Bộ GD-ĐT đã lên tiếng giải thích về cụm từ gây hiểu nhầm là "'thí điểm thử ma túy cho học sinh, sinh viên".
Ngay sau khi thông tin Bộ GD-ĐT ban hành văn bản yêu cầu "Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông", đại diện Bộ GD-ĐT đã lên tiếng.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã ký ban hành kế hoạch về "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021". Trong đó có kế hoạch 455 gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, nhưng có 2 nhiệm vụ gây đã gây chú ý đến các giáo viên và phụ huynh.
Cụ thể nhiệm vụ 4 yêu cầu: "Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông" và Nhiệm vụ 8 yêu cầu: "Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên và học sinh, sinh viên". Chính những câu từ không rõ nghĩa đó đã khiến nhiều giáo viên và phụ huynh hiểu rằng "cho học sinh thử ma túy" và cho rằng kế kế hoạch, văn bản của Bộ GD-ĐT cần sử dụng câu từ chính xác, tránh gây hiểu nhầm.
Trao đổi với phóng viên ngay trong chiều 27.5, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã lý giải các cụm từ chuyên môn, gồm "thử ma túy", "dự phòng nghiện", được trích nguyên văn theo sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT, ban hành kèm công văn 1477.
"Nhiệm vụ của người soạn thảo là trích nguyên văn và đây là từ chuyên ngành sâu. Văn bản Vụ trưởng Bùi Văn Linh vừa ký gửi để giải thích cho một vài cán bộ chưa hiểu sâu các cụm từ chuyên ngành", Thứ trưởng Ngô Thị Minh giải thích. Chiếu theo văn bản mà Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, ông Bùi Văn Linh ký ngày 19.5 thì hướng dẫn làm rõ hơn về một số nội hàm trong nhiệm vụ, kế hoạch 455. Theo hướng dẫn này thì nhiệm vụ số 4, cụm từ "thử ma túy" được hiểu là "xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể". Nhiệm vụ số 8: Kế hoạch "dự phòng nghiện ma túy" được hiểu là Kế hoạch "hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy".
Tuy nhiên, không đồng tình về cách lý giải trên, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng Bộ GD-ĐT không nên bao biện một cách thiếu chuyên nghiệp như vậy. Văn bản hành chính phải được thể hiện trong sáng, rõ ngữ nghĩa. "Ở đây là lỗi soạn thảo văn bản gây khó hiểu rối rắm cho những người thực hiện. Nó cũng sẽ gây hiểu nhầm với phần đông người dân, câu chữ khá nhạy cảm sẽ dẫn đến hiểu sai nghĩa. Bộ GD-ĐT nên thu hồi văn bản này và đưa ra một văn bản khác chứ không thể làm theo kiểu đính chính của một cấp Vụ dù có được thừa lệnh Bộ trưởng hay không".
Trên thực tế, không phải đây là lần đầu tiên bộ GD-ĐT ban hành văn bản gây phản ứng vì copy cứng nhắc các văn bản khác. Vì trước đó trong năm 2018 Bộ GD-ĐT đã gây tranh cãi khi quy định sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị buộc thôi học khiến dư luận dậy sóng.
Trước đó nữa, Bộ GD-ĐT cũng gây xôn xao dư luận khi ban hành quy định bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 nếu thi đại học sẽ được cộng 2 điểm trong thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013.