Vào năm 2009, chàng trai tuổi đôi mươi Daniel Tooman lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn. Anh dự định nán lại đây trong vài tháng để tìm hiểu văn hoá Việt. Thế nhưng mảnh đất phương Nam sôi động này giữ chân anh lại đến 10 năm.
Sự thay đổi bất ngờ không định trước
Daniel Tooman sinh năm 1985 tại Dunstable, Anh Quốc. Anh theo học khoa Sử trường university of Essex tại Luân Đôn. Hết năm thứ hai anh sangHoa Kỳ học tại university of Utah.
Daniel nhớ lại: "Trong thời gian học tại Mỹ tôi được học từ một người thầy từng là cựu chiến binh tại chiến trường Việt Nam những năm 1960-70. Ông kể tôi nghe nhiều ký ức đẹp về Việt Nam, về Sài Gòn. Điều này thôi thúc tôi muốn sang Việt Nam để tận mắt chứng kiến đời sống và tìm hiểu văn hoá Việt”.
Kế hoạch ban đầu của Daniel sẽ ở Việt Nam từ 3-6 tháng. Sau đó sẽ quay về Anh Quốc học cao học. Nhưng khi đặt chân đến Sài Gòn, bên trong tâm hồn trai trẻ vỡ oà cảm xúc khó tả.
Daniel nói: “Cuộc sống nơi đây náo nhiệt và sôi động khác hẳn với cái thị trấn quá yên tĩnh và trầm mặc quê hương tôi. Dù vấn đề giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm khá nghiêm trọng, nhưng tôi thích cuộc sống nơi đây nên phải chấp nhận”.
Thích ăn món gì anh chỉ cần dạo xuống phố đi vài bước chân là gặp quán ăn từ vỉa hè bình dân đến sang trọng. Bạn đêm muốn tụ tập bù khú với bạn bè, khi thì ghé qua quận 1, hoặc xuống quận 7. Nơi nào cũng có thể cho anh khoảnh khắc thoải mái.
Thế là thay vì chỉ ở vài tháng, Daniel quyết định gắn bó lâu dài. Anh xin vào làm khâu tuyển dụng nhân sự và tuyển sinh tại một trường Quốc tế tại Sài Gòn. Thời gian rảnh, anh lang thang khắp nơi nhằm mục đích gặp người bản địa để luyện tiếng Việt. Theo thời gian, anh nói tiếng Việt càng nhuần nhuyễn. Nhưng anh chưa hài lòng vì anh chưa thể viết giỏi. Nhanh chóng anh đăng ký học tiếng Việt tại Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Nhờ tinh thần học tập chăm chỉ mà thời gian sau Daniel lấy được bằng C1 tiếng Việt. Trong quy định bằng C2 là bằng cấp tiếng Việt cao nhất cho người nước ngoài học tiếng Việt tại trường (trình tự bằng cấp là A1 lên A2 lên B1 lên B2, lên C1 rồi lên C2).
Sống lại đam mê âm nhạc
Theo Daniel hồi bé anh không ước mơ thành ca sĩ. Tuy nhiên, vào tuổi thiếu niên anh học đàn. Trong thời gian còn là sinh viên anh chơi cho một ban nhạc trong vai trò nhạc công. Khi sang Việt Nam, bỗng dưng trong anh thôi thúc đam mê âm nhạc. Anh muốn thành lập cho mình một music band.
Cách anh tìm kiếm thành viên cho nhóm nhạc của mình là xem trong hồ sơ xin việc của họ. Ai ghi rõ có khả năng hát, hay chơi nhạc cụ là anh liên lạc. Thử tài nghệ của họ trước khi mời họ tham gia nhóm nhạc. May mắn anh tìm được đủ người.
Anh đặt tên cho nhóm nhạc của mình The Lost Art . Trong đó Daniel vừa đảm nhiệm vai trò ca sĩkiêm guitar bass. Họ tập luyện cùng nhau miệt mài suốt nhiều tháng. Đến lúc thấy nhóm đã đạt đẳng cấp chơi nhạc chuyên nghiệp, Daniel chủ động tìm kiếm nơi trình diễn.
Khởi đầu là một quán bar tại đường Tú Xương, Quận 3. Vì là nhóm nhạc mới nên tháng đầu tiên nhóm hát không nhận lương dạng thử việc. Khi khán giả phản hồi cảm xúc yêu thích là lúc The Lost Art được trả thù lao. Không lâu sau, nhóm được mời trình diễn ở nhiều sân khấu khác như RFC, Yoko, Acoutis...
Đặc biệt hơn, nhóm bắt đầu được mời tham gia nhiều show sự kiện. Lúc đầu là các sự kiện nhỏ và vừa, về sau các công ty lớn, các trường đại học lớn mời nhóm trình diễn liên tục. Cho đến hiện tại, tiền thù lao ca hát là một khoản thu nhập đủ các thành viên The Lost Art có cuộc sống dễ chịu tại Việt Nam.
Bắt đầu theo khuynh hướng sáng tác
Với thể loại rock cổ điển, các thành viên The Lost Art đủ tạo ra một không khí sôi động cho buổi diễn, nhưng đồng thời âm nhạc của họ không bị đẩy lên đến mức gào thét ồn ào quá mức. Tất cả các đêm diễn hay sự kiện mà The Lost Art tham dự điều có sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả. Điều này được tạo nên từ phong cách trình diễn và khả năng tương tác với khán giả.
Daniel cho biết: “Hát tiếng Anh một thời gian, tôi nhận ra ban nhạc chúng tôi cần phải trình diễn được tiếng Việt. Thế là tôi học hát tiếng Việt từ thầy Chu Minh Ký và ca sĩTuấn Khanh của nhóm Microwave. Đến giờ tôi có thể hát hơn 10 bài nhạc Việt. Trong đó khán giả thích nhất là Cầu vòng khuyết, 60 năm cuộc đời, Chờ người nơi ấy, Tìm lại... tuy nhiên các bài này được phối theo phong cách rock", anh cho biết.
Có thể nói, hiện tại The Lost Art đang làmột trong số ban nhạc ngoại đắt show nhất hiện nay. Dẫu vậy, Daniel vẫn giữ công việc của một người thầy giáo. Hiện tại, anh đang dạy môn toán và tiếng Anh tại trường quốc tế. Tháng 1.2019 xong cao học giáo dục qua chương trình đào tạo từ xa của đại học Nottingham. Và lập kế hoạch hoàn thành tiến sĩtrong vài năm tới.
Theo Daniel, âm nhạc và công việc giáo dục với anh đều quan trọng như nhau. Giờ đây, anh đang tỏa sáng trong vai trò ca sỹ, nhưng ai biết được anh còn được ưa chuộng bao năm nữa. Vì thế, anh phải gắn bó với công việc giảng dạy đảm bảo căn bản cuộc sống.
Hơn nữa, việc giáo dục giới trẻ điều hay điều tốt cho anh cảm xúc ấm áp. Anh cảm thấy mình góp phần làm điều ích lợi thiết thực cho cộng đồng.
Nhưng trước mắt anh vẫn giữ nghề ca sĩ. Từ năm 2020, The Lost Art sẽ không hát cover bài của nhạc sĩkhác, mà chính Daniel đang âm thầm sáng tác để theo đuổi phong cách tự sáng tác để hát. Bởi vì điều này sẽ giúp cho cả nhóm càng định hình bản sắc riêng.
Nguyễn Huy