Giữa tháng 9.2021, Marcel Schliebs, nhà nghiên cứu thông tin sai lệch ở Đại học Oxford, đã theo dõi thông điệp mà các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc lan truyền trên Twitter trong 18 tháng qua, phát hiện sự xuất hiện của lý thuyết nguồn gốc COVID-19 đáng ngạc nhiên.
Zha Liyou, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Kolkata (Ấn Độ), đã tweet tuyên bố vô căn cứ rằng COVID-19 có thể nhập khẩu vào Trung Quốc từ Mỹ thông qua một lô tôm hùm Maine được vận chuyển đến một chợ hải sản ở Vũ Hán vào tháng 11.2019. Việc này đánh dấu sự mới nhất trong một loạt giả thuyết đã được các tài khoản thân Trung Quốc đưa ra kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Đào sâu hơn nữa, Marcel Schliebs đã phát hiện ra một mạng lưới gồm hơn 550 tài khoản Twitter lan truyền thông điệp gần giống hệt nhau, được dịch sang nhiều thứ tiếng, bao gồm Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Hàn và thậm chí cả tiếng Latinh, vào thời gian 8 giờ sáng đến 11 giờ sáng mỗi ngày (giờ Trung Quốc).
Marcel Schliebs cho biết một số tài khoản là "con rối vớ vẩn với rất ít hoặc không có người theo dõi", trong khi những tài khoản khác dường như từng xác thực nhưng đã bị chiếm đoạt và sử dụng lại để phát tán thông tin sai lệch.
Là nhà nghiên cứu về tuyên truyền tính toán tại chương trình về Dân chủ và Công nghệ của Đại học Oxford (Anh), Marcel Schliebs cho biết: “Chúng ta có thể thấy có một nỗ lực phối hợp và đó là một câu chuyện thân Trung Quốc".
Các bài báo từ phương tiện truyền thông Trung Quốc, được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều lần cho rằng COVID-19 có thể có nguồn gốc từ hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Marcel Schliebs thấy nhà ngoại giao Trung Quốc từng thúc đẩy lý thuyết tôm hùm Maine vào tháng trước, đã tweet vào tháng 12.2020 về giả thuyết rằng COVID-19 có thể đã đến Vũ Hán từ nơi khác thông qua "dây chuyền lạnh" và kêu gọi điều tra thêm về tuyên bố vô căn cứ rằng quân đội Mỹ có liên quan trong việc lây lan vi rút.
“Đây là lần chuyển hướng khác biệt lớn thứ ba hoặc thứ tư mà các quan chức Trung Quốc đã thử và bằng cách nào đó gán ghép nguồn gốc COVID-19 bắt nguồn từ Mỹ. Nó trông thô và không tinh vi khi bạn nhìn vào các tài khoản cá nhân. Thế nhưng, những loại mạng lưới này được thiết kế để thử và đưa các chủ đề trở thành xu hướng trên mạng xã hội”, Bret Schafer, người đứng đầu nhóm điều tra thao túng thông tin tại Liên minh Bảo đảm Dân chủ, thuộc tổ chức phi lợi nhuận German Marshall Fund của Mỹ, nói việc các nhà ngoại giao phát tán thông điệp được củng cố bởi các tài khoản không xác thực.
Ông nói thêm: “Dù có ai đang mua tôm hùm hay Fort Detrick là nguồn của COVID-19 hay không thì ít nhất nó cũng có tác dụng làm xáo trộn sự thật, khiến mọi người hoang mang". Fort Detrick ở bang Maryland là trung tâm trụ sở chương trình phòng thủ sinh học của Mỹ.
Marcel Schliebs cho biết đã chia sẻ trên Twitter một bảng tính các tài khoản dường như đang hoạt động bất thường. Twitter đã xem xét các tài khoản và tạm ngưng chúng theo chính sách spam, thao túng nền tảng của mình.
Người phát ngôn Twitter - Marco Bilello nói: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giữ cho mọi người được an toàn và chúng tôi luôn cảnh giác về hoạt động phối hợp trên dịch vụ của mình. Sử dụng cả công nghệ và đánh giá của con người, chúng tôi chủ động và thường xuyên giải quyết các nỗ lực thao túng nền tảng, giảm thiểu chúng trên quy mô lớn bằng cách kích hoạt hàng triệu tài khoản mỗi tuần do vi phạm chính sách của chúng tôi trong lĩnh vực này”.
