Do ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, sản xuất công nghiệp trên phạm vi cả nước và hầu hết các địa phương bị giảm sút nhanh chóng.
Thực trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước cũng như ở các địa phương.
Chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tính quý 3/2021 tăng trưởng âm, giảm 4,4% so cùng kỳ năm trước (tháng 7 giảm 0,3%, tháng 8 giảm 7,8%, tháng 9 ước tính giảm 5,5%).
Trong đó ngành khai khoáng giảm 7,2% so cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo giảm 4,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 1,6 điểm % so với mức tăng cùng kỳ năm 2020.
Có 48/63 số địa phương (82,5%) trong cả nước có chỉ số IIP 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó những địa phương có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp cao nhất gồm: Ninh Thuận tăng 32,6%; Đắk Lắk tăng 25%; Hải Phòng tăng 19,7%; Nghệ An tăng 18,3%; Gia Lai tăng 17,4%; Hà Tĩnh tăng 16,6%; Thanh Hóa tăng 15,3%; Quảng Ngãi tăng 14,9%; Hà Nam tăng 14,4%;…
Có 15 địa phương (23,8%) có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm: TP.HCM giảm 12,9% (địa phương có quy mô kinh tế và công nghiệp lớn nhất cả nước); Bến Tre giảm 11,2%; Đồng Tháp giảm 9,9%; Cần Thơ giảm 9,8%; Khánh Hòa giảm 9,5%; Trà Vinh và Cao Bằng cùng giảm 7,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 5,3% (chủ yếu do ngành khai dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%); Vĩnh Long giảm 4,5%; Đà Nẵng giảm 4,2%; Cà Mau giảm 3,8%; Kiên Giang giảm 3,6%; Long An giảm 3,4%; Tiền Giang giảm 1,7%; Tây Ninh giảm 1,2%.
Do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, có tới 40/63 địa phương (trên 63% tổng số địa phương cả nước) có chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1.9.2021 giảm so cùng thời điểm năm trước; trong đó có 6 địa phương có tốc độ giảm lao động trên 50% gồm: Vĩnh Long giảm 83,1%; Trà Vinh giảm 77,9%; Hậu Giang giảm 67,6%; TP.HCM giảm 63,3%; Đồng Tháp giảm 59,5%; Bến Tre giảm 52,1%.
Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT cho biết có nhiều nguyên nhân làm cho sản xuất công nghiệp sụt giảm tốc độ tăng trưởng ở nhiều địa phương do ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư.
Cụ thể, một bộ phận doanh nghiệp yếu thế đã phải phá sản, giải thể do không thể chống chịu được dịch COVID-19 bùng phát quá lâu. Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng do kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ trong điều kiện kinh doanh rất khó khăn.
Một nguyên nhân khác nữa là một bộ phận doanh nghiệp không phát triển được do sản xuất các mặt hàng không thiết yếu, bị hạn chế lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương thuộc trung tâm công nghiệp lớn, trung tâm dịch phí nam phải thực hiện quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19 (quy định 3 tại chỗ, 1 cung đường và 2 điểm đến). Do đó, doanh nghiệp không có đủ lực lượng lao động, hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguyên vật liệu để sản xuất nên không đáp ứng đủ đơn hàng đúng hạn, phải dãn hoặc hủy bỏ hợp đồng đã ký, trong đó có nhiều đơn hàng xuất khẩu; doanh nghiệp phải ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội như ngành xây dựng, kéo theo những ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch, gốm, sứ và các thiết bị xây lắp theo công trình sụt giảm sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm…