Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, số lượng các cơ sở nghiên cứu trong vùng Đồng bằng sông Hồng thuộc nhóm cao nhất nước nhưng chưa có mạng lưới các tổ chức KHCN mạnh, năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn chế.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn chế

Hoài Lam | 20/07/2023, 15:30

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, số lượng các cơ sở nghiên cứu trong vùng Đồng bằng sông Hồng thuộc nhóm cao nhất nước nhưng chưa có mạng lưới các tổ chức KHCN mạnh, năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn chế.

Chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức KHCN mạnh

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được tổ chức ngày 20.7, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng vùng ĐBSH có tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước.

Theo đó, số tổ chức nghiên cứu và phát triển của vùng chiếm trên 50% của quốc gia; có trên 150 cơ sở giáo dục trình độ đại học trở lên; 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hơn 500 tổ chức KHCN công lập và ngoài công lập, sàn giao dịch công nghệ thiết bị.

Ngoài ra, 5 tỉnh trong vùng ĐBSH (gồm: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh) đã có sàn giao dịch thiết bị và công nghệ. Các sàn này đã kết nối với nhau vào tháng 6.2019. Vào quý 3/2023, Hà Nội sẽ khai trương sàn giao dịch thiết bị và công nghệ. Bên cạnh đó là một sàn giao dịch thiết bị và công nghệ quốc gia do Bộ KH-CN (Cục Thông tin KH&CN quốc gia) vận hành ở Hà Nội.

Để vùng ĐBSH có thể trở thành trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, Bộ KH-CN đề xuất nhiều giải pháp, trong đó việc thiết lập và tổ chức thực hiện quy hoạch về cơ sở nghiên cứu khoa học trong vùng được coi giải pháp căn cơ, dài hạn.

kh-cn.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt - Ảnh: VGP

Theo lý giải của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hiện nay, số lượng các cơ sở nghiên cứu trong vùng nhiều (thuộc nhóm cao nhất nước), tuy nhiên, chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức KHCN mạnh; năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn chế; số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích chưa nhiều; chưa thu hút, đào tạo được nhân lực chất lượng cao.

“Đầu tư phát triển cho tổ chức KHCN công lập còn dàn trải, thiếu định hướng đầu tư tới hạn cho một số tổ chức KHCN công lập nghiên cứu chuyên ngành phát triển vượt bậc, đóng vai trò dẫn dắt, đủ năng lực làm chủ được công nghệ, tạo động lực phát triển cho các ngành công nghiệp trong vùng. Các tổ chức KHCN trong vùng chủ yếu tập trung ở Hà Nội, mức độ lan tỏa đến các địa phương khác còn hạn chế”, ông Đạt nêu.

Phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thời gian tới cần xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… Trong đó, Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng KHCN về biển…

"Đây là các định hướng Bộ KH-CN đã đưa vào dự thảo Quy hoạch mạng lưới các tổ chức KHCN công lập đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-CN đang phối hợp với UBND thành phố Hà Nội chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội trước ngày 1.8.

Đây là khu công nghệ cao quốc gia, cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực công nghệ mạnh; đã hình thành được hệ sinh thái tương đối đầy đủ, bao gồm các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghiệp, các tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo… Và đây có thể là mô hình để các địa phương trong vùng tham khảo.

kh-cn-2.jpg

Phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Hiện nay, Hà Nam cũng có kế hoạch xây dựng khu công nghệ cao theo hướng tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới…

Bộ KH-CN đề nghị các tỉnh trong vùng quan tâm, tạo không gian cho nghiên cứu cơ bản thông qua việc tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, do đây là loại hình nghiên cứu không thể có ứng dụng và lợi ích thương mại trong ngắn hạn, nhưng rất quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ KH-CN sẽ tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định về khu công nghệ cao, trong đó có các nội dung về thu hút vốn xã hội phát triển các khu công nghệ cao. Nghị định này cũng quy định về việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Bộ đề nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSH xem xét việc xây dựng đề án thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH. Đây là giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8.2.2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Đây là điểm mới, có khả năng tạo đột phá cho tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo của vùng. Hiện nay, Bộ KH-CN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 vùng (Bắc, Trung, Nam) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn chế