Vài năm gần đây, việc có con trai thông qua phương pháp mang thai hộ đã được những người đồng tính nam tại Trung Quốc sử dụng như cách làm hòa với cha mẹ sau khi công khai xu hướng tính dục thật.

Câu chuyện cảm động về hành trình sinh con trên đất Mỹ của đôi đồng tính nam Trung Quốc (Phần cuối)

Chí Thiện - bài | 29/02/2020, 23:36

Vài năm gần đây, việc có con trai thông qua phương pháp mang thai hộ đã được những người đồng tính nam tại Trung Quốc sử dụng như cách làm hòa với cha mẹ sau khi công khai xu hướng tính dục thật.

Câu chuyện cảm động về hành trình sinh con trên đất Mỹ của đôi đồng tính nam Trung Quốc (P.1)

Xu muốn có một đứa con trai. Thử nghiệm di truyền báo cáo rằng anh có 5 phôi để lựa chọn trong số 8 phôi khỏe mạnh. Trong đó có 2 “siêu phôi” được xếp hạng 6AA trong hệ thống HRC Fertility, cho thấy đạt tỷ lệ chuyển thành công cao nhất. Có vẻ như có rất nhiều lựa chọn tốt dù họ chỉ cần một. Mặc dù vậy, Xu và Li sẽ sớm nhận ra rằng phôi chất lượng cao không phải lúc nào cũng đủ.

Vào 9.2016, phôi do họ chọn đã được chuyển đến người mang thai hộ. 12 ngày sau, họ nhận tin ca cấy ghép đã thành công.

Một tuần tiếp theo, Xu và Li nhận hung tin: đó là một thai sinh hóa – một dạng sảy thai sớm khi phôi chưa phát triển đủ để nhìn thấy bằng sóng siêu âm. Cách đó không lâu, họ lần đầu tiên nghe đến thuật ngữ này khi trung tâm sinh sản thông báo người mang thai hộ của họ từng mang thai sinh hóa. Các bác sĩ khẳng định sự cố này không ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con của người phụ nữ kể trên nhưng Xu và Li đã bắt đầu ngập ngừng: Liệu có nên tiếp tục với một người từng sảy thai 2 lần?

Phòng mổ nơi Diego được sinh ra

Họ quyết định thử lại lần nữa. Vào ngày 2.12.2016, phôi thứ hai đã được chuyển giao thành công. Mọi thứ có vẻ tốt trong những tuần tiếp theo. Tuy nhiên, vào một buổi sáng bảy tuần sau, Xu nhận được một email từ phòng khám: người mang thai hộ vừa đi khám định kỳ và không phát hiện thấy nhịp tim của thai nhi.

Li tuyệt vọng và không thể tập trung vào công việc. Phải chăng người mang thai hộ quá già? Hay cô ấy không được chăm sóc đầy đủ như truyền thống Trung Quốc?

Hai “siêu phôi” của họ đã biến mất. Họ quyết định không làm việc với người mang thai hộ đó nữa và tìm kiếm người thay thế.

Xu và Li đã dành trọn một năm để xem qua cơ sở dữ liệu của những người đồng ý mang thai hộ. Một số người nói rõ trong hồ sơ của mình rằng họ không muốn mang em bé cho cha mẹ châu Á hoặc cha mẹ đồng giới. Hầu hết sinh sống ở California, tiểu bang duy nhất Xu và Li từng đến vào thời điểm đó. Thế nhưng, họ quyết định không giới hạn các lựa chọn và mở rộng sang Colorado, Arizona, Georgia, Pennsylvania. “Trong một năm, chúng tôi chỉ lướt qua cơ sở dữ liệu và nghiên cứu bản đồ Mỹ, từ bờ biển phía tây đến bờ biển phía đông”, Xu nói.

Xu khoe hình chụp em bé lúc mới sinh

Ở Mỹ, quy định pháp lý về mang thai hộ thay đổi tùy theo tiểu bang. Khoảng 10 tiểu bang, bao gồm cả California, có các đạo luật rõ ràng cho phép mang thai hộ hoặc có những án lệ có lợi. New York và Michigan cấm mọi hình thức mang thai hộ trả phí trong khi Louisiana chỉ cho phép các cặp vợ chồng dị tính đã kết hôn. Phần lớn các quốc gia rơi vào một nơi nào đó ở giữa, không có luật nào chi tiết cấm việc mang thai hộ. Các trung tâm hỗ trợ yêu cầu người mang thai hộ sống ở các tiểu bang dễ chịu hơn và sinh em bé ở đó để tránh những rắc rối pháp lý.

