Mitchell Baker, Giám đốc điều hành Mozilla Foundation, cho biết quyết định của công ty chuyển công cụ tìm kiếm mặc định trong trình duyệt Firefox từ Google sang Yahoo là vụ đánh cược “thất bại” khiến trải nghiệm người dùng bị suy giảm.

CEO Mozilla: Thất bại khi chuyển công cụ tìm kiếm mặc định của Firefox từ Google sang Yahoo

Sơn Vân | 02/11/2023, 17:00

Mitchell Baker, Giám đốc điều hành Mozilla Foundation, cho biết quyết định của công ty chuyển công cụ tìm kiếm mặc định trong trình duyệt Firefox từ Google sang Yahoo là vụ đánh cược “thất bại” khiến trải nghiệm người dùng bị suy giảm.

Mitchell Baker nói Mozilla Foundation quyết định chuyển sang công nghệ của Yahoo vào năm 2014 sau khi Marissa Mayer tiếp quản vai trò Giám đốc điều hành Yahoo và hứa “sẽ đặt cược lớn vào chúng tôi”.

“Vụ đặt cược đó đã thất bại. Trải nghiệm tìm kiếm mà Yahoo cung cấp cho người dùng Firefox ngày càng xấu đi”, Mitchell Baker nói trong cuộc phỏng vấn được ghi hình năm 2022 và trình chiếu hôm 1.11.2023 để bào chữa cho Google trong phiên tòa chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ.

Ví dụ về Mozilla Foundation, trường hợp hiếm hoi mà một trình duyệt thay đổi nhà cung cấp công cụ tìm kiếm mặc định, đã được cả Google và Bộ Tư pháp Mỹ trích dẫn để hỗ trợ cho lập luận của họ trong vụ việc.

Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng bằng cách trả tới 26 tỉ USD vào năm 2021 để trở thành công cụ mặc định trên điện thoại di động, PC và các thiết bị khác, Google đã bóp nghẹt các đối thủ tiềm năng như Microsoft và DuckDuckGo một cách không công bằng. Google cho biết người dùng thích dịch vụ của họ hơn và có thể dễ dàng chuyển đổi công cụ tìm kiếm nếu muốn.

Mitchell Baker tiết lộ Yahoo từng đồng ý trả cho Mozilla Foundation mức tối thiểu là 375 triệu USD, nhiều hơn mức 276 triệu USD mỗi năm mà Google đưa ra. Mitchell Baker cũng đồng ý giảm số lượng quảng cáo và cung cấp ít tính năng theo dõi người dùng hơn Google, nhưng theo thời gian, Yahoo đã từ bỏ điều đó và bắt đầu hiển thị nhiều quảng cáo hơn.

Quay lại với Google

“Tôi cảm thấy rõ ràng rằng Yahoo đã không mang lại trải nghiệm tìm kiếm mà chúng tôi cần như khi ký hợp đồng”, Mitchell Baker nói.

Bà cho biết Mozilla Foundation đã quay lại sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trong Firefox hồi năm 2017 và gia hạn thỏa thuận vào 2020.

Mitchell Baker thừa nhận rằng lương của bà một phần gắn liền với doanh thu hàng năm của Mozilla Foundation. Bà cho biết đã kiếm được 2,5 triệu USD vào năm 2020 và hơn thế nữa vào năm tiếp theo sau khi Mozilla Foundation gia hạn thỏa thuận với Google.

Trước khi giúp xây dựng Mozilla Foundation, Mitchell Baker từng làm việc cho Netscape Communications Corp, công ty đã phát triển trình duyệt làm trung tâm trong cuộc chiến chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Microsoft.

Firefox có tính năng cho phép người dùng dễ dàng thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định giữa Yahoo, Google, Bing của Microsoft hoặc DuckDuckGo. Ngay cả với điều đó, Mitchell Baker cho biết “số lượng người dùng ở lại với Firefox đã giảm đáng kể trong những năm Yahoo là công cụ tìm kiếm mặc định”.

Theo Mitchell Baker, sự sụt giảm người dùng Firefox không nhất thiết do chuyển đổi từ Google sang Yahoo, nhưng trùng hợp với sự thay đổi của công cụ tìm kiếm.