Công ty cho biết Twitter điều tra các mạng tài khoản không xác thực để xem liệu nó có thể gán chúng vào hoạt động liên kết với nhà nước hay không, nhưng quá trình đó có thể mất vài tháng. Twitter vẫn chưa liên kết mạng lưới này với bất kỳ ai làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
Do nhóm của Marcel Schliebs xác định mạng lưới nhanh nên “tác động trong thế giới thực có thể rất nhỏ”.
“Chúng tôi đã thông báo cho Twitter về mạng lưới và họ nhanh chóng tạm ngưng nó ngay khi nó bắt đầu có được sức hút, khi mạng này đang trong giai đoạn phát triển”, Marcel Schliebs nói.
Cuộc chiến tôm hùm
Ngành công nghiệp tôm hùm của bang Maine (Mỹ) đã bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung trong vài năm. Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, xuất khẩu tôm hùm sống của Mỹ sang Trung Quốc, nước mua thủy sản lớn, đã giảm mạnh hơn 40% vào năm 2019 sau khi Trung Quốc áp đặt thuế quan nặng với tôm hùm Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa Tổng thống Donald Trump với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Xuất khẩu tôm hùm của Mỹ sang Trung Quốc tăng trở lại vào năm 2020 khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế với ngành này. Thế nhưng, một số chuyên gia lo ngại về khả năng Trung Quốc đưa ra lệnh trừng phạt với thủy sản của Mỹ trong tương lai.
Vào tháng 11.2020, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu tôm hùm Úc trong bối cảnh tranh chấp thương mại và ngoại giao kéo dài nhiều tháng. Trung Quốc cũng hạn chế nhập khẩu cá hồi Na Uy một cách không chính thức sau khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba.
Một số bài báo ám chỉ tôm hùm Maine liên kết đến báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 3 cho biết SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong các sản phẩm và bao bì đông lạnh thời gian dài, điều này cung cấp cơ sở khoa học cho khả năng nhập khẩu như vậy có thể truyền vi rút.
Theo Tom Adams, chủ sở hữu của Maine Coast, nhà cung cấp sỉ tôm hùm Maine có trụ sở chính đã được đề cập trong một số bài báo trên phương tiện truyền thông Trung Quốc: “Các tổ chức y tế công cộng trên khắp thế giới đã tuyên bố chắc chắn rằng thực phẩm nhập khẩu không phải là nguyên nhân gây ra COVID-19. Maine Coast không có thông tin hỗ trợ cho tuyên bố này".
Tom Adams nói thêm rằng những tin đồn vô căn cứ không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của anh.
Một số bài báo đưa ra giả thuyết rằng các trường hợp mắc bệnh phổi được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Maine xác định là do thuốc lá điện tử gây ra, có thể là cụm ca COVID-19 đầu tiên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Maine khẳng định những tuyên bố này không có cơ sở khoa học.
Robert Long, người phát ngôn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Maine, nói: “Có vẻ như những tuyên bố này tạo ra mối liên hệ vô căn cứ giữa những cá nhân yêu cầu điều trị tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử tại Bệnh viện Maine với thực tế là tôm hùm sống ở vùng biển gần bệnh viện đó. Đó là chuyện tầm phào”.
Quan điểm của Trung Quốc
Kai Yan, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh, cho biết nước này “phản đối việc bịa đặt và lan truyền thông tin sai lệch”.
Kai Yan nói: “Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của thông tin sai lệch và thủ phạm là một số chính trị gia. Các hãng truyền thông háo hức với việc Trung Quốc công kích Mỹ và một số nước phương Tây khác”.
Ông Kai Yan nói thêm rằng Trung Quốc kêu gọi "tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế cùng hợp tác chống lại những thông tin sai lệch như vậy, vì điều này chắc chắn sẽ làm gián đoạn sự hợp tác toàn cầu trong việc chống lại đại dịch".
Marcel Schliebs nói giả thuyết tương tự vẫn đang lan truyền trên Twitter bất chấp việc xác định nhanh chóng và tạm ngưng các tài khoản.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi đã làm nó chậm lại đáng kể, nhưng vẫn thấy một số nỗ lực phối hợp để truyền bá thông điệp. Có vẻ như các tài khoản đang được thiết lập ngay bây giờ thay thế những tài khoản bị gỡ xuống để phản ứng với cuộc điều tra của chúng tôi".