Cấy ghép nội tạng lợn vào bệnh nhân đã gây chú ý trên toàn cầu tuần qua với hai thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng sự cân nhắc về mặt đạo đức, chẳng hạn lây truyền vi rút, là rào cản để việc này trở thành thông lệ.
Nhịp đập khoa học

Bệnh nhân ở Trung Quốc, Mỹ được cấy ghép nội tạng lợn và mối lo lây truyền vi rút không được phát hiện

Sơn Vân 30/03/2024 16:25

Cấy ghép nội tạng lợn vào bệnh nhân đã gây chú ý trên toàn cầu tuần qua với hai thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng sự cân nhắc về mặt đạo đức, chẳng hạn lây truyền vi rút, là rào cản để việc này trở thành thông lệ.

Thành tựu đầu tiên liên quan đến việc các bác sĩ Trung Quốc ghép gan lợn cho một bệnh nhân bị chết não. Ca phẫu thuật đột phá giúp các cơ quan bệnh nhân hoạt động trong 10 ngày trước khi bị loại bỏ theo nguyện vọng của gia đình. Ở Trung Quốc, chết não không được coi là cái chết chính thức theo luật.

Ca ghép thận quan trọng thứ hai diễn ra ở Mỹ, nơi thận lợn được ghép cho một bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Thủ tục này trước đây được thực hiện trên những bệnh nhân chết lâm sàng.

Những ca phẫu thuật dạng này đã chứng minh tiềm năng cứu sống người bằng phương pháp cấy ghép dị loài (cấy ghép các cơ quan hoặc mô từ loài này sang loài khác).

Theo trang SCMP, Albert Chan Chi-yan, giáo sư lâm sàng tại Đại học Hồng Kông và Giám đốc Trung tâm Cấy ghép Gan Bệnh viện Queen Mary, cho biết: “Một trong những lợi ích tiềm năng của phương pháp cấy ghép dị loài là nguồn cung ghép vô hạn sẽ giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép khẩn cấp”.

Nguồn cung cấp nội tạng vô hạn có thể mang lại hy vọng cho hàng trăm ngàn bệnh nhân trên khắp thế giới đang chờ đợi tên mình đứng đầu danh sách cấy ghép giữa bối cảnh thiếu hụt nội tạng người.

Thế nhưng, những lo ngại về mặt đạo đức có thể là một rào cản không nhỏ.

“Một mối lo ngại là nguy cơ lây truyền bệnh từ các loài động vật sang người”, Albert Chan Chi-yan nói.

Lợn được sử dụng để cấy ghép cho người thường được nhân giống trong các cơ sở chuyên biệt để đảm bảo chúng không có mầm bệnh. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thành công.

Vào năm 2022, ca cấy ghép mang tính bước ngoặt chứng kiến quả tim lợn đầu tiên đặt vào bệnh nhân mắc bệnh tim giai đoạn cuối đã kết thúc bằng cái chết của người này do một loại vi rút không được phát hiện.

David Bennett (từng sống ở bang Maryland, Mỹ) được cấy ghép tim heo vào ngày 7.1.2022 và qua đời sau đó hai tháng. Bác sĩ Muhammad Mohiuddin, Đại học Maryland (Mỹ) - người đã thực hiện ca cấy ghép cho David Bennett, nói vi rút mang tên cytomegalovirus có thể là nguyên nhân gây tử vong.

Cytomegalovirus là vi rút thường gây ra các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu hay giời leo, có thể dễ dàng lây truyền thông qua việc tiếp xúc với dịch của người nhiễm bệnh. Theo hãng tin AP, khám nghiệm tử thi sau cái chết của David Bennett cho thấy quả tim heo bơm máu tốt, nhưng mô sẹo khiến nó dày lên và không thể giãn ra hoàn toàn sau khi bơm máu.

Khám nghiệm cũng cho thấy sự hiện diện của cytomegalovirus ở heo. Phân tích PCR dựa trên mô từ tim David Bennett cho thấy có ADN của cytomegalovirus, dù các bác sĩ không tìm thấy dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng.

