Samsung Electronics đang tìm kiếm một "mẫu số chung" trước các hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc, nơi công ty Hàn Quốc sản xuất chip.

CEO Samsung: Tìm 'mẫu số chung' ở cuộc chiến chip Trung-Mỹ, không thể bỏ thị trường Trung Quốc

Sơn Vân | 07/09/2022, 18:06

Samsung Electronics đang tìm kiếm một "mẫu số chung" trước các hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc, nơi công ty Hàn Quốc sản xuất chip.

Mỹ đang xem xét hạn chế các lô hàng thiết bị sản xuất chip cho các hãng chip nhớ ở Trung Quốc để làm chậm tiến bộ công nghệ của đối thủ và bảo vệ các công ty Mỹ, hãng tin Reuters đưa tin vào tháng trước.

"Có thể có một số khó khăn về lâu dài khi chúng tôi phải đưa thiết bị mới vào nhà máy của mình ở Trung Quốc", Giám đốc điều hành Kyung Kye-hyun, người đứng đầu mảng kinh doanh chip của Samsung Electronics, cho biết trong chuyến tham quan các cơ sở sản xuất chip của công ty tại thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc.

"Chúng tôi đang cố gắng tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi", ông Kyung Kye-hyun nói và cho biết thêm rằng rất khó để Samsung Electronics từ bỏ thị trường Trung Quốc, nơi ước tính sẽ cung cấp nhiều hơn 40% ngành CNTT toàn cầu.

ceo-samsung-tim-mau-so-chung-o-cuoc-chien-trung-my-khong-the-bo-thi-truong-trung-quoc132.jpg
Ông Kyung Kye-hyun, Giám đốc điều hành Samsung Electronics - Ảnh: Internet

Mỹ - Trung đối đầu gay gắt trong lĩnh vực công nghệ kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump trừng phạt các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Căng thẳng gia tăng khi Mỹ vào tuần trước đã cấm xuất khẩu các chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến sang Trung Quốc

Ông Kyung Kye-hyun nói Samsung Electronics đã bày tỏ lo ngại về đề xuất của Mỹ với liên minh chip có tên là Chip 4, gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, Hàn Quốc cần phải thăm dò thái độ của Trung Quốc trước bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, Samsung Electronics đang cố tìm ra "mẫu số chung" có lợi cho tất cả các bên quan tâm, bao gồm cả chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, ông Kyung Kye-hyun nói. Ông cũng cho biết nhu cầu chip chậm lại gần đây có thể sẽ tiếp tục trong năm tới, nhưng Samsung Electronics sẽ điều chỉnh các khoản đầu tư để cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

"Chúng tôi cần xây dựng một nhà máy lớn để đảm bảo các khách hàng lớn", Kyung Kye-hyun nói. Ông cho biết thêm rằng các công ty thiết kế chip rất quan tâm đến cơ sở trị giá 17 tỉ USD mà Samsung Electronics đang xây dựng ở thành phố Taylor, bang Texas, Mỹ.

Samsung Electronics hôm 7.9 cho biết đã bắt đầu sản xuất chip nhớ NAND flash tại dây chuyền chip thứ ba ở thành phố Pyeongtaek, nơi được cho là cơ sở sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

Công ty hàng đầu Hàn Quốc cũng có kế hoạch sản xuất chip DRAM, cung cấp hợp đồng sản xuất trên dây chuyền thứ ba và đã bắt đầu công việc nền tảng cho dây chuyền thứ tư ở Pyeongtaek.

ceo-samsung-tim-mau-so-chung-o-cuoc-chien-trung-my-khong-the-bo-thi-truong-trung-quoc13.jpg
ceo-samsung-tim-mau-so-chung-o-cuoc-chien-trung-my-khong-the-bo-thi-truong-trung-quoc1.jpg
ceo-samsung-tim-mau-so-chung-o-cuoc-chien-trung-my-khong-the-bo-thi-truong-trung-quoc.jpg
Khung cảnh nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics tại Pyeongtaek - Ảnh: Reuters

Hàn Quốc tìm hướng đi khi Mỹ gây áp lực ngành chip Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, sớm được đưa vào thử thách khi Mỹ treo gần 53 tỉ USD ưu đãi để thu hút nhiều nhà sản xuất chip hơn sang nước này, đe dọa khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hàn Quốc muốn đạt được sự cân bằng tinh tế giữa các chính sách của hai đối tác thương mại lớn của mình, đồng thời giúp hai gã khổng lồ chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix tránh khỏi những xung đột địa chính trị có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của họ, theo một chuyên gia am hiểu các chính sách của Seoul.

