Các trường đại học nổi tiếng và viện nghiên cứu nhà nước ở Trung Quốc đang dựa vào chip điện toán của Mỹ để cung cấp năng lượng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thế nhưng việc xuất khẩu sang nước này hiện đã bị Washington hạn chế.

Các đại học nổi tiếng và viện nghiên cứu Trung Quốc phụ thuộc vào chip AI của Mỹ thế nào?

Sơn Vân | 06/09/2022, 19:47

Các trường đại học nổi tiếng và viện nghiên cứu nhà nước ở Trung Quốc đang dựa vào chip điện toán của Mỹ để cung cấp năng lượng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thế nhưng việc xuất khẩu sang nước này hiện đã bị Washington hạn chế.

Nhà thiết kế chip Nvidia (Mỹ) tuần trước cho biết các quan chức chính quyền Biden đã ra lệnh ngừng xuất khẩu chip A100 và H100 sang Trung Quốc.

Advanced Micro Devices Inc (AMD) cũng tiết lộ các yêu cầu về giấy phép mới hiện ngăn cản việc xuất khẩu chip AI tiên tiến MI250 sang Trung Quốc.

Thông báo trên báo hiệu Mỹ sẽ đàn áp mạnh tay với năng lực công nghệ của Trung Quốc khi căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng leo thang vì nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi đến Đài Loan, nơi sản xuất chip cho Nvidia và hầu hết các hãng chip lớn khác.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh và đã không loại trừ dùng vũ lực để đưa đảo này dưới sự kiểm soát của mình. Đáp lại các hạn chế từ Mỹ, Trung Quốc cho rằng chúng là nỗ lực nhằm áp đặt lệnh phong tỏa công nghệ lên đối thủ.

Một đánh giá của hãng tin Reuters về hơn 12 cuộc đấu thầu chính phủ được công bố công khai trong 2 năm qua chỉ ra rằng, một số viện nghiên cứu chiến lược quan trọng nhất Trung Quốc cần và có nhu cầu cao với chip A100 đặc trưng của Nvidia.

Đại học Thanh Hoa, cơ sở giáo dục được xếp hạng cao nhất Trung Quốc, đã chi hơn 400.000 USD vào tháng 10.2021 cho hai siêu máy tính Nvidia AI, mỗi siêu máy tính được hỗ trợ bởi 4 chip A100, theo một trong những cuộc đấu thầu.

Trong cùng tháng 10.2021, Viện Công nghệ Máy tính thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đã chi khoảng 250.000 USD cho chip A100.

Khoa trí tuệ nhân tạo tại một trường đại học CAS vào tháng 7.2022 chi khoảng 200.000 USD cho các thiết bị công nghệ cao, bao gồm một máy chủ được vận hành một phần bởi chip A100.

Vào tháng 11.2021, trường cao đẳng an ninh mạng thuộc Đại học Tế Nam có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã chi hơn 93.000 USD cho một siêu máy tính Nvidia AI. Trong khi trường khoa học và kỹ thuật hệ thống thông minh đã chi gần 100.000 USD cho 8 chip A100 chỉ trong tháng trước.

Các viện và trường đại học ít nổi tiếng hơn được hỗ trợ bởi chính quyền các tỉnh và thành phố ở Trung Quốc, chẳng hạn ở Sơn Đông, Hà Nam và Trùng Khánh, cũng mua chip A100, các cuộc đấu thầu cho thấy.

Không có nơi nghiên cứu nào trả lời các câu hỏi về ảnh hưởng với các dự án của họ do hạn chế xuất khẩu chip A100. Nvidia đã không phản hồi câu hỏi về vấn đề này.

cac-dai-hoc-noi-tieng-va-vien-nghien-cuu-trung-quoc-phu-thuoc-chip-ai-cua-my.jpg
Nhiều đại học nổi tiếng và viện nghiên cứu nhà nước Trung Quốc sử dụng chip A100 của Nvidia

Nvidia cho biết lệnh cấm của Mỹ có thể khiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc mất 400 triệu USD trong quý 3/2022. Số tiền này có thể bị mất nếu khách hàng của họ quyết định không mua các sản phẩm thay thế của Nvidia. Trung Quốc đã đóng góp khoảng 7 tỉ USD vào tổng doanh thu của NVIDIA năm 2021.

Nvidia có kế hoạch nộp đơn xin miễn trừ quy tắc nhưng không chắc chắn rằng các quan chức Mỹ sẽ thông qua.

