Việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6-7% trong năm 2017, vì thế đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ bắt đầu có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong năm tới, trong đó giảm dần sự phụ thuộc tăng trưởng GDP vào xuất khẩu như trước.

Câu chuyện tăng trưởng kinh tế: Những bài học rút ra từ năm 2016

Nhàn Đàm | 10/10/2016, 11:31

Việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6-7% trong năm 2017, vì thế đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ bắt đầu có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong năm tới, trong đó giảm dần sự phụ thuộc tăng trưởng GDP vào xuất khẩu như trước.

Câu chuyện tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 đang là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của xã hội trong những ngày gần đây, dù vẫn còn gần 3 tháng nữa mới kết thúc năm, khi Chính phủ mới lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào đầu năm nay đã quyết định điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng chung. Theo đó, tăng trưởng GDP trong năm nay ước đạt từ 6,3-6,5% so với mức mục tiêu đặt ra trước đó là 6,7%.

Sự điều chỉnh có phần bất khả kháng này của Chính phủ được nhìn nhận là xuất phát từ hai nguyên nhân chính, đó là sự sụt giảm của nông nghiệp và đặc biệt là đòn bẩy tăng trưởng chủ lực của Việt Nam: xuất khẩu (chỉ đạt mức tăng 6-7% so với mức mục tiêu đề ra là 10%). Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn cam kết đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 sẽ đạt 6,7% (tương đương với mục tiêu đặt ra năm 2016) trong bản báo cáo trước Quốc hội. Vậy, chúng ta có thể rút ra được những bài học gì từ năm 2016 cho mục tiêu tăng trưởng 2017?

Có một điểm được xem là khá mâu thuẫn trong bản báo cáo của Chính phủ gửi phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 7.10 và đã được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt dấu hỏi, đó là việc mục tiêu tăng trưởng 2017 mà Chính phủ đặt ra là 6,7% nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6-7%. Đây là một điều được xem là khá bất thường, khi chính mức tăng trưởng xuất khẩu chỉ ước đạt 6-7% của năm 2016 được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc Việt Nam phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,7% xuống còn 6,3-6,5% trong năm nay. Nói cách khác, với tình trạng nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cùng một mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như nhau, thì sẽ khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khác nhau.

Bản thân Chính phủ trong bản báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 2016 và dự kiến kế hoạch 2017 gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận rằng, nếu không có những yếu tố được xem là bất lợi trong nửa đầu năm thì kim ngạch xuất khẩu có thể vượt kế hoạch đề ra và tăng trưởng GDP cũng vì thế sẽ đạt mục tiêu. Nói cách khác, bản thân Chính phủ cũng thừa nhận tầm quan trọng cốt yếu của mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đối với tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Vậy, đâu là lý do khiến Chính phủ tự tin rằng dù với mức tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn, thì tăng trưởng GDP vẫn sẽ được đảm bảo?

Trên thực tế, những gì đã diễn ra trong năm 2016 cho thấy Việt Nam sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu cao hơn nữa. Sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 đến từ cả hai lĩnh vực cốt yếu là nông nghiệp và công nghiệp. Về nông nghiệp, tình trạng hạn mặn trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long và thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung khiến cho xuất khẩu nông sản và thủy hải sản sụt giảm rất mạnh. Còn trong công nghiệp, các ngành chủ lực như sản xuất điện tử hay dệt may cũng đang chững hẳn lại do hoặc đã đến ngưỡng công suất thiết kế hoặc do sự chuyển dịch của các đơn đặt hàng do sức ép cạnh tranh từ các nền kinh tế trong khu vực.

Điều đáng chú ý ở đây là, đó chủ yếu là các yếu tố mang tính nội tại trong nền kinh tế Việt Nam hơn là các tác động từ thị trường thế giới. Độ trễ ước chừng 1 năm mà sự trì trệ của kinh tế thế giới trong năm 2016 bắt đầu tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu hiện rõ nét từ năm 2017, và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Nói cách khác, cơ hội để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2017 kể cả khi nông nghiệp đã hồi phục là không nhiều (theo CafeF).

Việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6-7% trong năm 2017, vì thế đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ bắt đầu có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong năm tới, trong đó giảm dần sự phụ thuộc tăng trưởng GDP vào xuất khẩu như trước. Khi đã không thể đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, thì rõ ràng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng của các khu vực kinh tế nội địa là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước và Chính phủ đang tiến hành tái cơ cấu và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển giai đoạn 2016-2020. Bằng cách đó, kể cả khi tăng trưởng xuất khẩu có giảm đi một chút, thì tăng trưởng của nền kinh tế vẫn được đảm bảo.

Xét theo khía cạnh đó, thì những sự cố bất khả kháng xảy ra với nền kinh tế trong năm 2016 cũng không hẳn là không có ý nghĩa tích cực nhất định. Có thể xem đó là một sự cảnh báo về những hệ quả có thể xảy ra đối với một nền kinh tế có định hướng tăng trưởng dựa trên xuất khẩu một cách thái quá như Việt Nam, và nó tạo ra những động lực và sức ép cần thiết để chúng ta thay đổi. Một nền kinh tế bền vững là một nền kinh tế hài hòa và cân bằng giữa các khu vực kinh tế trong nước lẫn đầu tư nước ngoài, giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong việc tạo nên tăng trưởng GDP. Bài học lớn nhất mà chúng ta có thể rút ra từ nền kinh tế trong năm 2016 gói gọn trong nhu cầu và mục tiêu về một nền kinh tế hài hòa và cân bằng đó.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị kỷ luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện tăng trưởng kinh tế: Những bài học rút ra từ năm 2016