Nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho chồng và cháu gái.
Chiều 3.4, HĐXX TAND TP.HCM tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan gửi lời cảm ơn các cơ quan công an đã động viên, chăm sóc bị cáo; cảm ơn HĐXX đã điều hành phiên tòa dân chủ, tạo điều kiện cho bị cáo trình bày nhiều vấn đề có liên quan đến tội danh của mình. Bà Trương Mỹ Lan và gia đình xin ghi nhận sự tận tâm của các luật sư trong suốt thời gian qua.
Bị cáo Lan xin HĐXX xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” của bị cáo. Trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, bị cáo cho rằng mình luôn nghiêm túc và tự nhận trách nhiệm về hành vi Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Bị cáo cũng xin HĐXX không xem bị cáo như là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ án này.
Bà Trương Mỹ Lan bật khóc và cho biết trước đó gia đình luôn sum vầy đoàn kết bên nhau. Khi vụ án xảy ra, nhiều người đi tù, gia đình tan nát. “Tôi tan nát cả cõi lòng. Dù sao tôi cũng là phận đàn bà. Tôi đau không thể diễn tả thành lời”, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói.
Cuối lời, bà Lan xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho chồng, cháu gái vì họ chỉ tin tưởng và làm theo ý kiến của bà để rồi vướng vòng lao lý.
Trước đó, trong phần tranh tụng, đại diện VKS bảo lưu quan điểm truy tố với bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn, cũng như cách tính toán thiệt hại trong vụ án. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 22 bị cáo, trong đó có chồng và cháu gái bà Lan.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh, gồm Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án tử hình cho 3 tội danh.
Theo cáo trạng, bà Lan và “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát đã được SCB “bơm” gần 1,07 triệu tỉ đồng, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, và đều là nợ không thể thu hồi. Bà chủ Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỉ đồng.
Ở phần đối đáp, theo phân tích của VKS, bản chất vụ án là bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn nhằm chiếm đoạt tiền, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Khác với các vụ án vi phạm quy định ngân hàng khác, VKS cho rằng trong vụ án này, việc đưa tài sản vào làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ là phương thức thủ đoạn phạm tội, bởi tài sản đảm bảo có thể được rút ra, hoán đổi bất cứ thời điểm nào theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan; nhiều tài sản không được đăng ký giao dịch đảm bảo, không có pháp lý…
Ngoài ra, VKS xét thấy trong số 1.169 tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan bị kê biên, chỉ có khoảng 60 tài sản được bị cáo mua trước năm 2012, còn lại khoảng 1.109/1.169 tài sản bị cáo mua sau năm 2012 (chiếm 94,8%). Thời điểm hình thành các tài sản trên trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét lại việc VKS quy buộc Trương Mỹ Lan đưa tài sản thế chấp là phương thức, thủ đoạn rút tiền SCB. “Nếu đây là phương thức, thủ đoạn của bị cáo thì cuối cùng bị cáo lại vừa mất tài sản, vừa đứng trước hình phạt tử hình”, luật sư trình bày.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần nói lời sau cùng của các bị cáo còn lại.