Theo ghi nhận ban đầu, đến nay, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã đạt 32.339 tỉ đồng.

Cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã đạt 32.000 tỉ đồng

tuyetnhung | 05/07/2017, 18:01

Theo ghi nhận ban đầu, đến nay, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã đạt 32.339 tỉ đồng.

Đó là thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" ngày 4.7. Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trong thời gian gần đây đã được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 5 vừa qua đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bình quân trong 7 năm (từ 2010 - 2016) tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 19,35%/năm.

Về tình hình triển khai chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, theo ghi nhận ban đầu, ông Tần cho biết tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này đến nay đạt gần 32.339 tỉ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp).

Trong đó, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỉ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỉ đồng, không phát sinh nợ xấu.

Đáng chú ý, một số ngân hàng có hoạt động cho vay lĩnh vực này nổi bật thời gian qua như: Ngân hàng TMCP Bắc Á đầu tư vào một số dự án lớn thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, chế biến gỗ, trồng rau và hoa trong nhà kính, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, rau củ quả chất lượng cao và lúa chất lượng cao như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại xã Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương đầu tư vào các dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp nhận định chính sách cho vay ưu đãi, thủ tục đơn giản... của các ngân hàng thương mại sẽ là yếu tố chủ chốt hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao phát triển tốt.

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân cho biết chính sách tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra cú hích cho Ba Huân và giúp hàng nghìn lao động, hàng nghìn hộ gia đình nông dân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.

Trong khi đó, ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Austfeed Vietnam (một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Úc trong lĩnh vực chăn nuôi lợn) nhấn mạnh, những ưu đãi về tín dụng của ngành ngân hàng đối với Austfeed đã giúp công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn vừa qua và giữ vững phát triển trong bối cảnh thị trường dư thừa thịt lợn và các sản phẩm từ lợn.

"Nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Vậy nên, nông nghiệp công nghệ cao đầu tư tới 3.000 – 4.000 tỉ đồng mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư", ông Lê Thành - Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Kết nối xanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ông Trần Văn Tần cho rằng do đây là hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khi triển khai dự án như: thiếu thị trường tiêu thụ ổn định; chưa đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chưa có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.

Do vậy, để chương trình đạt được hiệu quả, ngoài nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng, ông Tần cho rằng phải có sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan trong việc đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nói tới giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) kiến nghị phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với thị trường. Bởi lẽ, ông cho rằng nông nghiệp công nghệ cao muốn đạt hiệu quả vẫn phải có thị trường tiêu thụ và đạt giá thành cao.

Để hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng nông sản nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, ông Tuấn cho biết Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng nhiều chính sách về tín dụng, hạ tầng thương mại, đất đai, thuế, sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thương mại nông thôn… để khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống phân phối tăng cường thu mua, tiêu thụ nông sản nói chung, nông sản chất lượng cao nói riêng trong hệ thống cả ở lưu thông, phân phối, phát triển hạ tầng thương mại... Từ đó, hỗ trợ tối đa cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã đạt 32.000 tỉ đồng