Theo Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên hơn 80% và có thể tới 90%.
Ông Richard Franco, trợ lý giáo sư tại Đại học Alabama (Mỹ) hôm 3.8 cho biết con số này cao hơn nhiều so với các ước tính trước đây là 60-70% bởi biến chủng Delta có thể lây lan cao hơn gấp đôi so với các biến chủng khác. “Rõ ràng đây là một loại vi rút rất nguy hiểm, hơn rất nhiều so với chủng gốc”, ông Franco nói.
Miễn dịch cộng đồng là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh này trước đó) nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người.
Kể từ khi bắt đầu bùng phát vào cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã giết chết ít nhất 4,2 triệu người trên toàn cầu, trong đó có 613.679 người tại Mỹ, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Việc triển khai tiêm chủng hiệu quả đã làm giảm đáng kể các ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở nhiều quốc gia vào đầu năm nay. Nhưng biến thể Delta, lần đầu tiên được xác định tại Ấn Độ với tốc độ lây lan nhanh chóng, đã làm gia tăng các ca mắc mới trở lại.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 60% người dân Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 và khoảng 50% đã được tiêm đủ 2 liều, tức khoảng 165 triệu người.
Các quan chức y tế Mỹ cho biết họ đang thúc đẩy những người đang còn chần chừ tiêm chủng để cố gắng kiểm soát sự lây lan gia tăng nhanh chóng, vốn có khả năng dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm mới.
Anh và Israel nằm trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, nhưng các nước này cũng đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc mới và số ca phải nhập viện do biến chủng Delta gây ra. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 50% dân số nước mình.
Tại Trung Quốc, hơn 1,66 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được sử dụng nhưng vẫn còn lâu mới có thể đạt được hàng rào miễn dịch cho dân số 1,4 tỉ người.
Các nhà nghiên cứu ở Anh cho biết có thể cần đến một loại vắc xin đặc trị biến thể Delta do khả năng lây nhiễm của nó đối với những người có khả năng miễn dịch kém dần và mức độ nghiêm trọng có thể tăng lên.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm trong thời gian nghiên cứu đã giảm từ 64% xuống 49%. Khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại sự phát triển của các triệu chứng COVID-19 giảm từ 83% xuống còn 59%.
“Việc phát triển vắc xin chống lại biến thể Delta có thể được đảm bảo với bằng chứng cho thấy protein đột biến của chủng này đã đột biến đến mức các kháng thể tạo ra từ các mũi tiêm vắc xin đang trở nên kém hiệu quả hơn”, các nhà nghiên cứu của Đại học Imperial London cho biết.
Nghiên cứu được gọi là React-1 đã xem xét các kết quả của thử nghiệm COVID-19 từ ngày 24.6 đến 12.7. Khoảng thời gian này tương ứng với sự gia tăng của các ca mắc mới COVID-19 tại Anh do biến thể Delta gây ra.
Các trường hợp mắc COVID-19 trung bình hằng ngày do Bộ Y tế Anh báo cáo đã giảm từ khi chính quyền nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào ngày 19.7, trong khi các cuộc khảo sát dân số cho thấy chúng có thể sẽ vẫn tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn.