Các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar đã cố gắng chuyển khoảng 1 tỉ USD được giữ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York) vài ngày sau khi nắm quyền hôm 1.2, khiến các quan chức Mỹ phải đóng băng tài khoản.
Ba người quen thuộc với vấn đề này, trong đó có một quan chức Chính phủ Mỹ tiết lộ thông tin này.
Giao dịch vào ngày 4.2 dưới danh nghĩa Ngân hàng Trung ương Myanmar lần đầu tiên bị chặn bởi các biện pháp bảo vệ của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hay Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ).
Các quan chức Chính phủ Mỹ sau đó đã đình chỉ việc phê duyệt chuyển tiền cho đến khi lệnh hành pháp do Tổng thống Joe Biden ban hành giúp họ quyền hợp pháp để ngăn chặn nó vô thời hạn, các nguồn tin cho biết.
Người phát ngôn của Fed New York từ chối bình luận về các chủ tài khoản cụ thể. Bộ Tài chính Mỹ cũng từ chối bình luận.
Nỗ lực này diễn ra sau khi quân đội Myanmar bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng các nhà lãnh đạo Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) khi đảo chính, những người đã giành chiến thắng ở cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 11.2020. Quân đội Myanmar nắm quyền với cáo buộc bầu cử có gian lận. Thế nhưng, Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ thông tin này.
Động thái cố chuyển 1 tỉ USD khỏi Fed New York là nỗ lực của các tướng lĩnh Myanmar để cố gắng giải quyết hậu quả từ các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi đảo chính, nhưng bất thành.
Một phát ngôn viên của chính phủ quân sự Myanmar đã không trả lời các cuộc gọi lặp đi lặp lại để tìm kiếm bình luận. Reuters đã không thể liên lạc với các quan chức tại Ngân hàng trung ương Myanmar.
Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều đã ban hành các lệnh trừng phạt mới sau cuộc đảo chính và đàn áp chết người của quân đội Myanmar với người biểu tình. Hôm 4.3, Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 54 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ở Myanmar, hơn 1.700 người đã bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.
Công bố một lệnh hành pháp mới mở đường cho các biện pháp trừng phạt với các tướng lĩnh và doanh nghiệp của Myanmar, Tổng thống Biden hôm 10.2 cho biết Mỹ đang thực hiện các bước để ngăn các tướng lĩnh "tiếp cận không đúng cách" vào 1 tỉ USD quỹ của chính phủ Myanmar.
Các quan chức Mỹ không giải thích tuyên bố vào thời điểm đó, nhưng một lệnh hành pháp được ban hành hôm sau xác định cụ thể Ngân hàng Trung ương Myanmar là một bộ phận của Chính phủ Myanmar. Lệnh hành pháp cho phép thu giữ tài sản của chính phủ sau cuộc đảo chính ở Myanmar.
Hai nguồn tin nói với Reuters rằng lệnh hành pháp được thiết kế để cung cấp cho Fed New York thẩm quyền hợp pháp để nắm giữ vô thời hạn 1 tỉ USD dự trữ của Myanmar.
Dự trữ của Myanmar sẽ được quản lý bởi một bộ phận của Fed New York, được gọi là Ngân hàng Trung ương và Dịch vụ Tài khoản Quốc tế (CBIAS), nơi nhiều ngân hàng trung ương giữ dự trữ USD Mỹ cho các mục đích như thanh toán các giao dịch.
Một nỗ lực chuyển 1 tỉ USD khỏi tài khoản Fed New York đã được phía chính quyền quân đội Myanmar thực hiện vào ngày 4.2, nhưng đã bị chặn tự động bởi các quy trình đã được thực hiện tại Fed New York vì cuộc đảo chính, hai trong số các nguồn tin cho biết.
Một nguồn tin tiết lộ đó là do các giao dịch liên quan đến Myanmar đòi hỏi phải được giám sát kỹ lưỡng hơn khi quốc gia này năm ngoái đã được đưa vào “danh sách xám” của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính quốc tế vì những lo ngại về rửa tiền, một phần do nguy cơ tiền thu được từ buôn bán ma túy bị rửa qua các ngân hàng.
Sổ tay hướng dẫn tuân thủ của CBIAS, được công bố vào năm 2016, cho biết các hướng dẫn của Fed New York bao gồm các điều khoản để phản ứng với sự phát triển ở các quốc gia có tài khoản.
Khi thích hợp, bộ phận pháp lý của ngân hàng sẽ liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ để làm rõ các sự kiện hiện tại và bất kỳ thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến ngân hàng trung ương cùng quyền kiểm soát tương ứng với tài khoản Fed New York.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về câu chuyện này.
Các tướng lĩnh của Myanmar dường như nắm chắc quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương Myanmar vào thời điểm nỗ lực rút 1 tỉ USD khỏi Fed New York.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, khi nắm quyền ở Myanmar vào ngày 1.2, quân đội đã bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới và bắt giữ các quan chức kinh tế chủ chốt, bao gồm cả Bo Bo Nge - phó thống đốc theo chủ nghĩa cải cách và đồng minh của bà Suu Kyi. Hiện ông Bo Bo Nge vẫn bị giam giữ.
Hôm 3.3 là ngày đẫm máu nhất trong các cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar với ít nhất 38 người chết.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Myanmar - Christine Schraner Burgener nói đã có những video gây sốc từ đất nước này.
Bà Christine Schraner cho hay có video cho thấy cảnh sát đánh đập một đội y tế tình nguyện không vũ trang. Một video khác cho thấy người biểu tình bị bắn và có thể đã chết trên đường phố.
"Tôi đã hỏi một số chuyên gia vũ khí và họ nói có thể vũ khí của cảnh sát là súng tiểu liên 9mm cùng đạn thật", bà Christine Schraner nói.
Nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng bắn đạn cao su và đạn thật vào người biểu tình.
Sau những vụ bắn chết người hôm 3.3, Anh kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 5.3, còn Mỹ cho biết đang xét có hành động thích hợp tiếp theo với quân đội Myanmar.