Lạm phát đang “cào thủng” ví tiền người dân. Hàng loạt vụ xuống đường trên khắp thế giới để đòi được giúp đỡ hoặc hưởng lương cao hơn.

Lạm phát khiến người dân khắp thế giới xuống đường đòi tăng lương

Bảo Vĩnh | 25/06/2022, 17:00

Lạm phát đang “cào thủng” ví tiền người dân. Hàng loạt vụ xuống đường trên khắp thế giới để đòi được giúp đỡ hoặc hưởng lương cao hơn.

sri-lanka-1.jpg
Người dân Sri Lanka biểu tình phản đối giá xăng tăng cao - Ảnh: AP

Hàng loạt vụ biểu tình đòi tăng lương diễn ra trên khắp thế giới

Theo AP ngày 25.6, chỉ trong tuần này đã có những cuộc biểu tình của phe chính khách đối lập ở Pakistan, giới y tá ở Zimbabwe, các công đoàn viên ở Bỉ, nhân công đường sắt ở Anh, thổ dân ở Ecuador, hàng trăm phi công ở Mỹ và một số nhân viên hãng bay châu Âu.

Các cuộc biểu tình xuống đường này thúc đẩy các chính phủ đưa ra biện pháp hỗ trợ người dân trước tình trạng vật giá tiêu dùng tăng cao, như trợ giá cho các chi tiêu sinh hoạt và giảm thuế xăng dầu.

Thường thì cách hỗ trợ này không giúp được gì nhiều vì thị trường năng lượng luôn bất thường. Các ngân hàng trung ương thì cố gắng kéo giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Trong khi đó, giới nhân công đình công đã gây sức ép lên các chủ lao động, buộc họ phải đàm phán về việc tăng lương khi vật giá leo thang.

Gần đây, hàng ngàn tài xế xe tải Hàn Quốc đã kết thúc cuộc đình công 8 ngày khiến khâu vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ, nhằm đòi được tiếp tục hưởng mức lương tối thiểu vào lúc giá xăng dầu tăng vọt.

Vài tháng trước đó, tài xế xe tải ở Tây Ban Nha cũng đình công để phản đối giá nhiên liệu tăng.  

Giới trung lưu ở châu Âu đang phải tốn kém nhiều tiền xăng đi làm và kiếm thu nhập. Hàng ngàn công đoàn viên ở Brussels (Bỉ) trong tuần này đã đình công đòi tăng lương lập tức.

Chính phủ Peru phải ban hành lệnh giới nghiêm trong một thời gian, sau những cuộc biểu tình phản đối giá xăng và lương thực tăng đã trở thành bạo lực hồi tháng 4. Tài xế xe tải và công nhân các ngành giao thông khác cũng đình công và chặn các tuyến xa lộ chính.

Những cuộc phản đối vật giá leo thang đã làm bay chức Thủ tướng của Sri Lanka hồi tháng trước. Giới trung lưu nói rằng họ phải nhịn ăn vì cuộc khủng hoảng kinh tế, và họ đang phải tính đến chuyện ra nước ngoài kiếm sống.

Tình hình đặc biệt khó khăn cho người tỵ nạn và người nghèo ở các vùng xung đột như Afghanistan, Yemen, Myanmar và Haiti, nơi mà chiến tranh buộc người dân phải bỏ nhà cửa đi sơ tán và sống nhờ các tổ chức cứu trợ vốn cũng chật vật quyên tiền.

“Thận tôi bao nhiêu tiền?” là câu hỏi phổ biến tại một trong những bệnh viện lớn nhất Kenya - bệnh viện quốc gia Kenyatta. Bệnh viện đã phải nhắc người dân rằng bán cơ quan nội tạng người là trái pháp luật.

Người Kenya cũng xuống đường khi giá lương thực tăng 12% trong năm 2021, trong khi nhân viên y tế ở Zimbabwe đã đình công trong tuần này, sau khi gạt bỏ đề nghị của chính phủ là tăng 100% lương. Các y tá nói đề nghị này không bù nổi mức lạm phát 130%.

“Sẽ còn những cuộc phản đối khác”...

Các nhà kinh tế học nói cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm tăng mạnh giá phân bón, lương thực, nhiên liệu và dầu ăn, trong khi nhà nông nỗ lực nuôi trồng và xuất khẩu tại một trong những vùng nông nghiệp chủ lực của thế giới.

Vì giá cả tăng cao, lạm phát đe dọa làm tăng những bất bình đẳng và đào sâu cách biệt giữa hàng tỷ người chật vật trang trải chi tiêu với những người dư dả vẫn có thể chi tiêu thoải mái.

Tổ chức chống đói nghèo Oxfam đã kêu gọi G7 (nhóm 7 nước phát triển) giúp giảm nợ cho các nền kinh tế mới nổi và áp thuế mạnh lên các doanh nghiệp có lợi nhuận quá cao.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói, năm nay lạm phát ở mức trung bình 6% tại các nền kinh tế phát triển và gần 9% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại 40% còn 3,5% trong năm 2022 và 2023. IMF đang kêu gọi các chính phủ chú trọng các gói hỗ trợ cho những người cần nhất để tránh xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế.

Sức tăng trưởng kinh tế chậm lại xảy ra lúc dịch COVID-19 vẫn còn làm tê liệt các ngành công nghiệp toàn cầu, từ sản xuất đến du lịch. Sự thay đổi thời tiết và hạn hán tác động mạnh đến sản lượng nông nghiệp tại vài quốc gia, dẫn đến những lệnh cấm xuất khẩu và điều này càng khiến giá lương thực tăng cao hơn nữa.

Giá lương thực tăng cao đang đặc biệt gây khó khăn thêm cho các nước có thu nhập thấp, nơi mà 42% thu nhập của gia đình được chi cho thức ăn, theo Peter Ceretti, một nhà phân tích theo dõi an ninh lương thực tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group.

Ông Ceretti nói: “Chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc phản đối nữa, có lẽ lớn hơn và phẫn nộ hơn, nhưng tôi cho rằng sẽ không có những cuộc phản đối gây bất ổn hoặc làm thay đổi chế độ cầm quyền”, do các nhà sản xuất có sự điều chỉnh và các chính phủ phê duyệt những giải pháp trợ giá.

Bài liên quan
Nga đổi chiến thuật kiểu gì khiến Ukraine ngộp thở trên chiến trường, phương Tây rơi vào lục đục?
Daniel R DePetris và Rajan Menon là hai chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng. Trên Guardian, hai tác giả này chung tên trong bài viết phân tích thế cục Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm phát khiến người dân khắp thế giới xuống đường đòi tăng lương