Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đội vốn lên hơn 2.100 tỉ đồng nhưng hoạt động 1 năm đã lỗ 200 tỉ. Gần 2 năm nay, nhà máy này trùm mền đóng cửa. Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố nhiều sai phạm tại dự án này và chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.

Cận cảnh nhà máy Ethanol ngàn tỉ ở Quảng Ngãi bị TTCP kết luận sai phạm

Lê Đình Dũng | 29/11/2016, 13:55

Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đội vốn lên hơn 2.100 tỉ đồng nhưng hoạt động 1 năm đã lỗ 200 tỉ. Gần 2 năm nay, nhà máy này trùm mền đóng cửa. Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố nhiều sai phạm tại dự án này và chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.

Theo TTCP, từ tháng 10.2007 đến tháng 3.2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam(PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên doanh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol ở 3 tỉnh: Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước. Công suất mỗi nhà máy là 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30%, còn lại vay tín dụng 70%.
Tại Khu kinh tế Dung Quất của Quảng Ngãi, dự án nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung làm chủ đầu tư bắt đầu việc lập dự án đầu tư từ năm 2008. Đến năm 2014, dự án này cơ bản hoàn thành. Đến tháng 5.2015, dự án này ngừng hoạt động đến nay; tuy nhiên hàng năm vẫn tiêu tốn tiền tỉ để bảo dưỡng.
Nhà máy này là một trong 3 dự án nhiên liệu sinh học tiêu tốn hàng ngàn tỉ nhưng không phát huy hiệu quả. Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ mới đây, số tiền bỏ ra cho dự án ở Dung Quất hơn 2.100 tỉ đồng, vượt tổng mức đầu tư được duyệt hàng trăm tỉ.
Hoàn thành vào năm 2014, nhà máy đi vào hoạt động với kỳ vọng tạo ra nguồn nhiên liệu xăng E5 giá rẻ, thân thiện môi trường và động lực phát triển các vùng nguyên liệu. Tuy nhiên ngay từ đầu, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, không vận hành thương mại nhưng vẫn phát sinh các khoản phí tối thiểu như điện, nước, bảo dưỡng, khấu hao tài sản cố định, lãi vốn vay…
Năm 2014, nhà máy này đã lỗ đến 164 tỉ đồng. Suốt 18 tháng qua, các xưởng máy chỉ vận hành để bảo dưỡng. Nhiều không gian trong khuôn viên nhà máy cỏ dại mọc um tùm. Hàng chục kỹ sư, công nhân không có việc phải lần lượt bỏ đi.
Mới đây, TTCP đã có kết luận về hàng loạt sai phạm tại dự án này. Cụ thể, khi chưa thành lập Công ty CP NLSH dầu khí miền Trung (chủ đầu tư nhà máy), PVN đã giao cho Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) chủ trì xây dựng báo cáo, nghiên cứu tìm điềm đặt nhà máy. Petrosetco khi lựa chọn điểm xây dựng đã không khảo sát việc đền bù giải phóng mặt bằng, gây lãng phí tiền tỉ do phải chuyển vị trí nhà máy sang nơi khác.
Việc triển khai dự án còn làm trái Luật Đấu thầu khi chỉ định nhà thầu là Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật và Xây lắp dầu khí thực hiện mà không tổ chức đấu thầu theo luật (dự án này có trên 30% vốn nhà nước). Đây cũng là nhà thầu chưa có kinh nghiệm, dẫn đến dự án bị chậm 24 tháng, phát sinh 345 tỉ.
Cũng theo kết luận thanh tra, khi nhận thầu và ký hợp đồng EPC về thiết kế, mua sắm, xây dựng nhà máy theo hình thức hợp đồng trọn gói, tổng thầu chưa lập được thiết kế kỹ thuật tổng thể các hạng mục công trình của dự án. Do đó, theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà thầu phải chịu trách nhiệm về rủi ro liên quan đến việc xác định giá trọn gói. Liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng EPC, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu đã đề nghị điều chỉnh hợp đồng EPC thàng 71,943 triệu USD sau đó đề nghị là 69,152 triệu USD…
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Đặng Vĩnh Nghi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trungcho biết, thời điểm lựa chọn vị trí ông này chưa về công ty. “Sau kết luận thanh tra, chúng tôi đang chờ làm việc với các ngành liên quan. Cái nào sai thì công ty sẽ chấp hành chịu trách nhiệm, còn cái nào chưa giải trình hết chúng tôi sẽ giải trình thêm”.
“Nguyên nhân của việc nhà máy ngừng hoạt động là do thị trường không có. Kỳ vọng trong năm 2017, nhà máy sản xuất 11.000 ngàn khối/năm, vừa sản xuất vừa duy trì thiết bị. Mong muốn rằng Chính phủ thúc đẩy lộ trình phát triển thị trường, cái đó là sự sống còn của nhà máy”, ông Nghi cho hay.
Trong thông báo kết luận thanh tra về 3 dự án nhiên liệu sinh học của PVN mới đây, TTCP đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn sai địa điểm xây dựng của Nhà máy Ethanol Dung Quất, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cận cảnh nhà máy Ethanol ngàn tỉ ở Quảng Ngãi bị TTCP kết luận sai phạm