Newsweek đưa tin Bình Nhưỡng hy vọng nối lại tình hữu nghị thời Chiến tranh Lạnh với Cuba, sau khi CHDCND Triều Tiên dọa tấn công nước Mỹ.

Bị nhiều nước cắt quan hệ, Triều Tiên tăng cường hữu nghị với Cu Ba

Trần Trí | 18/11/2017, 18:27

Newsweek đưa tin Bình Nhưỡng hy vọng nối lại tình hữu nghị thời Chiến tranh Lạnh với Cuba, sau khi CHDCND Triều Tiên dọa tấn công nước Mỹ.

Ngày 17.11, hãng thông tấn KCNA thông báo Ngoại trưởng Ri Yong-ho sẽ cùng đoàn đại biểu Triều Tiên đi thăm Cuba, trong hy vọng vận động sự ủng hộ của quốc tế, vào lúc Triều Tiên bị cấm vận vì chương trình thử tên lửa hạt nhân.

Báo Washington Post nêuchuyến thăm Cuba diễn ra lúc các đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng đều tuyên bố sẽ ngưng quan hệ thương mại với Triều Tiên: ngày 16.11, Singapore và Philippines (hai đối tác thương mại lớn hàng thứ 7 và 5 của Triều Tiên) đều tuyên bố ngưng quan hệ thương mại.

Như vậy, Triều Tiên đang phải đối diện sự cô lập của cộng đồng quốc tế, tiếp sau việc Bình Nhưỡng dọa tấn công hạt nhân vào nước Mỹ, cảnh cáo Mỹ và thế giới rằng Triều Tiên có thể thử một quả bom nhiệt hạch (bom H) cực mạnh ở Thái Bình Dương.

Ngày 17.11, các nước khác như Sudan tuyên bố sẽ cắt quan hệ quân sự và thương mại với Triều Tiên, như “một chiến thắng đáng kể” cho nỗ lực cô lập Triều Tiên của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo báo The Times of Israel.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã khuyến khích các nước châu Phi khác cắt quan hệ với Bình Nhưỡng, trong cuộc gặp những đồng cấp châu Phi của ông tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 17.11.

Hồi tháng 9, Ai Cập, Uganda, Philippines, Mexico, Peru, Kuwait và Tây Ban Nha đã trục xuất các nhà ngoại giao Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6hôm 3.9.

Báo Washington Post nêu chuyến thăm Cuba chắc chắn không vì những lý do kinh tế, vì Cuba không thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên.

Thay vào đó, có lẽ Triều Tiên-Cuba sẽ tìm giải pháp đối phó với những căng thẳng ngoại giao mà cả hai nước đều có với Mỹ, và bàn cách thúc đẩy hợp tác song phương vào lúc bị cô lập và trừng phạt.

Ngày 8.11, chính phủ Mỹ đã tuyên bố các biện pháp nhằm siết chặt lệnh trừng phạt đối với Cuba kể từ ngày 9.11. Theo đó, các công dân Mỹ sẽ bị cấm giao thương với một số tổ chức thuộc quản lý của chính phủ và quân đội Cuba.

Các quy định này gồm lệnh cấm người dân Mỹ được giao dịch làm ăn với khoảng 180 tổ chức và doanh nghiệp, hơn 100 công ty du lịch và công ty cổ phần của Cuba.

Ngoài ra, 18 khách sạn nhà nước của Cuba và cả trung tâm thương mại bán hàng xa xỉ mới mở ở Havana cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Các chuyến đi thuộc dạng “giao lưu nhân dân”, hình thức du lịch từ Mỹ tới Cuba phổ biến nhất và từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nới lỏng việc đăng ký và kiểm soát, nay chỉ có thể được thực hiện dưới bảo trợ của một tổ chức thuộc thẩm quyền tư pháp Mỹ và phải có một người thuộc tổ chức này đi kèm.

Nhà Trắng cho biết đây là động thái nhằm ngăn chặn các tổ chức quân sự, tình báo và an ninh Cuba được hưởng lợi từ các hoạt động thương mại cũng như du lịch của công dân Mỹ.

Các quy định mới của chính phủ Mỹ nhằm cụ thể hóa tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump hồi tháng 6, trong đó kêu gọi tăng cường các lệnh cấm nhằm vào Cuba.

Tổng thống Trump chỉ trích chính phủ Cuba và cho rằng chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã đã thực thi nhiều biện pháp để nới lỏng các lệnh cấm vận kéo dài hàng chục năm với Cuba.

Nhiều nhà kinh tế đã lên tiếng chỉ trích chính sách này, trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy đa phần người dân Mỹ muốn chấm dứt chính sách bao vây cấm vận Cuba.

Trong khi đó hồi tháng 9, toàn thể 15 nước Ủy viên Hội đồng bảo an LHQ thông qua nghị quyết mới tăng cường cách lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất là cấm toàn bộ hàng dệt may xuất khẩu của Triều Tiên, một mặt hàng công nghiệp mang lại nguồn thu gần 1 tỉ USD cho Bình Nhưỡng.

Bên cạnh đó, nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng tính từ ngày 1.10 và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 1.1.2018.

Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng/năm.Theo giới chức Mỹ, nếu thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt, Triều Tiên sẽ thiệt hại hơn 2 tỉ USD thu nhập từ xuất khẩu và các hoạt động kinh tế khác.

Tổng thống Trump cũng ký một sắc lệnh mở rộng lệnh Mỹ trừng phạt Triều Tiên, một động thái cho thấy Nhà Trắng dồn ép Bình Nhưỡng bằng các trừng phạt kinh tế, để Triều Tiên bị “đá văng” khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế, trong khi cũng chĩa mũi dùi vào ngành hàng hải và các ngành công nghiệp chủ đạo của Triều Tiên.

Theo báo New York Times, đây không phải lần đầu Cuba-Triều Tiên tìm đến nhau. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, thủ lĩnh Che Guevarra thuộc chính quyền cách mạng Cuba từng thăm Triều Tiên năm 1950, ca ngợi chế độ của ông Kim Nhật Thành là “mô hình để Cuba học tập noi theo”.

Khi hai nước đều bị cấm vận kinh tế, Cuba-Triều Tiên sẵn sàng hợp tác với nhau bằng mọi giá. Năm 2013, một tàu thủy mang cờ hiệu Triều Tiên bị chính quyền Panama bắt, sau khi phát hiện tàu giấu vũ khí Cuba và chiến đấu cơ dưới những bao đường thẻ khởi hành từ Cuba.

Theo Newsweek, hiện phải chờ xem Mỹ sẽ giám sát cuộc quan hệ mới giữa Cuba-Triều Tiên thế nào, nhất là liệu Havana-Bình Nhưỡng có muốn đạt được bất kỳ thỏa thuận quân sự nào hay không, vào lúc đang có cảm xúc Chiến tranh Lạnh tái diễn.

Cuba từng giữ một vai trò lớn trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1963: 13 ngày căng thẳng quân sự-chính trị giữa Mỹ-Liên Xô về việc Moscow dàn tên lửa trên lãnh thổ Cuba.

Lúc đó ai cũng nghĩ thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân. Nhưng rồi lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev đạt đến một thỏa thuận với Tổng thống John F. Kennedy: Liên Xô rút dàn tên lửa với điều kiện Mỹ không xâm chiếm Cuba.

Bảo Vĩnh (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp ‘chết yểu’ ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị nhiều nước cắt quan hệ, Triều Tiên tăng cường hữu nghị với Cu Ba