Các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện một biến thể SARS-CoV-2 mới có tên B.1.1.529 với số lượng nhỏ và đang nghiên cứu để tìm hiểu những tác động tiềm ẩn của nó.
Các nhà khoa học Nam Phi nói với các phóng viên tại cuộc họp báo rằng biến thể B.1.1.529 - có "đột biến rất bất thường".
B.1.1.529 có thể giúp vi rút SARS-CoV-2 tránh miễn dịch do có tới 32 đột biến trong protein gai. Đây là phần mà hầu hết các loại vắc xin sử dụng để hướng dẫn hệ miễn dịch chống SARS-CoV-2.
Đột biến trong protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng xâm nhập vào tế bào và lây lan của vi rút, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. B.1.1.529 lần đầu tiên được phát hiện tại Botswana vào ngày 11.11 vừa qua.
Các dấu hiệu ban đầu từ chẩn đoán ở các phòng thí nghiệm cho thấy B.1.1.529 đã gia tăng nhanh chóng ở tỉnh Gauteng đông dân nhất Nam Phi và có thể đã có mặt ở 8 tỉnh khác của đất nước.
Trong một bản cập nhật thường xuyên hàng ngày về các trường hợp được xác nhận trên toàn quốc, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Nam Phi (NICD) sau đó đã báo cáo 2.465 ca mắc COVID-19 mới, ít hơn một chút so với ngày hôm trước.
NICD không quy sự gia tăng ca COVID-19 là do B.1.1.529 dù một số nhà khoa học hàng đầu trong nước nghi ngờ đó là nguyên nhân.
Nam Phi đã xác nhận khoảng 100 mẫu vật là B.1.1.529, nhưng biến thể này cũng đã được tìm thấy ở Botswana và Hồng Kông. Trường hợp ở Hồng Kông là một du khách đến từ Nam Phi.
Các nhà khoa học tin rằng đến 90% ca COVID-19 mới ở Gauteng có thể là B.1.1.529.
"Dù dữ liệu có hạn, các chuyên gia của chúng tôi đang làm việc ngoài giờ với tất cả các hệ thống giám sát được thiết lập để hiểu biến thể mới và những tác động tiềm ẩn có thể xảy ra", NICD cho biết.
Nam Phi đã đề nghị một nhóm làm việc khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự tiến hóa của SARS-CoV-2 vào ngày 26.11 để thảo luận về B.1.1.529.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi - Joe Phaahla cho biết còn quá sớm để nói liệu chính phủ có áp đặt các hạn chế cứng rắn hơn để đối phó với B.1.1.529 hay không.
Nam Phi là quốc gia đầu tiên phát hiện ra biến thể Beta vào năm ngoái.
Beta là một trong bốn loại được WHO dán nhãn "cần quan tâm" vì có bằng chứng cho thấy biến thể này dễ lây lan hơn và vắc xin hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc chống lại nó.
Quốc gia châu Phi này đã phát hiện một biến thể mới là C.1.2 vào đầu năm nay, nhưng đến nay không thay thế được Delta vốn phổ biến hơn và vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số các bộ gen được giải trình tự trong những tháng gần đây.