Trước những diễn biến phức tạp về dịch bệnh trên thế giới, ngày 4.6, Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới sẽ duy trì hoạt động văn phòng đáp ứng khẩn cấp các tình huống có dịch.
Theo Bộ Y tế từ đầu tháng 4.2018 đến nay, dịch bệnh Ebola đã tái bùng phát trở lại tại Công-gô. Tính đến hết tháng 5.2018, số ca mắc Ebola tại quốc gia này đã lên đến 58 trường hợp, trong đó có đến 27 trường hợp tử vong, chiếm 47%.
Trong khi đó, các dịch bệnh khác cũng bắt đầu quay trở lại. Từ đầu năm đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 3 trường hợp mắc cúm A/H7N9. Các quốc gia Trung Đông tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm virút MER-Cov; còn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Bộ Y tế cho biết để chủ động phát hiện và ngăn chặn việc bùng phát dịch,trong thời gian tới Bộ sẽ tăng cường giám sát chủ động tại các cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời cách ly, điều trị bệnh nhân, xử lý triệt để ổ dịch;sẵn sàng đáp ứng các tình huống về dịch bệnh, nhằm hạn chế lây lan, không để bệnh dịch bùng phát lan rộng, nhất là với dịch bệnh Ebola, MER- Cov,cúm A/H7N9 và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, sốt rét,liên cầu lợn...
Mới đây, Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc họp đánh giá về tình hình dịch bệnh Ebola ở Công-gô nhằm xác định nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam cũng như đề xuất các hoạt động phòng chống dịch này.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho hay sẽduy trì hoạt động văn phòng đáp ứng khẩn cấp các tình huống có dịch, thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ và chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống về dịch bệnh và các nguy cơ về y tế công cộng, đồng thời liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế của các nước, kịp thời chia sẻ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9, Ebola, MER- Cov và các dịch bệnh nguy hiểm khác.
Hồ Quang