Được nhận định là hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng trăm nghìn ca tử vong do COVID-19 và sớm đưa thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường mới, vắc xin về cơ bản cũng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho một số công ty dược phẩm.
Moderna và Pfizer sẽ chiếm phần lớn trong số 70 tỉ USD lợi nhuận toàn cầu ước tính từ vắc xin trong năm 2021. Doanh thu của 2 hãng sẽ còn cao hơn nữa nếu các nước tiêm nhắc lại để chống biến chủng Delta.
Ngày 5.8, Moderna sẽ công bố doanh thu trong quý 2 sau khi lần đầu báo lãi trong quý 1 với doanh thu 1,7 tỉ USD. Hồi tháng 5, hãng cũng dự đoán sẽ đạt doanh thu 19,2 tỉ USD từ vắc xin trong năm 2021, nhưng con số này có thể tăng trong tuần tới.
Hãng dược Pfizer đã kiếm được 11,3 tỉ USD trong nửa đầu năm nay từ loại vắc xin COVID-19 phát triển cùng BioNTech (Đức). Tuần trước, hãng đã nâng mức dự báo doanh thu năm 2021 từ 26 tỉ USD lên 33,5 tỉ USD. Tổng doanh thu của Pfizer tăng 86% trong quý 2, nhưng chỉ tăng 10% nếu không tính tới các doanh thu từ vắc xin COVID-19.
Nhà phân tích Damien Conover của Morningstar cho biết mức tăng trưởng doanh thu của Pfizer sẽ chậm lại trong 12 tháng tới do nhu cầu vắc xin chuyển sang các thị trường mới nổi, nơi giá cả vắc xin thấp hơn.
Thành công thương mại của Pfizer và Moderna trái ngược hoàn toàn với con đường phi lợi nhuận của AstraZeneca và Johnson&Johnson. Hai hãng này đang cung cấp vắc xin với mức giá thấp hơn nhiều. Ở châu Âu và Mỹ, AstraZeneca đặt giá 4,3-10 USD cho 2 liều, Johnson&Johnson thu 10 USD cho loại vắc xin tiêm một mũi, trong khi đó Pfizer và Moderna tính giá hơn 30 USD cho 2 liều.
Cho tới nay, chỉ 14,4% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ, 28% được tiêm ít nhất một liều. Chỉ 1,1% người dân tại các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi.