Hãng AP đưa tin Canada sắp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới yêu cầu in nhãn cảnh báo sức khỏe trên từng điếu thuốc lá.
Ý tưởng trên tiếp nối chính sách bắt buộc bao bì thuốc lá phải có hình ảnh cảnh báo đang được thực hiện rộng rãi toàn cầu suốt hai thập niên qua. Theo Bộ trưởng Sức khỏe tâm thần và hội chứng nghiện Canada Carolyn Bennett: “Những thông điệp này (hình cảnh báo trên bao bì) có thể đã mất đi tính mới mẻ và ở mức độ nào đó cũng mất đi tác dụng”.
“Thêm nhãn cảnh báo trên từng điếu thuốc sẽ giúp đảm bảo thông điệp thiết yếu đến được với mọi người kể cả người trẻ tuổi thường xuyên tiếp cận thuốc lá trong các tình huống xã hội nhưng lại bỏ qua thông tin in trên bao bì”, Bộ trưởng Bennett cho biết.
Thời gian tham vấn ý tưởng trên bắt đầu từ ngày 11.6. Chính phủ Canada dự đoán thay đổi sẽ có hiệu lực từ nửa cuối năm 2023.
Bộ trưởng Bennett cho biết thông điệp được đề xuất in trên điếu thuốc là “Chất độc trong mỗi lần hút”, tuy nhiên thông điệp cuối cùng có thể khác.
Ngoài nhãn cảnh báo trên điếu thuốc, cảnh báo trên bao bì cũng sẽ liệt kê nhiều tác hại sức khỏe khi hút thuốc hơn, gồm cả ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, tiểu đường và bệnh mạch máu ngoại vi.
Canada đã đặt ra quy định in hình ảnh cảnh báo kể từ khi chuyển giao thiên niên kỷ. Nhưng hình ảnh cảnh báo không được cập nhật suốt một thập niên qua.
Nhà phân tích chính sách Rob Cunningham thuộc Hiệp hội Ung thư Canada hy vọng nhãn cảnh báo in trên điếu thuốc sẽ trở nên phổ biến trên toàn thế giới giống như hình ảnh cảnh báo trên bao bì hiện nay. Canada có thể tạo ra tiền lệ để tạo nên khác biệt thực sự.
Giáo sư Geoffrey Fong (Đại học Waterloo), điều tra viên của dự án Đánh giá chính sách kiểm soát thuốc lá quốc tế cũng hoan nghênh ý tưởng in nhãn cảnh báo lên điếu thuốc: “Đây là biện pháp thực sự có tiềm năng mạnh mẽ trong nâng cao tác dụng cảnh báo”.
Tỷ lệ người hút thuốc tại Canada đang giảm dần. Dữ liệu chính thức vừa công bố tháng 5 cho thấy chỉ có 10% người dân hút thuốc thường xuyên. Chính phủ Canada đặt mục tiêu đưa tỷ lệ này giảm còn một nửa vào năm 2035.