Trước đêm diễn Chiều rỗng hồn em, ngồi với tôi trong quán cà phê Nia, Minh tâm sự: “Nói về ngôn từ với một nhà thơ là điều không dễ dàng dù ngôn từ là thứ mà người làm thơ, viết nhạc phải đối diện, “xài” nó ngày ngày. Sinh mệnh của chữ cũng như sinh mệnh con người khai triển nhiều phía như bề mặt, chiều sâu, nghĩa bóng, nghĩa đen, phơi mặt, lộn trái...

“Chiều rỗng hồn em” một đêm nhạc lạ

21/07/2016, 07:07

Trước đêm diễn Chiều rỗng hồn em, ngồi với tôi trong quán cà phê Nia, Minh tâm sự: “Nói về ngôn từ với một nhà thơ là điều không dễ dàng dù ngôn từ là thứ mà người làm thơ, viết nhạc phải đối diện, “xài” nó ngày ngày. Sinh mệnh của chữ cũng như sinh mệnh con người khai triển nhiều phía như bề mặt, chiều sâu, nghĩa bóng, nghĩa đen, phơi mặt, lộn trái...

Nguyễn Hữu Hồng Minh và đạo diễn Tùng CN trong đêm nhạc Chiều rỗng hồn em.

Khám phá chữ là niềm cô đơn không tận. Sự bay bổng có hay không, nhiều hay ít đâu nhất thiết phụ thuộc vào nội dung đề tài, mà tùy thuộc vào khả năng truyền tải cảm xúc của người nói đến người nghe”. Cứ mỗi lần nói về thơ, Minh lại say sưa bàn về âm nhạc. Ai cũng biết Nguyễn Hữu Hồng Minh vốn nổi tiếng rất sớm với tư cách một nhà thơ trẻ, có nhiều tác phẩm xuất bản gây được chú ý trong giới bạn đọc và phê bình, không chỉ là “Giọng nói mơ hồ” mà “Chất trụ”, “Vỉa từ” đã trở thành một thế giới riêng của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Minh đã tìm thấy địa hạt mới để khai khẩn, gieo vãi, tiếp cận tư tưởng lý luận của thơ hiện đại. Thành danh với thơ nhưng sau đó vài năm Nguyễn Hữu Hồng Minh lại viết văn xuôi khá nhiều. Mà hình như tôi nhớ không nhầm ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn Minh đã được giải thưởng truyện ngắn của cuộc thi Tác phẩm Tuổi Xanh 1990 do báo Tiền Phong và trường viết văn Nguyễn Du tổ chức. Sau tập truyện Ổ thiên đườngNgười ăn bóngRuồi nhiệt đới… cũng để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc.

Minh cứ khám phá, không chỉ khát khao đi tìm một lối đi riêng trong nghệ thuật mà còn muốn “chọn mặt gửi vàng”, mở tung ngõ ngách để phơi bày tâm can và gửi gắm nợ nần đời mình cho nghệ thuật. Sau văn học là âm nhạc và chưa biết rồi đây con đường phía trước của Minh sẽ là gì? Chưa hẳn là sau hay trước, đầu tiên hay cuối cùng, bởi từ trong cốt cách tâm hồn của Nguyễn Hữu Hồng Minh còn ẩn chứa biết bao điều dữ dội đang bùng cháy giữa cõi đời trong thế giới đầy sáng tạo và đa dạng của mình.

Đêm nay, ngoài những ca khúc Khuôn mặt em (phổ thơ Văn Cao), Đây thôn Vỹ Dạ (thơ Hàn Mặc Tử), Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa (thơ Nguyễn Khoa Điềm), Chiều rỗng hồn em (phổ từ bài thơ Những buổi chiều của Võ Kim Ngân), Bi vọng ca, Chờ mùa đã mất, Trăng hoang sơ, Còn lại tình yêu, Cỏ níu mặt trời, Sóng lỡ thương... và nhiều bài khác trong đêm nhạc này là các ca khúc Minh tuyển chọn lại từ những tình khúc viết trong những năm đẹp đẽ nhất thời sinh viên của mình. Nguyễn Hữu Hồng Minh vốn là nhà thơ trẻ đầy cá tính không dễ dàng đi “hát thơ” của các nhà thơ, nếu Minh không thổi được vào đó bằng giai điệu cảm xúc của chính mình một cách sáng tạo. Còn việc đón nhận, khen chê hay dở thì công chúng và thời gian sẽ quyết định về tài năng đó mà thôi.

Cũng từ suy nghĩ này mà tôi không thích gọi Minh là nhạc sĩ, cho dù Minh đã sáng tác trên 50 ca khúc và thực hiện hai đêm nhạc “Cỏ níu mặt trời” và “Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau”. Tôi vẫn thích Nguyễn Hữu Hồng Minh là nhà thơ làm âm nhạc. Với tôi, "Chiều rỗng hồn em" là một đêm nhạc lạ, không giống đêm nhạc nào, vì ngoài những ca khúc phổ thơ, còn lại là những tình ca của một nhà thơ đầy hệ lụy, đau buồn chan chứa nỗi niềm trong từng giai điệu.

Lạ là vì không gian đậm đà âm nhạc mà cứ tràn ngập thơ ca. Em đến/ Đời cho ánh nến/ Thắp soi đời nhau/ Để nỗi đau, để khát khao/ Chỉ còn ngọn khói/ Mê mỏi địa đàng không nói mắt môi tìm nhau/ Vỡ nát còn nguyên tiếng hát/ Vút bay ngàn khơi… Vâng, chỉ có một nhà thơ mới viết được những ngôn từ tinh tế đầy ám ảnh như vậy! Sau đêm nhạc "Chiều rỗng hồn em", mấy người bạn nói với tôi rằng âm thanh là nhu cầu thiết yếu trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tôi nghĩ không hẳn thế. Thơ có một thứ giá trị âm thanh khác. Có lẽ với người nghệ sĩ đa tài bao giờ cũng đầy khát vọng, họ mãi đi tìm cho ra trong thế giới nghệ thuật, chính mình. Mình chứ không ai khác! Điều đó luôn thôi thúc họ khát vọng sáng tạo, mải miết đi tìm con đường riêng cho mình trong sáng tạo nghệ thuật.

Nguyễn Ngọc Hạnh / Duyên dáng Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mô hình AI có thể dự báo lũ lụt ở mọi con sông trên Trái đất với khả năng vượt trội
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển ra mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên ED-DLSTM, có thể dự báo nguy cơ lũ lụt và dòng chảy qua nhiều khu vực, vùng miền khác nhau trên thế giới, ngay cả ở các lưu vực thiếu dữ liệu thủy văn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Chiều rỗng hồn em” một đêm nhạc lạ