Theo ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), nghi phạm giết cả nhà em trai ở Đan Phượng, Hà Nội đã đi ngược lại luân lý, gây hoang mang, căm phẫn cao độ trong dư luận xã hội. Do đó, cần xử án điểm, tử hình sớm để xoa dịu nỗi đau mà cộng đồng đang phải gánh chịu.

Các chuyên gia mổ xẻ các góc độ pháp lý vụ thảm sát ở Đan Phượng

Bùi Trí Lâm | 03/09/2019, 10:43

Theo ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), nghi phạm giết cả nhà em trai ở Đan Phượng, Hà Nội đã đi ngược lại luân lý, gây hoang mang, căm phẫn cao độ trong dư luận xã hội. Do đó, cần xử án điểm, tử hình sớm để xoa dịu nỗi đau mà cộng đồng đang phải gánh chịu.

Liên quan đến vụ việc anh trai chém chết nhiều thành viên gia đình em ruột ở Đan Phượng, Hà Nội, theo trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), ở tuổi 53, nghi phạm Đông đã tích lũy kinh nghiệm sống, biết được đúng - sai, thừa hiểu hành vi giết người là phạm trọng tội, nhưng vẫn quyết định dùng biện pháp này. Có thể thấy một sự bế tắc trong tư duy của nghi phạm.

“Trước nhận thức lợi ích của mình bị xâm phạm, đối thoại không thành công, lại nhận được những phản ứng không mong muốn từ phía gia đình nạn nhân, biến thành nỗi bực dọc, một cục tức, một nỗi hận khó xuôi trong lòng nghi phạm. Thấy rằng việc động thổ vào sáng hôm sau sẽ như ván đóng thuyền, đẩy mọi việc vào sự đã rồi, không thể khắc phục được, sự nôn nóng muốn ngăn chặn sự việc là một yếu tố nữa dồn nén, thúc đẩy thủ phạm ra tay vào sáng hôm sau. Quyết định được chi phối bởi sự căm hận, nôn nóng”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, sau khi vùng dao chém người đầu tiên, thì việc chém “n” người sau đó, như một quán tính của cơn say máu. Khó nhất là vượt qua sự níu kéo của lương tâm khi quyết định chém người thứ nhất. Bàn tay đã vấy máu đồng loại, khiến hung thủ trượt qua mọi cảm xúc, lương tri... Hơn nữa, biết đã gây trọng tội, đằng nào cũng chết, dễ thúc đẩy nghi phạm xả cho hết nỗi bực dọc lên những người khác.

“Quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng đã cho thấy hung thủ có sự lệch lạc nghiêm trọng về nhân cách, để bản năng dẫn dắt, cơn giận dữ sai khiến, khả năng kiểm soát và làm chủ hành vi bằng 0. Đã dám chém người nhà, thì việc chống trả lại lực lượng vây bắt, là điều dễ hiểu, của một kẻ không có gì để mất và đã nghĩ tới phương án tự sát”, ông Hiếu nêu.

Nhìn chung, theo chuyên gia này, tại thời điểm gây án, hung thủ không suy nghĩ nhiều, cảm xúc là thứ chi phối hành động chứ không phải nhận thức. “Anh em chém nhau đằng sống, khôngchém nhau đằng lưỡi”, người này đã đi ngược lại luân lý, gây hoang mang, công phẫn cao độ trong dư luận xã hội. Do đó, cần xử án điểm, tử hình sớm để xoa dịu nỗi đau mà cộng đồng đang phải gánh chịu.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng hành vi này đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, b, n Khoản 1 Điều 123 BLHS.

Theo đó, trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm đã từng bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bất ổn về tâm lý mà cơ quan điều tra có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải trưng cầu giám định tâm thần cho bị can để xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Kết luận giám định sẽ xảy ra 2 trường hợp:

Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án.

“Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và gây hoang mang, bất bình trong dư luận cả nước nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, với hành vi giết nhiều người rất dã man tàn bạo, bất chấp đạo lý làm người thì đối tượng phải đối mặt hình phạt cao nhất là tử hình”, ông Thơm nói.

Trước đó, vào khoảng 7 giờ 15 phút ngày 1.9, ông Nguyễn Văn Đông vác dao sang nhà em trai Nguyễn Văn Hải, rồi chém cả gia đình.

Có 5 người trong gia đình ông Hải bị chém, trong đó, ông Hải và con gái Nguyễn Thị Bắc (SN 1991) chết tại chỗ, bà Doãn Thị Việt (SN 1971) cùng cháu gái Nguyễn Huyền My (SN 2018) chết tại bệnh viện, còn chị Đỗ Thị Nhung (SN 1995, con dâu ông Hải) vẫn đang cấp cứu trong tình trạng tràn dịch màng phổi cộng với nhiều vết chém ở đầu.

Ngay trong ngày 1.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Đông về hành vi "Giết người".

Theo một lãnh đạo UBND xã Hồng Hà, ông Đông và ông Hải định cư tại mảnh đất của tổ tiên để lại. Trong đó, 2 người từng có thỏa thuận về việc phân chia 0,5m đất giáp ranh. Tuy nhiên, con trai của ông Hải là Nguyễn Văn Hiệp (SN 1993) không đồng ý.

Tại cơ quan điều tra, nghi phạm khai nhận, ban đầu chỉ có ý định giết bà Việt và anh Hiệp. Tuy nhiên, sau đó không kiềm chế được nên Đông xuống tay tàn ác với cả gia đình em ruột.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chuyên gia mổ xẻ các góc độ pháp lý vụ thảm sát ở Đan Phượng