Mỹ đang cấp tập nghiên cứu khái niệm lá chắn tên lửa mới cho phép bắn hạ nhiều mục tiêu chỉ trong một lần rời bệ phóng, nhằm đáp trả những thế hệ tên lửa liên lục địa (ICBM) mới đang tượng hình trong các lò thiết kế của Nga.

Chiến tranh Lạnh tái diễn khi Mỹ - Nga so kè tên lửa đa đầu đạn

Một Thế Giới | 23/08/2015, 06:21

Mỹ đang cấp tập nghiên cứu khái niệm lá chắn tên lửa mới cho phép bắn hạ nhiều mục tiêu chỉ trong một lần rời bệ phóng, nhằm đáp trả những thế hệ tên lửa liên lục địa (ICBM) mới đang tượng hình trong các lò thiết kế của Nga.

Tên lửa lớn nhất thế giới của Nga

Theo tờ Pravda, thách thức lớn nhất cho lá chắn tên lửa Mỹ trong tương lai sẽ là ICBM mới mang tên Sarmat của Nga. Tên lửa này đang trong giai đoạn phát triển thứ ba và được dựa trên nguyên mẫu của ICBM khét tiếng R-36M2 Voyevoda (NATO gọi là SS-18 Satan) có từ thời Chiến tranh lạnh.

Bản thân R-36M2 Voyevoda đã là một trong những vũ khí đáng sợ nhất trong lịch sử khi có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân với sức nổ tổng cộng lên đến 7.500 kiloton (gấp 500 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống TP.Hiroshima của Nhật Bản tháng 8.1945). Vì thế, “người kế thừa” Sarmat sẽ là con chủ bài trong kho vũ khí chiến lược của Nga. 
Dự kiến, sau khi hoàn thiện, ICBM này sẽ trở thành tên lửa lớn nhất thế giới với trọng lượng hơn 100 tấn và trang bị đầu đạn hạt nhân. Nhờ công nghệ đa đầu đạn, Sarmat có thể mang 10 đầu đạn nặng hoặc 15 đầu đạn nhẹ hơn có tầm bắn lên đến 10.000 km để đủ sức vươn tới bất kỳ vị trí nào trên thế giới, kể cả Bắc cực và Nam cực.
Điểm đặc biệt nhất của Sarmat là gần như chắc chắn nó sẽ được trang bị thiết bị bay bội siêu thanh mang tên Yu-71 cũng đang được nghiên cứu phát triển. Sự bổ sung cực kỳ hữu hiệu này giúp tên lửa đạt tới tốc độ Mach 20 (gấp 20 lần vận tốc âm thanh, tức khoảng 24.500 km/giờ) cũng như sở hữu khả năng thay đổi đường bay cực kỳ linh hoạt. 
Website Nuclear Threat Initiative dẫn nguồn từ một số chuyên gia quân sự ở Moscow tiết lộ nguyên lý hoạt động của Sarmat là tên lửa sẽ được phóng vào quỹ đạo cận không gian, đạt độ cao khoảng 100 km so với mực nước biển. Sau đó, các đầu đạn sẽ tách ra và lao đến những mục tiêu độc lập hoặc cùng hướng về một vị trí được định sẵn. Bản thân các đầu đạn cũng được trang bị khả năng tự chuyển hướng khi bay cộng thêm nhiều công nghệ gây nhiễu radar điện tử.

Trả lời phỏng vấn của Pravda, nhiều quan chức quốc phòng cấp cao của Nga đều hồ hởi khẳng định Sarmat là dòng vũ khí độc nhất vô nhị, loại mà Mỹ chưa có phiên bản tương tự, và đủ sức chọc thủng hầu như mọi lá chắn tên lửa trên thế giới. Đây được xem là câu trả lời từ Moscow đối với chương trình “Tấn công chớp nhoáng toàn cầu” với các loại vũ khí siêu thanh như Vũ khí siêu thanh tiên tiến (AHW) của Mỹ.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đang triển khai giai đoạn ba của quá trình thiết kế và phát triển. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đạt đến giai đoạn thử nghiệm dòng tên lửa hạng nặng này trong vòng 18-24 tháng”, theo Itar-TASS dẫn lời ông Igor Denisov thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết. Cụ thể, Moscow đang đặt mục tiêu tiến hành một loạt cuộc thử nghiệm vào năm 2017 để tiến tới có thể đưa Sarmat vào biên chế trong năm 2020, chậm nhất là 2021.

