Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình cụ thể về vấn đề Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã bội chi hơn 5.000 tỉ đồng cho hệ thống y tế cơ sở thường xuyên "đắp chiếu", không sử dụng hết năng lực của mình.
Báo cáo tại phiên họp Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 1.3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận vẫn chưa có biện pháp cụ thể để quản lý, kiểm soát người đi khám chữa nhiều lần; nhiều nơi còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết; dịch vụ y tế và năng lực của nhiều bệnh viện chưa đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh.
Một số bệnh viện tư nhân có xu hướng xin xuống hạng (từ hạng I, II xuống hạng III hạng IV) để được xếp tương đương với bệnh viện huyện để được áp dụng cơ chế thông tuyến. Thậm chí vì là một “doanh nghiệp” nên các cơ sở này có thể áp dụng các hình thức khác nhau như: tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả của người bệnh, hỗ trợ tiền đi lại. Thậm chí là về tận địa phương đưa đón người bệnh để “thu hút” người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh. Việc người dân luôn muốn khám ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến trung ương là hoàn toàn chính đáng, nhất là do lỗi quản trị, tổ chức đầu tư chưa tốt tại các bệnh viện với nhau.
Mặc dù số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế chưa gặp nguy hiểm với nguy cơ vỡ quỹ. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỉ đồng và quỹ BHYT vẫn đàm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnhcủa nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng góp BHYT trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Y tế và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội đều khẳng định quỹ bảo hiểm y tế chưa gặp nguy.
Trước đó, trả lời riêng báo điện tử Một Thế Giới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho hay: Trong năm 2017, Bộ Y tếtiếp tục thực hiện mức giá có tiền lương đối với người có thẻ BHYT tại 27 tỉnh, thành phố. Đối với đối tượng không có thẻ BHYT vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012.
Sắp tới,Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) Nguyễn Thị Minh nói về rất nhiều những “biểu hiện lạ”, những “số liệu gây ngạc nhiên” sau khi áp dụng quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT như nhiều bệnh viện tuyến tỉnh xin được… xuống hạng, có bệnh nhân khám bệnh 800 lần trong 3 tháng.Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các bệnh viện cũng gia tăng, nhất là các viện tư nhân.
Tổng Giám đốc BHXH thông báo đã có nhiều bệnh viện tư thực hiện những “chiêu” khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
“Nhờ hệ thống giám định bảo hiểm điện tử được đưa vào khai thác, chúng tôi thống kê được những số liệu gây ngạc nhiên. Thống kê trong 2 tháng 6 và 7 năm 2016 cho thấy có tới 1,2 triệu người đi khám bệnh 2 lần trong 1 tháng, có 3 triệu người đi khám bệnh hàng tuần. Có người bệnh đi khám, lấy thuốc tới 800 lần trong vài tháng. Một bệnh nhân ở An Giang trong quý IV/2016 đi khám bệnh 160 lần tại 20 bệnh viện khác nhau… Đó cũng là những con số rất bất bình thường”, bà Minh công bố.
Tổng kết lại vấn đề của buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thời gian qua việc thông tuyến đã có nhiều bất cập, vướng mắc. “Chúng ta phải có trách nhiệm trước nhân dân là chi trả bằng ngân sách, bằng tiền túi người dân tiết kiệm nhất, giá hợp lý nhất. Ngân sách nhà nước cũng là tiền của dân nên phải chi tiêu tiết kiệm nhất… Không nên vì một số thông tin tiêu cực, một số nơi khám vượt tuyến nhiều mà đặt lại chủ trương này”.
Giải pháp mà Phó thủ tướng đưa ra đó chính là các bệnh viện phải thực hiện tin học hóa để nhập dữ liệu đầu vào, lấy cơ sở y tế dự phòng làm gốc. Bộ Y tế và BHVN cần tích cực ban hành kế hoạch thực hiện quản lý sức khỏe cho từng người dân, chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo hiểm y tế toàn dân. Chỉ khi thực hiện được đề án này mới khắc phục được tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, nhiều người dân vùng sâu xa chỉ khi bệnh nặng mới đi khám bệnh.
Dạ Thảo