Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề xuất cần có cuộc hội đàm cấp cao để tháo gỡ khó khăn, đưa ra giải pháp xử lý hàng ùn tắc ở cửa khẩu.

Cần hội đàm cấp cao để xử lý hàng ùn tắc ở cửa khẩu

Tuyết Nhung | 26/12/2021, 18:03

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề xuất cần có cuộc hội đàm cấp cao để tháo gỡ khó khăn, đưa ra giải pháp xử lý hàng ùn tắc ở cửa khẩu.

Vẫn tồn hơn 4.000 xe hàng

Tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tồn lại hơn 4.000 xe hàng, trong đó số xe chở hoa quả xuất khẩu là gần 3.000 xe, tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh. Tình trạng ùn tắc này gây khó khăn và thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

263713160_650989875921379_5131422886483840813_n.jpg
Nhiều cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn ùn tắc lượng lớn xe chở hàng hóa - Ảnh: CĐM 

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên phía Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên thay đổi chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện chở hàng của Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước tình hình trên, để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thông quan thì việc kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 đối với người, phương tiện và hàng hóa xuất khẩu là cần thiết. Ông yêu cầu thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tham mưu, thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 ngay từ nơi sản xuất, đóng gói để thuận lợi cho kiểm soát dịch bệnh.

Đồng thời, tăng cường trao đổi hội đàm, thống nhất quy trình khử khuẩn hàng hóa và phương thức giao nhận hàng trên biên giới; nghiên cứu, xây dựng dự thảo danh mục hàng ưu tiên, quy trình, cách thức kiểm soát trình UBND tỉnh; thống nhất lựa chọn khu trung chuyển hàng hóa là "vùng đệm" của khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, khu phi thuế quan là "vùng đệm" tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các ngành, địa phương liên quan cần tích cực, chủ động trao đổi hội đàm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cũng thông tin thêm cho biết, tỉnh đang kiến nghị có cuộc hội đàm cấp cao để tháo gỡ khó khăn, thông quan cho hàng hóa.

Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa thể giải quyết dứt điểm được trong trước mắt. Song, Cục Xuất nhập khẩu cũng kiến nghị các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới.

"Khi nắm được thông tin thì có thể chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh tác động bất lợi, kịp thời trao đổi với Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan liên quan để cùng xử lý những vấn đề phát sinh", đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đáp ứng các quy định của Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp trên cả nước cho biết xe chở hàng đang ách tắc ở cửa khẩu từ 15 ngày đến 1 tháng. Cửa khẩu Tân Thanh vẫn dừng thông quan hàng hoá từ ngày 18.12, còn cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma thông quan rất chậm. 

Thời gian ùn tắc lâu khiến không ít mặt hàng nông sản dập, hỏng. Vì thế mà hàng loạt chi phí kèm theo cũng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỉ, thậm chí là hàng nghìn tỉ đồng. Không xuất khẩu được khiến nhiều doanh nghiệp phải "quay đầu" bán hạ giá kịch sàn ở trong nước. Hiện các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn.

Gấp rút gỡ khó

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương mới đây cũng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành khuyến cáo các ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (ví dụ như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, ví dụ như đường biển. Đặc biệt, cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, đó là mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,...

Đồng thời, cần đẩy nhanh việc đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

Bộ Công Thương cũng đề xuất cần trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 2 nước tại các cửa khẩu (như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa,…) nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Từ năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động của dịch COVID-19. Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách "Zero Covid", trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón tết.

Vì vậy, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa (đặc biệt là hàng đông lạnh) qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra như thường lệ hàng năm, do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để kịp cách ly về quê đón tết. Những yếu tố trên sẽ là áp lực rất lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới đây.

Bài liên quan
VCCI góp ý về giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng biển
Việc điều chuyển hàng hóa để giảm sự ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh, vì vậy các thủ tục trong dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hội đàm cấp cao để xử lý hàng ùn tắc ở cửa khẩu