Tuy nhiên, áp lực từ Washington ​​tăng lên sau khi Tổng thống Joe Biden hôm 9.8 ký ban hành đạo luật Chips and Science (Chips và Khoa học), trong đó dành 52,7 tỉ USD khuyến khích sản xuất chất bán dẫn và 200 tỉ USD khác cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử cùng các công nghệ tiên tiến khác - những lĩnh vực mà Trung Quốc đã chỉ định là ưu tiên quốc gia.

Việc thông qua luật đó thúc đẩy nỗ lực của Mỹ trong việc hình thành liên minh Chip 4. Bắc Kinh coi liên minh này là một âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Nếu Samsung Electronics và SK Hynix khai thác tài trợ của Mỹ, gần như chắc chắn rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc mở rộng của họ ở Trung Quốc, đặc biệt là do sự phụ thuộc của họ vào thiết bị sản xuất chip của Mỹ”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), nhận định.

Những hãng nhận trợ cấp từ Mỹ bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài “chất bán dẫn kế thừa” - được định nghĩa là chip được sản xuất bằng quy trình 28 nanomet trở lên - trong 10 năm. Chính phủ Mỹ có toàn quyền quyết định loại thiết bị nào sẽ được phân loại là thiết bị kế thừa trong phân khúc thị trường chip nhớ, nơi Samsung Electronics và SK Hynix là hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Cả Samsung Electronics và SK Hynix đều đã đầu tư rất lớn để xây dựng và vận hành các xưởng đúc chip ở Trung Quốc. Theo chuyên gia Hàn Quốc, sẽ khó có khả năng hai công ty này đơn giản rời khỏi những tài sản đó và các lợi ích kinh doanh liên quan trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

So với Đài Loan, Hàn Quốc chịu áp lực lớn hơn chủ yếu vì đầu tư của Samsung vào Trung Quốc kể từ năm 2012 đã đạt 25,8 tỉ USD”, theo Arisa Liu, chuyên gia nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan.

Hai nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics ở thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc chiếm 42% tổng công suất sản xuất NAND flash của công ty.

Arisa Liu nói: “Nếu hai nhà máy lớn này ở Trung Quốc không thể tiếp tục sử dụng các quy trình sản xuất chip tiên tiến hơn nữa, họ có thể mất dần khả năng cạnh tranh”.

Trong khi đó, một nhà máy SK Hynix có trụ sở tại thành phố Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc chiếm 45% tổng năng lực sản xuất DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) của công ty.

Việc giữ cho các hoạt động sản xuất đó ở Trung Quốc liên quan trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu phản ánh cách các quan chức cấp cao chính quyền Hàn Quốc đối mặt với nhiều công việc rất khó khăn, khi điều hướng theo vùng ngoại giao phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cùng ngày Chips and Science trở thành luật ở Mỹ, đại diện của Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Thanh Đảo, thành phố cảng ở tỉnh Sơn Đông, để cam kết củng cố mối quan hệ và chuỗi cung ứng ổn định trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Gặp người đồng cấp Hàn Quốc là Park Jin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị cho biết nước này phản đối “chính trị hóa nền kinh tế và vũ khí hóa thương mại” trong một lời chỉ trích ngầm với luật mới của Mỹ.

Trước đó, hôm 8.8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về việc nước này gia nhập liên minh Chip 4 do Mỹ lãnh đạo, cam kết ưu tiên hàng đầu cho lợi ích quốc gia trong việc xác định đường lối hành động của Seoul.

Ông Yoon Suk-yeol nói: “Các cơ quan chính phủ có liên quan sẽ nghiên cứu và thảo luận về vấn đề này để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mọi người không phải lo lắng về điều đó quá nhiều".

Tuy nhiên, cả Samsung Electronics và SK Hynix đều đã đặt cược vào các kế hoạch sản xuất chất bán dẫn mới ở Mỹ.

