Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu diễn ra từ ngày 26 đến 28.6 tại Đức, trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine và hệ lụy từ cuộc chiến tranh.
Cuộc chiến này đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và khủng hoảng lương thực toàn cầu, làm tăng vọt giá xăng dầu và giá lương thực. Liên Hợp Quốc hôm 24.6 đã cảnh báo về “một nạn đói cấp toàn cầu chưa từng có”.
Dự kiến, nhóm lãnh đạo G7 sẽ nỗ lực thể hiện một mặt trận đoàn kết để ủng hộ Ukraine và gây sức ép lên Nga, dù các nhà lãnh đạo này muốn tránh các lệnh trừng phạt có thể thổi bùng lạm phát, khiến nặng nề thêm cuộc khủng hoảng vật giá leo thang vốn đang tác động đến đời sống của dân nước họ.
Nhóm G7 dự kiến vào ngày 28.6 sẽ thông báo một lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga, và một nguồn tin chính phủ Đức cho biết, các nhà lãnh đạo đã có những cuộc trao đổi về khả năng áp giá trần đối với dầu nhập từ Nga. Hội nghị G.7 lần này cũng dự kiến sẽ bàn các giải pháp xử lý vấn nạn giá nhiên liệu tăng cao và tìm nguồn thay thế dầu, khí đốt nhập từ Nga.
Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức ở lâu đài nghỉ dưỡng Schloss Elmau dưới chân núi Zugspitze, nơi từng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 hàng năm hồi năm 2015, cũng trong bối cảnh Nga vừa sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014.
Theo Reuters, Hội nghị G7 cũng là dịp để Thủ tướng Đức Olaf Scholz thể hiện vai trò lãnh đạo cứng rắn trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24.2, ông Scholz đã hứa thay đổi chính sách ngoại giao và quốc phòng Đức, hứa tăng cường sức mạnh quân sự với khoản quỹ 100 tỉ euro và gởi vũ khí cho Ukraine.
Sự biến đổi khí hậu, việc Trung Quốc trỗi dậy và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài cũng nằm trong chương trình nghị sự của lãnh đạo nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu G7 gồm Đức, Pháp, Ý, Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản, theo Reuters ngày 26.6.
Hội nghị G7 năm nay có một số lãnh đạo quốc gia được mời tham dự như: Senegal, Argentina, Indonesia, Ấn Độ và Nam Phi.