Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 750 triệu USD đầu tiên cho Đài Loan, chỉ còn chờ quốc hội Mỹ chấp thuận.

Chính quyền Biden duyệt bán vũ khí cho Đài Loan, chọc giận Trung Quốc

Hoàng Vũ | 05/08/2021, 16:43

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 750 triệu USD đầu tiên cho Đài Loan, chỉ còn chờ quốc hội Mỹ chấp thuận.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4.8 đã thông báo cho quốc hội về kế hoạch bán cho Đài Loan 40 đơn vị pháo tự hành, một số xe bọc thép, súng máy và gần 1.700 bộ dụng cụ để chuyển đổi đạn pháo tiêu chuẩn thành vũ khí thông minh có thể tự hướng về mục tiêu.

“Việc bán tổ hợp pháo tự hành sẽ góp phần vào quá trình hiện đại hóa hạm đội lựu pháo Đài Loan, tăng cường khả năng tự vệ của hòn đảo này để đối phó với các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai”, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

phap.png
Binh sĩ Đài Loan khai hỏa các tổ hợp pháo tự hành trong một cuộc diễn tập hồi năm 2015 tại Tân Trúc - Ảnh: AP

Thương vụ đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua nhưng vẫn cần sự phê chuẩn của quốc hội, sau đó là quá trình đàm phán cuối cùng giữa Đài Loan và nhà thầu sản xuất vũ khí của Mỹ BAE System trước khi ký hợp đồng và ấn định thời gian bàn giao.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quốc hội nước này sẽ có 30 ngày để xem xét và có thể đồng ý hoặc phủ quyết thương vụ. Tuy nhiên, các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan thường nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng.

“Ngoài việc thúc đẩy mục tiêu nâng cao năng lực quân sự của Đài Loan, thương vụ này cũng sẽ nâng cao khả năng tương tác giữa Mỹ và các đồng minh khác. Tuy nhiên, mặc dù là một tín hiệu rõ ràng về sự hỗ trợ của Washington đối với chính quyền Đài Bắc, việc bán vũ khí sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông báo.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc từ lâu vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Bắc Kinh đã có nhiều động thái thúc đẩy sự cô lập quốc tế đối với đảo và thường xuyên điều máy bay, tàu chiến đến eo biển Đài Loan để răn đe.

Dù không còn quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ thương mại, văn hóa với vùng lãnh thổ này theo Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979. Theo quy định của đạo luật, Mỹ những năm qua cung cấp vũ khí để giúp Đài Loan duy trì năng lực phòng vệ.

Việc Washington bán khí tài quân sự cho Đài Loan đã bị Bắc Kinh lên án mạnh mẽ khi tuyên bố rằng những sự hỗ trợ đó sẽ làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc.

Sau khi chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 1,8 tỉ USD cho Đài Loan vào năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với một số nhà thầu và cá nhân liên quan của Mỹ vì “vai trò quan trọng của họ trong thương vụ này”.

Đáng chú ý, trong chuyến công du Đông Nam Á gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cáo buộc các hoạt động quân sự của Bắc Kinh “gây bất ổn đối với người dân Đài Loan”. “Chúng tôi sẽ không nao núng khi lợi ích của chúng tôi bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu”, ông Austin nói tại Singapore vào tuần trước.

Bên cạnh đó, quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Naz Durakoglu hôm 24.7 nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan sẽ không dao động. 

“Mỹ sẽ tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ một cách công khai đối với Đài Loan, hợp tác với Đài Loan trong các sáng kiến thể hiện giá trị mà hòn đảo mang lại cho cộng đồng quốc tế, và khuyến khích sự tham gia của các nước cùng chí hướng và công khai thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan”, bà Durakoglu nói, và khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn nhận thức được rằng Trung Quốc đang “tìm cách thu hẹp không gian quốc tế của Đài Loan và giảm vị thế quốc tế của đảo này”.

Trước đó, vào đầu tháng 7, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell khẳng định Mỹ “ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ không chính thức với Đài Loan, tuy nhiên, chính quyền Biden không có ý định thay đổi hiện trạng, và không ủng hộ Đài Loan độc lập”.

Bài liên quan
Người Nhật đau đầu đối phó với nạn cát vàng đến từ Trung Quốc
Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Biden duyệt bán vũ khí cho Đài Loan, chọc giận Trung Quốc