Thủ tục xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu đều thực hiện theo phương thức điện tử và phân luồng xanh, vàng, đỏ giống nhau.

Hàng Việt Nam qua cửa khẩu sang Trung Quốc theo chính sách nào?

22/12/2021, 09:29

Thủ tục xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu đều thực hiện theo phương thức điện tử và phân luồng xanh, vàng, đỏ giống nhau.

Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam - Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới.

unucuakhauqkyz.jpg
Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam qua cửa khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn - Ảnh: Internet

Trong đó, cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; cho hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới hai bên xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa của cư dân biên giới hai bên qua lại và các trường hợp khác nhằm thực hiện chính, sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.

Về hải quan, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đều thực hiện theo phương thức điện tử và phân luồng xanh, vàng, đỏ giống nhau.

Hải quan Trung Quốc thực hiện công tác giám sát hải quan tại cửa khẩu, lối mở, thực hiện các công tác giám sát tại hiện trường như giám sát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, kiểm tra bảng kê hàng hóa; kiểm tra, giám sát, kiểm dịch, kiểm nghiệm giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm...; kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động thương mại của cư dân biên giới; quản lý giám sát thương mại điện tử xuyên biên giới, hàng hóa chuyển phát nhanh.

Trong khi đó, hải quan Việt Nam chỉ thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, các thủ tục liên quan đến kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực khác do các bộ quản lý, thực hiện.

Về chính sách kiểm dịch, với hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan, ngoài bộ hồ sơ theo quy định, người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch để được thông quan lô hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc phải được cơ quan hải quan Trung Quốc cấp xác nhận truy xuất nguồn gốc (kiểm tra tại nguồn, cấp nhãn mác cho sản phẩm, dán tem truy xuất...). Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế như kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thường, xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe, các biện pháp kiểm dịch gồm: lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để kiểm tra, xét nghiệm; tiến hành khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; thực hiện phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa, Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông-thủy sản nhập khẩu như: chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, xét nghiệm COVID-19, rút ngắn thời gian đóng mở cửa khẩu...

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248 ngày 12.4.2021 về "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Công hòa nhân dân Trung Hoa" và lệnh số 249 ngày 14.4.2021 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Cộng hòa nhân dân Trung Hoa". Các quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2021, theo đó doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc phải chủ động trong kế hoạch kinh doanh, đáp ứng đúng các quy định kiểm soát của Trung Quốc như: nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, chất lượng hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn thương mại...

Thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu mà theo số liệu tổng hợp và đánh giá thì tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.

Đặc biệt, có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, trong đó yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chìa và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần.

Đáng chú ý, chính quyền TP.Đông Hưng (Trung Quốc) đã có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0 giờ ngày 21.12.2021, thời gian thông quan cụ thể sẽ có thông báo sau.

Việc Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau tết càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.

Một điều đáng nói là vẫn tồn tại những bất cập theo "lối mòn" khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Đó là cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế (hợp đồng thương mại quốc tế, các điều khoản quy định cụ thể về phương thức giao nhận hàng hóa, thanh toán tiền hàng cũng như các điều khoản quy định trong trường hợp rủi ro...) nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm về ùn tắc giao thông thời gian qua
“Thay mặt ngành giao thông và các địa phương, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng Việt Nam qua cửa khẩu sang Trung Quốc theo chính sách nào?