Bà nói: “Người dùng của chúng tôi đã nói rõ rằng họ tìm kiếm, mong muốn và mong đợi Google”.

ceo-mozilla-that-bai-khi-chuyen-cong-cu-tim-kiem-mac-dinh-cua-firefox-tu-google-sang-yahoo.jpg
Mitchell Baker cho biết quyết định của Mozilla Foundation chuyển công cụ tìm kiếm mặc định trong trình duyệt Firefox từ Google sang Yahoo là vụ đánh cược “thất bại” khiến trải nghiệm người dùng bị suy giảm - Ảnh: Internet

Thị phần Firefox

Vào thời kỳ đỉnh cao, Mitchell Baker cho biết Firefox có thị phần khoảng 32% ở Mỹ cho máy tính để bàn. Bà nói số tiền Google trả cho Mozilla Foundation chiếm khoảng 90% doanh thu mà nền tảng này mang lại trong năm 2012 và 2013. Mitchell Baker không tiết lộ số tiền Google đang trả cho công ty hiện nay là bao nhiêu, nhưng đồng ý rằng con số là "hàng trăm triệu USD một năm" - nhiều hơn số tiền mà Google từng trả khi Firefox đạt thị phần cao nhất.

Bà nói Mozilla Foundation gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giành người dùng trên thiết bị di động do cài đặt mặc định của Google Chrome trên smartphone Android và Safari trên iPhone.

Mitchell Baker thừa nhận: “Chỉ có một ứng dụng trong cửa hàng ứng dụng là rất khó để cạnh tranh với các ứng dụng mặc định được cài sẵn. Người dùng phải đưa ra một quyết định tỉnh táo và phải làm nhiềuviệc để có được sản phẩm của bạn”.

Bà tiết lộ Mozilla Foundation đang thử nghiệm cách người dùng phản hồi khi một số truy vấn tìm kiếm được gửi tới Bing thay vì Google.

“Khi các thỏa thuận giữa Mozilla Foundation và Google sắp được gia hạn, chúng tôi thường đánh giá thị trường để xem có những tùy chọn nào. Thêm sự cạnh tranh trên thị trường tìm kiếm sẽ giúp ích cho chúng tôi”, Mitchell Baker nói.

Đại diện Apple: Hợp đồng tìm kiếm mặc định với Google là lựa chọn tốt nhất cho người dùng

Từ ngày 12.9, chính phủ Mỹ đã triệu tập các nhân chứng để chứng minh rằng Google, từ giữa những năm 2000, đã tìm cách thu hút một lượng lớn truy vấn tìm kiếm bằng cách giành được trạng thái mặc định trên các thiết bị di động. Chưa hết, chính phủ Mỹ cáo buộc rằng ảnh hưởng của Google trong lĩnh vực tìm kiếm đã giúp công ty xây dựng sự độc quyền trong một số khía cạnh quảng cáo tìm kiếm trực tuyến.

Cuối tháng 9, Eddy Cue, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ của Apple, nói tại tòa rằng Apple đã chọn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone vì điều này có ý nghĩa nhất với người tiêu dùng và "không có sự thay thế hợp lý nào khác”.

Eddy Cue là nhà đàm phán chính của Apple về hợp đồng trị giá hàng tỉ USD với Google. Dù các thông tin chi tiết hơn của thỏa thuận sẽ được bàn thảo trong các phiên tòa đóng cửa không dành cho công chúng, tuyên bố của Eddy Cue làm sáng tỏ các khía cạnh của thỏa thuận hiếm khi được thảo luận công khai.

Eddy Cue nói: “Khi chọn công cụ tìm kiếm, chúng tôi chọn công cụ tốt nhất và để khách hàng dễ dàng thay đổi chúng”. Sau đó, Eddy Cue cho biết thêm rằng khi nói đến các lựa chọn thay thế Google, Apple có một số lựa chọn mà “khách hàng chưa bao giờ nghe đến”. Điều này có thể khiến Apple sợ đưa ra lựa chọn sai lầm.

