Các công ty và nhà cung cấp chất bán dẫn Hà Lan đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất chip tại Việt Nam. Quan chức hàng đầu của các công ty này tiết lộ với Reuters hôm 2.11 trong chuyến công tác tới Việt Nam do Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte dẫn đầu.
Theo nguồn tin Reuters, các khoản đầu tư ban đầu được biết đến không lớn, nhưng báo hiệu sự thay đổi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo danh sách của phái đoàn, hơn 12 trong số gần 30 doanh nghiệp đi cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte là đại diện của các công ty chip hoặc nhà cung cấp của các hãng bán dẫn.
Trong chuyến thăm Việt Nam, BE Semiconductor Industries (Besi), nhà sản xuất thiết bị chip của Hà Lan, thông báo đã nhận được sự chấp thuận đầu tư ban đầu trị giá 5 triệu USD để thuê một nhà máy ở miền nam nước ta.
Henk Jan Poerink, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của Besi, nói với Reuters rằng khoản đầu tư của công ty dự kiến sẽ tăng đáng kể với kế hoạch xây dựng nhà máy riêng tại Việt Nam trong vòng 4 năm tới.
Thủ tướng Mark Rutte nói ông chắc chắn rằng các công ty và nhà cung cấp chip khác của Hà Lan sẽ làm theo, đồng thời lưu ý đến quy mô của phái đoàn doanh nghiệp đi cùng ông.
“Điều đó là hiển nhiên”, ông Mark Rutte nói với Reuters sau khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Henk Jan Poerink cho biết Besi sẽ tiếp bước các công ty Hà Lan khác để tạo ra một “hệ sinh thái” bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời nói thêm rằng ít nhất hai công ty khác trong phái đoàn đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Ông từ chối nêu tên nhưng nói thêm rằng một công ty khác không tham gia chuyến công tác là VDL Enabling Technologies Group cũng quyết định đầu tư vào Việt Nam. VDL Enabling Technologies Group chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
Henk Jan Poerink cho biết lý do chính để đầu tư vào Việt Nam là để tiến gần hơn đến với các khách hàng của Besi. Ông từ chối nêu tên nhưng lưu ý rằng họ là những công ty điện tử và bán dẫn hàng đầu.
Việt Nam là nơi có nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của Intel và cũng là trung tâm sản xuất lớn của Samsung Electronics cũng như LG.
Henk Jan Poerink nói chiến lược của Besi đòi hỏi phải ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, nơi công ty vẫn tiếp tục phát triển nhưng chỉ để phục vụ thị trường nước này đang mở rộng.
Theo Reuters, Henk Jan Poerink dự định chuyển một số hoạt động của Besi từ Trung Quốc sang Việt Nam, giống như những gì khách hàng của công ty đã làm.
Các quan chức khác đề cập đến lý do tương tự khiến những công ty Hà Lan quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là khi các hạn chế thương mại gia tăng và vài công ty hàng đầu, gồm cả ASML, không thể bán máy móc tiên tiến nhất của họ cho Trung Quốc nữa.
Có trụ sở tại khu đô thị Veldhoven (Hà Lan), ASML là công ty thống trị thị trường thiết bị in thạch bản, cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới cho các hãng chất bán dẫn lớn như TSMC, Samsung Electronics, Intel...
Một số công ty đi cùng Thủ tướng Mark Rutte đến Việt Nam là nhà cung cấp của ASML.
ASML đã bị cấm bán các máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc kể từ năm 2019 sau áp lực từ Mỹ. Chính quyền Biden đang tìm cách cản trở khả năng sản xuất chip tiên tiến và làm chậm tiến độ quân sự của Trung Quốc.
Máy in thạch bản của ASML giá có thể lên tới 160 triệu euro (170 triệu USD) mỗi cái và được sử dụng để tạo ra mạch điện của chip.
Theo Peter Wennink - Giám đốc điều hành ASML, hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, thêm một sản phẩm của họ nằm trong các hạn chế xuất khẩu mới được Mỹ công bố hôm 17.10.
Tại cuộc họp báo sau kết quả kinh doanh quý 3/2023 của ASMl, Peter Wennink nói một sản phẩm của ASML không nằm trong quy tắc cấp phép xuất khẩu của Hà Lan nhưng đã bị giới hạn theo quy định xuất khẩu mới từ Mỹ.
Sản phẩm này, 1980Di của ASML, có thể được sử dụng để giúp chế tạo cả chip máy tính tương đối tiên tiến cũng như chip tầm trung và cũ hơn.
Peter Wennink nói: “Về nguyên tắc, 1980Di sẽ nằm trong các hạn chế kiểm soát xuất khẩu, nhưng chỉ khi chúng được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến”. Ông cho biết chỉ một số ít nhà máy Trung Quốc được coi là “tiên tiến”.
Khách hàng Trung Quốc đang mua những chiếc máy tương đối cũ từ ASML của công ty Hà Lan cảnh báo rằng họ có thể sẽ không nhận được giấy phép từ chính phủ Hà Lan để mua một trong những dòng sản phẩm tiên tiến hơn bắt đầu từ tháng 1.2024.
Tối muộn 1.11, Thủ tướng Mark Rutte cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chuyến thăm diễn ra nhân dịp hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Mark Rutte thăm Việt Nam, hai lần trước là vào năm 2014 và 2019.
Theo Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, tháp tùng Thủ tướng Rutte có đoàn doanh nghiệp gồm 23 công ty, tổ chức trong lĩnh vực công nghệ cao và số hóa.
Về lịch trình dự kiến, sáng 2.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Mark Rutte và hai bên sẽ hội đàm, chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Chiều 2.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ cao, Diễn đàn Kinh tế xanh. Ngoài ra, Thủ tướng Hà Lan sẽ đến tham quan Học viện Ngoại giao và dự kiến có bài phát biểu ở một hội thảo.
Tối 2.11, sau khi dự tiệc chiêu đãi chính thức, Thủ tướng Mark Rutte sẽ trở về nước, kết thúc chuyến thăm Việt Nam.
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9.4.1973. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010), Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014) và Đối tác toàn diện (2019).
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, có nhiều các cơ chế hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
Hiện Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…
Trong thời gian qua, viện trợ phát triển không hoàn lại cho Việt Nam của Hà Lan chủ yếu thực hiện qua nhiều chương trình thuộc các lĩnh vực về đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông...
Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước, hai bên thiết lập Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động.
Nhiều dự án trong lĩnh vực và khuôn khổ Ủy ban được triển khai hiệu quả đặc biệt là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa ĐBSCL trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.