Vào tháng 7, ông Biden đã ca ngợi kế hoạch từ SK Group, công ty mẹ của SK Hynix, đầu tư 22 tỉ USD vào các dự án bán dẫn, năng lượng xanh và khoa học sinh học ở Mỹ. Con số này cao hơn cả khoản đầu tư 7 tỉ USD được công bố trước đó vào Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư vào nước này lên gần 30 tỉ USD.

Đầu tháng đó, Samsung Electronics đã vạch ra kế hoạch tiềm năng đầu tư khoảng 200 tỉ USD vào 11 nhà máy sản xuất chip ở bang Texas (Mỹ) trong vòng 20 năm tới. Điều đó theo sau thông báo của công ty vào tháng 11.2021 về việc xây dựng một nhà máy chip mới trị giá 17 tỉ USD ở bang Texas.

Trung Quốc chiếm 39,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc năm 2021, tăng từ 3,2% vào 2000, theo một bài viết của trang The Korea Herald, trích dẫn nghiên cứu được công bố bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI). KCCI đại diện cho 300 công ty Hàn Quốc, bao gồm cả hai gã khổng lồ về chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix.

Nhóm thương mại có trụ sở tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nêu rõ rủi ro ngày càng tăng do phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ gây tổn hại nặng nề cho ngành công nghiệp Hàn Quốc khi khoảng cách về kỹ năng sản xuất giữa hai nước thu hẹp.

Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc hầu như không tăng trong 20 ngày đầu tháng 8, theo dữ liệu hải quan công bố hôm 22.8. Đáng chú ý, tổng khối lượng vận chuyển trong cùng kỳ giảm 11,2% so với năm trước.

Các công ty Hàn Quốc là nhà cung cấp chip nhớ quan trọng cho một số hãng sản xuất smartphone Trung Quốc. Đầu tư rất nhiều trong nhiều năm để xây dựng nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc, Samsung Electronics và SK Hynix đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty sản xuất chip nhớ đang lên của Trung Quốc như Yangtze Memory Technologies Corp và ChangXin Memory Technologies.

Báo cáo từ KCCI cho thấy nhu cầu của Trung Quốc với hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc đã chuyển từ nguyên liệu thô và hàng hóa cấp thấp sang thiết bị cao cấp. Năm 2021, ngành công nghiệp dụng cụ chính xác ở Hàn Quốc có tỷ lệ phụ thuộc xuất khẩu cao nhất, với 42,5% trong tổng số là sang Trung Quốc.

Để so sánh, nguyên liệu gỗ thô có tỷ lệ phụ thuộc cao nhất vào năm 2000, với các lô hàng đến Trung Quốc chiếm 42,3% trong tổng số, tiếp theo là da và giày.

Giá trị tất cả mặt hàng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc sang Trung Quốc, bao gồm máy móc để sản xuất tấm silicon và wafer, cũng như các thiết bị bán dẫn, mạch tích hợp và màn hình phẳng, lên tới 2,59 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm nay, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Wafer là mảnh mỏng của vật liệu bán dẫn, thường là silicon tinh thể, trong hình dạng của một đĩa rất mỏng được sử dụng như cơ sở để chế tạo mạch điện tử tích hợp (IC) và các tế bào quang điện silicon.

Hàn Quốc ghi nhận mức thâm hụt thương mại 570 triệu USD với Trung Quốc trong tháng 7, sau khi thâm hụt hơn 1 tỉ USD vào tháng 5 và 1,2 tỉ USD trong tháng 6, làm dấy lên lo ngại về việc giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Hàn Quốc với Trung Quốc.

Trước tháng 5, thâm hụt thương mại gần nhất của Hàn Quốc với Trung Quốc được ghi nhận vào năm 1994.

Bài liên quan
Trung Quốc tìm 'đường sống' khi Mỹ cấm bán chip AI cao cấp của NVIDIA
Việc Washington hạn chế xuất khẩu một số chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến từ Mỹ sang Trung Quốc gây ra cú sốc và sự giận dữ ở đại lục, nhưng cũng tăng gấp đôi nỗ lực tìm kiếm sản phẩm thay thế trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Samsung: Tìm 'mẫu số chung' ở cuộc chiến chip Trung-Mỹ, không thể bỏ thị trường Trung Quốc