Lãnh đạo Boeing cho biết đang đẩy mạnh kết nối với các nhà cung ứng, các trường đại học để phát triển lâu dài tại Việt Nam như Samsung và Intel.
Nói về việc phát triển tại thị trường Việt Nam thời gian tới tại Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Boeing lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam ngày 25.8, ông Michael Nguyễn - Giám đốc Boeing Việt Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường và trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam, Boeing không chỉ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại mà còn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, nâng cao năng lực ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam lên tiêu chuẩn quốc tế.
"Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và trường đại học trong ngành công nghiệp hàng không vũ trũ tại Việt Nam để xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài", ông Michael nói.
Ông Michael cũng cho biết thêm Boeing đang làm việc với 7 nhà cung ứng tại Việt Nam. Các nhà cung cấp hiện tại của Boeing tại Việt Nam đang không ngừng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và năng suất để trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn.
Tuy nhiên, theo ông, với việc cần hơn 6 triệu linh phụ kiện để sản xuất 1 chiếc may bay Boeing 747, Boeing phải tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nơi trên thế giới. Nếu Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng, môi trường đầu tư hợp lý và sự quan tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ là thị trường rất tiềm năng. Boeing đang đẩy mạnh kết nối với các nhà cung ứng, các trường đại học tại Việt Nam để thiết lập các nền tảng cho sự phát triển lâu dài, đạt được sự phát triển như Samsung hay Intel làm được tại Việt Nam.
Về phía cơ quan quản lý, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Boeing, an tâm đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh như ngành hàng không vũ trụ, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng bền vững, công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả cao, tài chính ngân hàng, du lịch chất lượng cao... nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi cung ứng và giá trị khu vực và toàn cầu.
Đối với ngành hàng không vũ trụ, Boeing nói riêng và các doanh nghiệp Mỹ nói chung cần tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không (như sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông,…); kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Boeing cần phải nghiên cứu phát triển Trung tâm đào tạo phi công, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như thiết lập cơ sở sản xuất tàu bay. Hiện nay, Boeing phát triển, sản xuất và phục vụ máy bay thương mại, các sản phẩm quốc phòng và hệ thống hàng không vũ trụ tại hơn 150 quốc gia.