Bác sĩ Muhammad Mohiuddin nói trước khi ghép tim, con heo đã được xét nghiệm bằng tất cả phương pháp hiện có.

Phát biểu tại một hội nghị khoa học, bác sĩ Muhammad Mohiuddin cho rằng cytomegalovirus là 1 trong 3 hoặc 4 yếu tố khiến David Bennett tử vong, đặc biệt tình trạng suy yếu của bệnh nhân trước, trong và sau ca phẫu thuật.

David Bennett bị suy tim nặng và không đủ điều kiện để cấy ghép tim người. Do đó, ông trở thành ứng cử viên thích hợp cho quy trình cấy ghép dị loài. Trước đây, việc cấy ghép dị loài đã được thử nghiệm ở khỉ đầu chó.

benh-nhan-o-trung-quoc-my-duoc-cay-ghep-noi-tang-lon-va-moi-lo-lay-truyen-vi-rut-khong-duoc-phat-hien.jpg
Trước khi nội tạng lợn có thể được sử dụng thường xuyên trong các hoạt động cấy ghép cho người, các câu hỏi về đạo đức phải được giải quyết - Ảnh: AP

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), dù “những lợi ích tiềm tàng là đáng kể” nhưng khả năng lây truyền các tác nhân truyền nhiễm vẫn là mối lo ngại lớn, đặc biệt là khi một số vi rút có thể không được phát hiện trước khi cấy ghép.

Albert Chan Chi-yan cho biết: “Khả năng dung nạp cơ quan mới và nguy cơ đào thải cấp tính là những vấn đề khác cần khắc phục trong lĩnh vực này”.

Động vật được sử dụng trong phương pháp cấy ghép dị loài thường được biến đổi gien để giảm nguy cơ đào thải nội tạng. Lợn cũng có thể được biến đổi gien để thêm vào gien của con người nhằm đảm bảo cơ quan phù hợp hơn.

Theo tạp chí Nature, quả thận được sử dụng trong ca cấy ghép ở Mỹ vào tuần trước đến từ một con lợn có kỷ lục 69 lần chỉnh sửa gien.

Các nhà khoa học ở Trung Quốc cũng theo đuổi việc nhân bản hóa động vật hiến tặng bằng cách đưa tế bào gốc của con người vào phôi lợn, tạo ra phôi có thận được tạo thành chủ yếu từ tế bào người.

Ở nghiên cứu này, các nhà khoa học thừa nhận mối lo ngại lớn về mặt đạo đức rằng tế bào con người có thể tồn tại trong não hoặc bộ phận sinh dục của phôi, điều này có khả năng biến đổi thành tế bào sinh dục.

Albert Chan Chi-yan nói cũng có thể tồn tại những lo ngại về “tác động tâm lý với người nhận nội tạng” sau phẫu thuật.

Theo hướng dẫn của FDA, việc cấy ghép nội tạng động vật vào người nên chỉ giới hạn ở những bệnh nhân mắc “bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng” mà không có phương pháp điều trị thay thế có sẵn nào.

Bất chấp những lo ngại về mặt đạo đức, một báo cáo về cuộc họp năm 2018 ở Trung Quốc có sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng cấy ghép dị loài “thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung cấp nội tạng người để cấy ghép”.

Việc cấy ghép dị loài vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và Albert Chan Chi-yan cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ông nói: “Nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào cách chỉnh sửa gien có thể giúp biến đổi cơ quan động vật để trở nên hoàn toàn phù hợp và được chấp nhận cho ứng dụng vào con người”.

Bài liên quan
Cấy ghép nội tạng từ những người hiến tặng mắc COVID-19 có thể an toàn
Việc cấy ghép nội tạng từ những người chết do COVID-19 hiện tại hoặc trước đó có thể là an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân ở Trung Quốc, Mỹ được cấy ghép nội tạng lợn và mối lo lây truyền vi rút không được phát hiện