đậu mùa ở khỉ gần đây đi du lịch đến Canada.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh đậu mùa khỉ có lây qua quan hệ tình dục, uống thuốc gì điều trị và phòng ngừa thế nào?