Khó thay thế

Việc thiếu chip từ những hãng như Nvidia và AMD có thể sẽ cản trở nỗ lực của các tổ chức Trung Quốc nhằm xây dựng loại máy tính tiên tiến được sử dụng cho các tác vụ như nhận dạng hình ảnh và giọng nói một cách hiệu quả về chi phí.

Nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên phổ biến trong các ứng dụng tiêu dùng như smartphone có thể trả lời các truy vấn và gắn thẻ ảnh. Chúng cũng được sử dụng trong quân sự như dò tìm hình ảnh vệ tinh để tìm vũ khí hoặc căn cứ và lọc thông tin liên lạc kỹ thuật số cho mục đích thu thập thông tin tình báo.

Các chuyên gia nói rất ít nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế chip Nvidia và AMD tiên tiến như vậy, và thay vào đó, người mua có thể sử dụng nhiều chip cấp thấp hơn để tái tạo sức mạnh xử lý.

Reuters không thể tìm thấy bất kỳ đấu thầu nào của chính phủ Trung Quốc đề cập đến hai chip bị hạn chế xuất khẩu khác là H100 của Nvidia và MI250 của AMD.

Song theo một số cuộc đấu thầu, việc đề xuất mua chip từ Intel (Mỹ) và các sản phẩm Nvidia kém tinh vi hơn cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào loạt công nghệ chip của Mỹ.

Một cuộc đấu thầu vào tháng 5 cho thấy Học viện Đo đạc và Bản đồ Trung Quốc, viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài nguyên, đang xem xét mua một siêu máy tính Nvidia AI để cải thiện khả năng tạo hình ảnh ba chiều từ dữ liệu địa lý: "Máy chủ NVIDIA DGX A100 được đề xuất sẽ trang bị 8 chip A100 với bộ nhớ 40GB, giúp cải thiện đáng kể khả năng truyền tải dữ liệu và tốc độ tính toán, rút ​​ngắn quy trình nghiên cứu khoa học và thu được kết quả nghiên cứu khoa học nhanh hơn và tốt hơn".

Đại học Quốc phòng và Công nghệ Quốc gia (NUDT), tự mô tả mình là "trường đại học quân sự dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương", cơ quan quân sự hàng đầu Trung Quốc, cũng nằm trong số những người mua chip A100.

NUDT là nơi phát triển Thiên Hà 2, một trong những siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Thế nhưng, NUDT nằm trong danh sách đen của Mỹ từ năm 2015 do lo ngại về an ninh quốc gia nên bị chặn quyền mua chip Intel có thể sử dụng trong các siêu máy tính của mình.

Một cuộc đấu thầu vào tháng 5 cho thấy NUDT có kế hoạch mua 24 thiết bị xử lý đồ họa Nvidia với các ứng dụng AI. Cuộc đấu thầu đã được công bố một lần nữa vào tháng trước chỉ ra NUDT vẫn chưa tìm được thỏa thuận hoặc nhà cung cấp phù hợp.

NUDT đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

Những hạn chế mới với xuất khẩu chip tiên tiến của Nvidia sang Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo lắng về sự suy thoái của ngành.

Nhà phân tích Angelo Zino của hãng CFRA Research cho biết: “Nhìn bề ngoài, có vẻ như chính phủ Mỹ đang tìm cách hạn chế bán các chip tiên tiến thế hệ tiếp theo, từ 7 nanomet trở xuống, đặc biệt cho mục đích quân sự ở Trung Quốc”.

Các chip Nvidia và AMD mà Mỹ nhắm tới được sử dụng cho các ứng dụng AI và học máy, đặc biệt là xây dựng các mô đun đào tạo cho các tác vụ như xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Các mô đun này cũng có thể hữu ích cho quân đội trong việc tạo mô hình mô phỏng bom và thiết kế vũ khí.

Các nhà theo dõi thị trường cho biết các hạn chế này có khả năng ảnh hưởng đến một loạt công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm cả Alibaba Group Holding Ltd, Tencent Holdings Ltd, Baidu Inc và Huawei Technologies Co.

Việc Washington hạn chế xuất khẩu một số chip AI tiên tiến từ Mỹ sang Trung Quốc gây ra cú sốc và sự giận dữ ở đại lục, nhưng cũng tăng gấp đôi nỗ lực tìm kiếm sản phẩm thay thế trong nước.