Xu và Li đã chọn 4 người phụ nữ nhưng tất cả đều thất bại. Một phụ nữ ở Denver bị từ chối vì niêm mạc tử cung quá dày. Một thiếu nữ 19 tuổi bị loại vì y tá nghi ngờ cô ta không thể gánh được trách nhiệm lớn ở độ tuổi trẻ như vậy. Một phụ nữ ở Kansas đã thử nghiệm dương tính với chlamydia. Lựa chọn thứ tư là một phụ nữ Atlanta. Cô nàng đã vượt qua tất cả các buổi kiểm tra y tế và tâm lý nhưng bị loại vào phút cuối.

Ann Yous (tên đã được thay đổi) là một người phụ nữ sống tại thành phố San Diego. Cô kết hôn với một sĩ quan hải quân và có 5 đứa trẻ. Thế nhưng, cô vẫn luôn thích cảm giác mang thai bởi tuổi thơ thiếu vắng tình yêu của cha mẹ. Anne đã bàn bạc ý tưởng trở thành người mang thai hộ với chồng – người ban đầu phản đối. “Em hoàn toàn nghiêm túc. Thật dễ dàng cho em khi mang thai. Nếu em muốn tặng lại món quà đó cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn thì sao?”, cô nói.

Ann đã phải thực hiện một chu trình kiểm tra y tế nghiêm ngặt và vượt qua hết. Năm 2017, cô được thông báo rằng mình đã được ghép cặp với một đôi đồng tính nam tại Trung Quốc. Ann về nhà và tải ngay WeChat. Trong đoạn video-call kéo dài 1 tiếng, cô lần đầu tiên gặp Xu và Li.

Cuộc gặp ấy là một tràng câu hỏi qua lại giữa Ann và cặp đôi. Họ hỏi cô về cuộc sống hàng ngày và công việc. Còn cô hỏi họ về hành trình gian nan để có con. “Tôi chỉ muốn xem họ có hoạt ngôn hay không”, Ann nhớ lại. “Nói đúng hơn, tôi muốn biết họ có hạnh phúc hay không. Và đúng như vậy. Họ rất ấm áp”.

Hai bên ngay lập tức có cảm tình với nhau.

Xu và Li trong lúc còn ở San Diego để hoàn thành những thủ tục pháp lý còn lại để đưa con trai về nước

Ann phải liên tục lái xe hai tiếng đồng hồ từ San Diego đến phòng khám sinh sản ở Pasadena mỗi tuần trong suốt chu kỳ IVF (thụ thai trong ống nghiệm). Cô cũng nghỉ việc với tư cách là quản lý dịch vụ ăn uống tại một khách sạn bởi áp lực quá lớn và phải làm đêm. “Chồng tôi đang ở trong quân đội còn tôi thì có 5 đứa con cho nên tôi phải tập trung hơn”, Ann nói.

Tháng 2 năm 2018, Ann hoàn thành quá trình thụ thai. Cô thường xuyên nhắn tin cho Xu và Li trong quá trình kiểm tra y tế. Bỗng một ngày, cô nhắn cho họ một đoạn ghi âm nhịp tim của đứa bé.

Tháng 5 năm 2018, khi mang thai được ba tháng, Xu và Li đã bay tới San Diego để gặp Ann và gia đình cô. Đó là chuyến đi thứ ba của họ đến Mỹ, sau hai năm đấu tranh và thất vọng.

Ann đưa họ đi kiểm tra siêu âm 4D, lần đầu tiên Xu và Li được nhìn thấy đứa con tương lai của mình. Thai nhi đang di chuyển bên trong tử cung của cô, không lớn hơn một hạt đậu phộng, nhưng đầu và tay chân thì rõ ràng. Họ đến nhà Ann vào ngày hôm sau và gặp hai đứa con út của cô. “Trông thật tuyệt khi có một gia đình lớn”, Xu nghĩ. “Nếu không quá đắt để có một đứa con thông qua việc mang thai hộ. Mình sẽ thêm đứa nữa”.

Ước tính, Xu và Li đã chi 200.000 USD cho toàn bộ quá trình. Số tiền cao như vậy đồng nghĩa việc có con tại Mỹ chỉ dành cho giới nhà giàu tại Trung Quốc.

Khi ngày sinh đến gần, Ann biết rằng đây sẽ là một trải nghiệm mới. Năm đứa con của cô sinh ra đều dễ dàng nhưng con của Xu lớn hơn nhiều, nặng hơn 4kg.

Vào thứ Sáu ngày 12 tháng 10 năm 2018, Ann được đưa vào bệnh viện sau khi được thông báo vào ngày hôm trước rằng cô sắp chuyển dạ. Xu và Li, đã đến San Diego ba tuần trước, cùng đi với cô. Sau một ngày thứ Bảy vất vả và mệt nhọc, đứa bé chào đời vào 4 giờ sáng ngày Chủ Nhật.

