BOE vẫn đang chờ nhận được sự chấp thuận của Apple để sản xuất tấm nền OLED cho dòng iPhone 14 sắp tới, sau khi công ty Trung Quốc bị phát hiện thực hiện các thay đổi thiết kế mà không có sự chấp thuận từ đối tác.
Đầu tháng này, Apple đã cắt BOE khỏi chuỗi cung ứng iPhone 13 sau khi phát hiện nhà sản xuất màn hình Trung Quốc thay đổi thiết kế tấm nền OLED bằng cách mở rộng chiều rộng mạch của bóng bán dẫn màng mỏng. Thông tin này được phát hiện bởi trang The Elec - một trong những nguồn tin thân cận nhất với chuỗi cung ứng màn hình và thường đưa ra các thông tin khá chính xác về ngành này.
Theo các nguồn tin của The Elec, sự thay đổi này có thể được thực hiện nhằm mục đích tăng tỷ lệ lợi nhuận, nhưng khi phát hiện những gì xảy ra, Apple đã yêu cầu BOE ngừng sản xuất ngay lập tức. Do đó, Apple được cho không nhận được bất kỳ đơn đặt hàng nào từ BOE về tấm nền OLED cho iPhone 14.
Báo cáo mới nhất cho biết BOE đã đến trụ sở chính Apple ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ để giải thích lý do tại sao họ đơn phương thực hiện thay đổi thiết kế tấm nền OLED, nhưng có vẻ như lời giải thích không phù hợp với Apple. Thế nên, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang xem xét chuyển đơn đặt hàng ban đầu dành cho BOE sang Samsung Display và LG Display.
BOE đã cử một lãnh đạo cấp C và các nhân viên đến trụ sở chính của Apple sau sự cố để giải thích lý do tại sao thay đổi độ rộng mạch của bóng bán dẫn. Họ cũng đề nghị nhà sản xuất iPhone chấp thuận việc sản xuất tấm nền OLED cho iPhone 14, nhưng không nhận được phản hồi rõ ràng từ Apple.
Trước khi sự cố xảy ra, Apple dường như dự định đưa ra đơn đặt hàng khoảng 30 triệu tấm nền OLED với BOE.
Apple được cho muốn có hơn 150 triệu tấm nền OLED cho dòng iPhone 14, tăng so với con số 140 triệu chiếc mà hãng dự định đặt hàng ban đầu.
Các đối tác của Apple có thể sẽ bắt đầu sản xuất tấm nền màn hình sớm nhất vào tháng tới. Trong đó, Samsung dự kiến sẽ sản xuất tấm nền cho các mẫu iPhone 14 Pro 6,1 inch và 6,7 inch, còn LG dự kiến sẽ cung cấp tấm nền cho iPhone 14 Pro Max 6,7 inch.
BOE đã sản xuất tấm nền OLED cho iPhone 12 và iPhone 13 tại hai nhà máy ở Trung Quốc, chỉ chiếm 10% tổng số màn hình iPhone vào năm 2021. Thế nhưng, công ty đã lên kế hoạch mở rộng đáng kể để vượt qua LG Display trở thành một trong những nhà cung cấp chính cho màn hình iPhone của Apple vào năm 2023. Mục tiêu này hiện khó có thể thực hiện với các rắc rối hiện có.
Kể từ tháng 2.2022, BOE chỉ còn sản xuất một lượng nhỏ màn hình OLED cho iPhone.
Theo trang The Elec, doanh số tấm nền màn hình điện thoại do BOE sản xuất cũng giảm mạnh trong bốn tháng qua. Nguyên nhân chính được cho là mất các đơn hàng từ Apple. BOE vốn là nguồn cung ứng màn hình OLED cho các mẫu smartphone 6,1 inch của Apple như iPhone 13 và 13 Pro.
Từ tháng 4.2022, các nhà phân tích đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh việc doanh số của BOE giảm mạnh. Nguyên nhân ban đầu được cho là do thiếu IC điều khiển màn hình. Linh kiện này vốn được BOE mua từ LX Semicon, nhưng đối tác này lại ưu tiên bán linh kiện cho LG Display.
Sau đó, The Elec nêu nguyên nhân như trên và cho biết Apple yêu cầu BOE ngừng sản xuất các đơn hàng.
Hiện nhà máy sản xuất tấm nền OLED cho iPhone của BOE đặt tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vẫn đang hoạt động dù doanh số giảm. Các nhà phân tích cũng dự đoán Apple sẽ không vội loại BOE khỏi chuỗi cung ứng, bởi đây là cách gây áp lực về giá vớinhà cung ứng khác là Samsung Display và LG Display.
Một khó khăn khác BOE sắp đối mặt là vấn đề bản quyền có thể bị Samsung thắt chặt. Công ty Hàn Quốc này là đơn vị đầu tiên thương mại hóa tấm nền OLED cho smartphone, đồng thời dẫn đầu về số bằng sáng chế liên quan đến cấu trúc điểm ảnh, điện cực cảm ứng.
Đầu năm nay, Samsung tuyên bố sẽ sử dụng các bằng sáng chế để bảo vệ lợi ích kinh doanh trong lĩnh vực OLED. Samsung hiện là nhà cung cấp màn hình OLED lớn nhất cho Apple.
Apple được cho đã cảnh báo BOE về nguy cơ này và các bên đang tìm cách giải quyết vấn đề.
Gần đây càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Apple muốn giảm dần sự lệ thuộc vào dây chuyển sản xuất ở Trung Quốc.
Theo trang Economic Times, Pegatron, một trong những đối tác gia công lớn nhất của Apple, chuẩn bị mở nhà máy sản xuất iPhone đầu tiên tại Ấn Độ. Đây sẽ là nhà máy sản xuất iPhone thứ 3 được mở tại quốc gia Nam Á trong vòng 5 năm qua, sau chi nhánh của Wistron và Foxconn.
Ấn Độ cũng là nước duy nhất ngoài Trung Quốc có nhà máy lắp ráp iPhone.
Hiện Trung Quốc vẫn được xem là "công xưởng sản xuất iPhone của thế giới". Lý do vì hầu hết nhà máy lắp ráp iPhone đều đặt ở đây. Thế nhưng thời gian qua, mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng xấu đi khiến Apple phải tính đến chuyện thay đổi.