Những kẻ cho vay nặng lãi đã lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, để chuyển đổi sang hình thức cho vay qua app.

Biến tướng của tội phạm ‘tín dụng đen’ khi không gian mạng ngày một phát triển

Nhã Thanh | 23/01/2021, 14:48

Những kẻ cho vay nặng lãi đã lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, để chuyển đổi sang hình thức cho vay qua app.

Thao tác đơn giản

Trong nhiều năm qua, hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, tín dụng đen diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Một vài năm gần đây, những kẻ cho vay nặng lãi đã lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, để chuyển đổi sang hình thức cho vay qua app trên các website hay thiết bị di động.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng kết nối Internet, người vay không khó để tìm thấy các ứng dụng (app) mời chào vay. Trong số các app này, không ít các app hoạt động theo kiểu tín dụng đen với các chiêu trò lách luật”.

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, ngắn gọn là người dùng có thể vay một khoản tiền từ vài triệu đồng, vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng nhưng với lãi suất có thể lên đến hàng trăm %. Theo luật sư Cường, khi người vay không trả đúng hẹn thì lãi cộng dồn lãi khiến người vay không có khả năng chi trả. Khi đó, những kẻ cho vay liên tục khủng bố điện thoại, khủng bố tinh thần, uy hiếp, đe dọa để người vay trả tiền, thậm chí liên kết với nhóm đòi nợ thuê để đòi nợ.

bien-tuong-cua-toi-pham-tin-dung-den-khi-khong-gian-mang-ngay-mot-phat-trien.png
Ảnh: Internet

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận và lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Luật sư Cường cũng chỉ ra rằng theo Luật Đầu tư 2020, hoạt động đòi nợ thuê, hay còn gọi là dịch vụ thu hồi nợ bị cấm kể từ ngày 1.1.2021 để giảm thiểu tình trạng móc nối với những kẻ cho vay nặng lãi để đòi nợ thuê, gây mất an ninh trật tự.

Phối hợp với Bộ TT-TT tăng cường quản lý an ninh mạng

Trước tình trạng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Trong một năm qua, lực lượng Công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan; điển hình như tại TP.HCM đã phát hiện hơn 40 kẻ thiết lập 3 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng (lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm), khởi tố đối với 5 bị can về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Ngoài ra, để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay qua các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu với Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.

bien-tuong-cua-toi-pham-tin-dung-den-khi-khong-gian-mang-ngay-mot-phat-trien-anh-1.jpg
Ảnh: Internet

Mới đây, cử tri tỉnh Lâm Đồng đã gửi kiến nghị đến Bộ Công an, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ TT-TT phối hợp kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.

Cụ thể, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TT-TT tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến. Tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”…

Bộ Công an cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng...

Bên cạnh đó, TAND Tối cao đã có công văn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự nói chung, trong đó tập trung vào các tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...

        

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, đối với với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 05 - 15 triệu đồng. Nếu mức lãi suất vượt quá 5 lần mức Nhà nước quy định và hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, người cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bài liên quan
Bắt 3 người từ Hải Phòng vào Hà Tĩnh hoạt động tín dụng đen
Từ tháng 6.2018, Phùng Quang Huy cùng đàn em từ Hải Phòng vào TP.Hà Tĩnh thuê địa điểm, phát tờ rơi và cho vay nặng lãi, sau đó tổ chức đòi nợ, xiết nợ trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
15 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến tướng của tội phạm ‘tín dụng đen’ khi không gian mạng ngày một phát triển