Y tá đưa đứa trẻ đến một phòng khác để gặp Xu và Li - hai người đã ở bệnh viện trong 48 giờ. Ba năm lập kế hoạch là để dành cho khoảnh khắc này. “Thằng bé trông vẫn rất nhỏ bé”, Xu cảm động nói. Khi Ann ra khỏi phòng sinh vài giờ sau đó, họ đợi ở cửa chỉ để cho cô thấy mặt đứa bé.

“Tôi rất vui khi thấy khuôn mặt của Xu và Li”, Ann nhớ lại. “Tôi biết mình có thể tặng họ món quà mà họ đã mong đợi từ lâu”. Ba tháng trước, cặp đôi này đã nhờ cô nghĩ ra một cái tên tiếng Anh cho đứa trẻ. Ann đặt tên cậu bé là Diego, như San Diego, thành phố nơi họ gặp nhau và nơi đứa trẻ được sinh ra.

Xu và Li đảm nhận các vai trò khác nhau sau khi sinh. Li chăm sóc Diego tại căn hộ thuê ở San Diego trong khi Xu lái xe đi khắp nơi để xin tất cả các tài liệu pháp lý cần thiết để đưa em bé về nhà.

Một tháng sau, họ bay về Trung Quốc. Họ đã bán công ty của mình để cả hai có thể ở nhà và chăm sóc em bé. Họ cũng quay trở lại Nam Thông - một thành phố cảng nhỏ nơi cha mẹ Xu sống. Ở đó, họ mua một căn hộ lớn hơn, nơi Diego có thêm không gian để vui chơi và dễ dàng hơn cho ông bà giúp chăm sóc cậu bé. Cha mẹ Xu vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy cháu nội, luôn yêu cầu Xu và Li gửi Diego qua để họ chăm sóc.

Một lý do khác cho việc chuyển nhà là chi phí rẻ hơn khi theo học các trường tư thục song ngữ ở Nam Thông. Diego mặc định có quyền công dân Mỹ và Xu muốn cậu bé học tiếng Anh trong trường hợp một ngày nào đó cậu muốn quay trở lại.

Họ tham khảo ý kiến ​​của những người cha đồng tính khác về cách chăm sóc và giáo dục một đứa trẻ. Trong nhóm trò chuyện trên Wechat, họ đặt nhiều câu hỏi thiết thực về việc nuôi dạy con cái, thường vẫn được xem là nhiệm vụ của một người phụ nữ ở Trung Quốc.

Ted Zhou - một thành viên của nhóm trò chuyện, người hy vọng đứa con của mình sẽ được sinh ra thông qua phương pháp mang thai hộ vào năm 2020 - nói rằng hầu hết các bậc cha mẹ đồng tính Trung Quốc đặc biệt háo hức với thông tin về cách làm cha mẹ. “Rất nhiều cánh mày râu ở Trung Quốc không biết làm cha. Nhưng trong một mô hình gia đình như thế này, bạn không thể tránh khỏi trách nhiệm”, anh nói.

Xu và Li vẫn có những cuộc trò chuyện hàng ngày với Ann. Vì sinh mổ và các biến chứng khác trong quá trình sinh nở, bác sĩ của cô đề nghị không mang thai hộ nữa. Tuy nhiên, cô rất vui vì đã có thể giúp Li và Xu hoàn thành hành trình của họ. Vào sinh nhật đầu tiên của Diego, Ann đã gửi cho họ một gói đầy quần áo và đồ chơi trẻ em.

Gần đây, Diego đã học được cách đi bộ. Mỗi ngày trôi qua, cậu bé ngày càng trở nên năng động, chạy khắp nhà và đôi khi lấy thức ăn của cún để thử. Xu cho biết anh cảm thấy kiệt sức vì làm cha ở tuổi 40. “Khi thằng bé ngủ trưa, tôi cũng phải ngủ theo. Nếu không, tôi sẽ chẳng có đủ năng lực để giữ thằng bé thêm 8 tiếng trước khi nó ngủ vào buổi tối”, anh nói.

Li và Xu lần muốn hai đứa con nhưng không biết liệu họ muốn lặp lại tất cả các nỗ lực như ngày trước nữa hay không, chưa kể chi phí 200.000 USD.”Tuy nhiên, nếu điều kiện của chúng tôi cho phép sinh con thứ hai”, Xu nói. “Tôi muốn có một con gái”.

Mai Thảo (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện cảm động về hành trình sinh con trên đất Mỹ của đôi đồng tính nam Trung Quốc (Phần cuối)