Trong khi Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng những hạn chế mới nhất từ Mỹ là hành động của “chủ nghĩa bá quyền công nghệ” vì có thể làm chậm sự phát triển trung tâm dữ liệu lớn của Trung Quốc, các chuyên gia về chip ở nước này đang cố gắng giảm thiểu tác động tức thời và nêu bật khả năng các đơn vị nhà sản xuất GPU Trung Quốc sẽ được hưởng lợi.

Tin tức Mỹ hạn chế xuất khẩu một số chip AI cao cấp của Nvidia và AMD sang Trung Quốc là chủ đề tranh luận sôi nổi của các đại biểu tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới ở thành phố Thượng Hải tuần trước.

Một đại biểu từ một công ty GPU Trung Quốc, từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, cho biết lệnh cấm này có thể mang lại lợi ích cho các công ty địa phương. Đại biểu này cho biết các nhà cung cấp GPU trong nước sẽ không có nhiều cơ hội nếu khách hàng đã sử dụng chip Nvidia.

Ông nói các công ty trong nước tụt hậu so với Nvidia và AMD về hiệu suất sản phẩm, vì vậy khó có khả năng các sản phẩm nội địa có thể thay thế chip cao cấp của Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một giải pháp thay thế sẽ là đóng gói nhiều chip cục bộ hơn với nhau để mang lại hiệu suất cao hơn.

Nhân viên họ Liu tại một công ty GPU có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh nói lệnh cấm này có thể mở ra cơ hội trong thị trường công nghiệp. Liu nói: “Tác động của lệnh cấm sẽ rất lớn với Nvidia vì công ty này chiếm khoảng 80% thị trường GPU ở Trung Quốc, trong khi thị phần sản phẩm GPU của AMD ở Trung Quốc là khá hạn chế. Vì vậy, những người trong chúng ta, vốn sản xuất GPU AI cho mục đích chung, sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn ở thị trường công nghiệp”.

Nhân viên tại một công ty máy chủ AI có trụ sở tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc), sử dụng kết hợp GPU trong nước và nước ngoài, cho biết các doanh nghiệp của chính phủ có thể bị ảnh hưởng vì lệnh cấm.

Theo nhân viên công ty máy chủ AI, các máy chủ chạy trên chip A100, vốn nằm trong danh sách đen thương mại, chủ yếu được sử dụng trong các ứng dụng của chính phủ Trung Quốc như nhận dạng tội phạm và giám sát giao thông đường bộ. Ông nói rất khó để thay thế những chip này bằng các sản phẩm nội địa do hiệu suất cao và hệ sinh thái được thiết lập tốt của Nvidia.

Với các ứng dụng khác trong lĩnh vực công nghiệp, chẳng hạn như máy chủ được Foxconn (nhà lắp ráp iPhone) sử dụng để cải thiện năng suất sản xuất, công ty Đài Loan đã sử dụng GPU từ các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei và Cambrian, nhân viên này cho biết thêm.

Ông nói lệnh cấm có thể nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đẩy nhanh việc áp dụng GPU trong nước. Với cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung ngày càng leo thang, ngày càng có nhiều khách hàng lớn yêu cầu nội địa hóa các linh kiện và nhận thức này sẽ chỉ tăng lên sau lệnh cấm mới nhất.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc xuất hiện trong lĩnh vực GPU. Ví dụ, Biren Technology được thành lập vào năm 2019 để tập trung vào sản xuất chip GPU đa năng. Những hãng khác bao gồm Vastai Technologies, Iluvatar CoreX và Hexaflake Information Technology.

Tại Bắc Kinh trong tuần này, Trung Quốc tổ chức một hội chợ thương mại dịch vụ quốc tế với nhiều hãng công nghệ giới thiệu các dịch vụ mới nhất của họ. Hãng truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một đại biểu GPU tại hội chợ, nói rằng hầu hết chức năng do chip Nvidia cung cấp có thể được thay thế bằng chip nội địa, nhưng vẫn chưa nêu rõ loại chip Nvidia trong việc so sánh.

Bài liên quan
'Liên tục động khẩu, Trung Quốc thiếu biện pháp đối phó với đạo luật chip 52,7 tỉ USD của Mỹ'
Trung Quốc tiếp tục công kích đạo luật Chips and Science, vốn cung cấp khoản trợ cấp gần 53 tỉ USD vào sản xuất chất bán dẫn trên đất Mỹ, nhưng các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có ít biện pháp đối phó thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các đại học nổi tiếng và viện nghiên cứu Trung Quốc phụ thuộc vào chip AI của Mỹ thế nào?