Ngân hàng Bernstein đã ước tính rằng Google có thể trả cho Apple tới 19 tỉ USD trong năm 2023 theo thỏa thuận, dù các điều khoản chính xác vẫn chưa được tiết lộ.

Khi Eddy Cue đàm phán lại thỏa thuận dịch vụ thông tin với Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai vào năm 2016, một trong những mục tiêu của ông là yêu cầu Google tăng tỷ lệ chia sẻ doanh thu phải trả cho Apple. Eddy Cue cho biết điều này trong lời khai của mình. Theo các điều khoản, Google trả một phần không tiết lộ của doanh thu ròng mà họ thu được từ quảng cáo trên tìm kiếm chạy trên các thiết bị Apple.

Eddy Cue “nghĩ rằng đó là điều đúng đắn và công bằng với Apple” khi tăng tỷ lệ chia sẻ doanh thu. Ông nói rằng Apple đã xây dựng công nghệ và xứng đáng được chia sẻ doanh thu cao hơn.

Meagan Bellshaw, luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ, đã đề cập đến một email trao đổi năm 2016 với Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook, ông chủ của Eddy Cue. Meagan Bellshaw đã hướng dẫn Eddy Cue tham khảo bản giải mã phù hợp các chữ cái với tỷ lệ chia sẻ doanh thu tương ứng, để con số chính xác không bị tiết lộ công khai trước tòa.

Trong cuộc trao đổi đầu tiên được chia sẻ, Tim Cook đã hỏi Eddy Cue cuộc họp diễn ra như thế nào. Eddy Cue trả lời ông hiểu rằng cuộc gặp với Sundar Pichai về hợp đồng tìm kiếm. Eddy Cue cho biết nó “tốt ngoại trừ việc chia sẻ doanh thu”. Sundar Pichai “không đưa ra con số cụ thể" Eddy Cue nhưng cho biết ông không có cách nào có thể khiến tỷ lệ C đạt hiệu quả”, ám chỉ số tiền mà Apple muốn có trong cuộc đàm phán.

Trong email gửi cho Tim Cook, Eddy Cue cho biết ông cần gặp Sundar Pichai “riêng vào tuần tới và đồng ý với các điều khoản kinh tế nếu không chúng ta không nên tiến lên”, đề cập đến con số chia sẻ doanh thu.

Tuy nhiên, Eddy Cue phát biểu tại phiên tòa rằng ông tin tưởng rằng một thỏa thuận sẽ đạt được với Google và ông chưa nghiêm túc suy tính xem Apple sẽ làm gì nếu không thành công.

Eddy Cue nói tại tòa: “Chắc chắn không có giải pháp thay thế (Google) hợp lý nào mà chúng tôi sẽ sử dụng. Đó không phải là điều mà chúng tôi thực sự thực sự cân nhắc”.

Cuối cùng, Eddy Cue cho biết ông cảm thấy việc hoàn tất thỏa thuận là vì lợi ích tốt nhất cho cả hai công ty.

Eddy Cue nói hai bên đã đồng ý về tỷ lệ chia sẻ doanh thu khác với con số được đưa ra ban đầu. Các điều khoản của thỏa thuận đã được gia hạn vào năm 2021 để kéo dài hợp đồng.

Bộ Tư pháp Mỹ hỏi liệu có điều khoản nào trong thỏa thuận để Apple hỗ trợ và bảo vệ thỏa thuận liên quan đến các hành động của chính phủ hay không. Eddy Cue xác nhận là có nhưng không biết nhiều về nó. Ông nói vào thời điểm đó, Google đã yêu cầu bổ sung điều khoản khi công ty đang bị điều tra ở châu Âu và luật sư của Apple nói rằng việc thêm nó là hoàn toàn phù hợp.

Bài liên quan
Google đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Anthropic, cạnh tranh với OpenAI do Microsoft hậu thuẫn
Google đã đồng ý đầu tư 2 tỉ USD vào Anthropic, người phát ngôn của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) này cho biết hôm 27.10.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng 2024 trên 7%, tạo thế giai đoạn tới tăng trưởng 2 con số
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng trên 7%, năm 2025 khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Mozilla: Thất bại khi chuyển công cụ tìm kiếm mặc định của Firefox từ Google sang Yahoo