Chương trình MOKV

Trước những bước phát triển mạnh mẽ trong chương trình tên lửa liên lục địa của Nga, dĩ nhiên Mỹ không chịu ngồi yên. Hồi tuần trước, Cục Tên lửa phòng không (MDA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo chi gần 30 triệu USD cho giai đoạn đầu tiên của chương trình nghiên cứu và phát triển Phương tiện tiêu diệt đa mục tiêu (MOKV). Theo website của MDA, các tên tuổi nổi tiếng nhất trong giới công nghệ quân sự là Raytheon, Lockheed Martin và Boeing đều được nêu tên trong danh sách nhận thầu. 
Điều này cho thấy sự chú trọng của Lầu Năm Góc đối với chương trình này. Cụ thể, mỗi tập đoàn nhận khoảng 9,8 triệu USD để đưa ra ý tưởng thiết kế nguyên mẫu của MOKV, một khái niệm tên lửa đánh chặn lẫn tấn công có thể hủy diệt đồng loạt các mục tiêu khác nhau bằng cách ứng dụng các công nghệ cảm biến và viễn thông tối tân.
My - Nga so ke ten lua da dau dan-hinh-anh-1
              C
hiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35B của Mỹ
Trước đó, Lầu Năm Góc từng thử phát triển một dự án tương tự nhưng tạm hủy bỏ vào năm 2009 sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates nhận xét rằng “có những thách thức đáng kể về mặt kỹ thuật và cần phải đánh giá lại nhu cầu này”. Đến nay, những cuộc thảo luận về nhu cầu sở hữu tên lửa có năng lực tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc một lần nữa trở nên sôi nổi trong nội bộ chính quyền Mỹ. Một số nghị sĩ cho rằng cần phải có giải pháp phản ứng ngay lập tức trước các “nguy cơ tiềm ẩn” đến từ các quốc gia như Nga và Trung Quốc, theo chuyên trang Army Technology.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang trong tình trạng xấu nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, đã xuất hiện lo ngại khả năng Moscow vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung giữa 2 nước. Vì thế, dự thảo quốc phòng Mỹ năm 2016 đã được thêm một khoản đáng kể và nêu rõ nhu cầu cần “lấp đầy khoảng trống trong năng lực và nhu cầu thực tế của quân đội”. Dự thảo này đã được Thượng viện thông qua đồng thời kêu gọi đẩy mạnh phát triển các nguyên mẫu MOKV để sẵn sàng cho giai đoạn thử nghiệm vào năm 2020.

“Sau khi hoàn thiện, MOKV sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với kiến trúc tên lửa phòng không của chúng ta. Về cơ bản giảm đi số lượng tên lửa cần thiết mà vẫn đẩy lùi hiệu quả những mối đe dọa đang ngày càng phát triển nhằm vào nước Mỹ”, Army Technology dẫn lời Giám đốc MDA, Phó đô đốc James Syring nói trong cuộc điều trần trước Tiểu ban Phân bổ ngân sách quốc phòng Thượng viện vào tháng 3. 
Trong khi đó, ông Doug Graham, Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tên lửa của Lockheed Martin, gọi dự án MOKV là bước tiến quan trọng nhằm thay đổi mức chi phí cao ngất ngưởng của các hệ thống lá chắn. “Những kỹ sư đầy tài năng của chúng tôi sẽ vận dụng lối tư duy đột phá để tạo ra một hệ thống có hiệu suất cực cao, hoạt động bên ngoài tầng khí quyển trong khi di chuyển với vận tốc hàng ngàn km/giờ”, ông Graham khẳng định.   

Tàu đổ bộ lớn nhất lịch sử Hải quân Mỹ

Mỹ đang xúc tiến đóng tàu đổ bộ lớn nhất trong lịch sử để chuyên chở chiến đấu cơ F-35B. Mang tên USS Tripoli, đây là chiếc thứ hai của lớp America và dự kiến được hạ thủy vào tháng 7.2017, theo chuyên san The Diplomat. Một khi hoàn thành, nó sẽ dài 257 m, rộng 32 m, độ choán nước 44.000 tấn, tương đương các tàu sân bay của Pháp và Ấn Độ. USS Tripoli được dùng để chuyên chở chiến đấu cơ đa nhiệm F-35B, máy bay vận tải MV-22 Osprey, trực thăng CH-53 Super Stallion và trực thăng UH-1Y Venom cũng như thực thi các nhiệm vụ vận chuyển và đổ bộ các đơn vị thủy quân lục chiến. Ngoài ra, tàu còn có thề chở 1.871 binh sĩ cùng 1.024 thành viên thủy thủ đoàn. "Chúng tôi đã rút được các bài học kinh nghiệm trong thiết kế và chế tạo USS America (tàu lớp America đầu tiên - NV) để có những cải tiến quan trọng trên USS Tripoli nhằm tăng cường hiệu suất và chất lượng. Những vấn đề tồn tại trước đây được một bộ phận chuyên trách xem xét trước khi bắt đầu chế tạo các chi tiết để cuối cùng tích hợp thành chiến lược chế tạo USS Tripoli ", phát ngôn viên hải quân Mỹ Mathew Leonard nói với trang tin Military.com. Trong khi đó, chuyên sanThe National Interest dẫn nhiều nguồn tin giấu tên tiết lộ các chuyên gia quân sự Nga có thể đã tìm ra cách vô hiệu hóa sức mạnh của chiến đấu cơ F-35. Nỗ lực của họ tập trung vào việc can thiệp quá trình vận hành hệ thống thông tin liên lạc trên chiến trường giữa F-35 và các phương tiện khác như máy bay cảnh báo sớm và hệ thống radar. Không chỉ Nga mà Trung Quốc được cho là đang tập trung phát triển khả năng tấn công hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát), vốn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc không kích của F-35.


Theo Thụy Miên/ Thanh Niên
Bài liên quan
Mỹ vẫn xem xét gói viện trợ vũ khí mới cho Israel
Hãng Reuters dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ vừa chuyển gói viện trợ vũ khí trị giá 1 tỉ USD cấp cho Israel sang quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh Lạnh tái diễn khi Mỹ - Nga so kè tên lửa đa đầu đạn