Các nhà đầu cơ Hàn Quốc những ngày gần đây đã đổ dồn vào Luna, loại tiền mã hóa đã mất 99,99% giá trị vào tuần trước, sau khi stablecoin “anh em” là TerraUSD sụp đổ.

Luna mất 99,99% giá trị, nhiều người mong điều kỳ diệu vẫn mua, cơ quan quản lý lo lắng

Sơn Vân | 19/05/2022, 17:43

Các nhà đầu cơ Hàn Quốc những ngày gần đây đã đổ dồn vào Luna, loại tiền mã hóa đã mất 99,99% giá trị vào tuần trước, sau khi stablecoin “anh em” là TerraUSD sụp đổ.

Cả TerraLuna (hay Luna) và TerraUSD đều được liên kết với Terra, một nền tảng blockchain do nhà phát triển Do Kwon (Hàn Quốc) đồng sáng lập. Theo công ty phân tích blockchain Elliptic, các nhà đầu tư vào chúng đã mất khoảng 42 tỉ USD.

Luna từng là một trong những loại tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới và sự sụp đổ của nó, cùng với TerraUSD, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên toàn cầu, với việc Bitcoin mất khoảng 1/4 giá trị từ ngày 9 đến 12.5.

Trị giá gần 100 USD vào cuối tháng 4.2022, Luna hiện được giao dịch ở mức còn 1/100 - thấp đến nỗi đã có một làn sóng đổ xô mua từ các nhà đầu cơ cá cược rằng Luna sẽ có một giai đoạn phục hồi kỳ diệu, với một số người bám vào niềm tin rằng nó “quá lớn để thất bại”.

Một nhà đầu tư đã viết trên blog trên nền tảng mạng Naver (Hàn Quốc): “Luna đã từng là một đồng tiền lớn có giá trị vốn hóa hàng đầu thị trường, vì vậy họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hồi sinh nó”.

Blogger này cho biết đã mua 300.000 Luna vào cuối tuần qua với giá 0,33 won mỗi đồng (tương đương 0,0003 USD mỗi đồng), sử dụng một sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế.

nhieu-nguoi-do-xo-mua-mong-dong-luna-hoi-sinh-tu-dong-tro-tan.jpg
Luna mất 99,99% giá trị vào tuần trước

Khi sự hồi sinh đột ngột của hoạt động mua vượt qua tầm kiểm soát của mình, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) đã cảnh báo mọi người rằng không nên đầu tư vào Luna.

Số lượng các nhà đầu tư vào tiền mã hóa thất bại đã tăng hơn 50% chỉ trong hơn 2 ngày tại các sàn giao dịch lớn Hàn Quốc lên mức 280.000 vào hôm 15.5, theo một nguồn tin tại FSC.

Nguồn tin cho biết việc mua vào chủ yếu đến từ các nhà đầu cơ trong nước, nhưng có một số dòng tiền từ nước ngoài.

Cơ chế đầu cơ bị hạn chế vì Bithumb và Upbit, hai trong số các sàn giao dịch lớn nhất Hàn Quốc, cho biết sẽ tạm ngừng hỗ trợ giao dịch cho Luna vào ngày 27.5 và ngày 20.5. Trong khi Coinone, sàn giao dịch khác, đã tạm dừng gửi tiền bằng tiền mã hóa trước khi có thể hủy niêm yết vào ngày 25.5.

Việc mua Luna ít ảnh hưởng đến giá của tiền mã hóa này. Luna đã trải qua tuần ảm đảm với giảm trong khoảng còn 4/100 xuống 1/100 một đồng. Thế nhưng, xu hướng của người Hàn Quốc, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đầu tư vào các tài sản dễ biến động và rủi ro từ chứng khoán đến tiền mã hóa khiến các nhà quản lý lo lắng.

Sự nhiệt tình trước đó của họ đã giúp đưa Luna và TerraUSD vào danh sách 10 loại tiền mã hóa lớn nhất thế giới được xếp hạng theo vốn hóa thị trường. Song, mọi thứ đã sụp đổ vào ngày 10.5 khi tỷ giá 1:1 của TerraUSD với đồng USD bị phá vỡ. Hôm 18.5, TerraUSD được giao dịch ở mức khoảng 10 cent.

Không giống hầu hết các loại stablecoin (tiền số ổn định giá) lớn được hỗ trợ bởi các tài sản khác, giá trị TerraUSD được tạo ra bởi các quy trình thuật toán phức tạp, liên kết với Luna.

Theo hệ thống, 1 TerraUSD có thể được đổi lấy số Luna trị giá 1 USD và ngược lại. Sau khi hoán đổi, đồng TerraUSD sẽ bị phá hủy.

Nếu TerraUSD giảm xuống dưới 1 USD, các nhà giao dịch được khuyến khích mua stablecoin này để đổi lấy Luna trị giá 1 USD nhằm kiếm lời, do đó làm giảm nguồn cung TerraUSD và đẩy giá của nó trở lại 1 USD.

Đó là lý thuyết, nhưng thị trường đã chứng minh rằng tiền đề này sai.

Khi thị trường sụp đổ, hàng trăm nhà đầu tư bán lẻ bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội với những câu chuyện tồi tệ, trong đó có một số người yêu cầu Do Kwon bồi thường thiệt hại cho họ.

Do Kwon tuần trước đã công bố kế hoạch thay đổi hệ thống để TerraUSD sẽ được hỗ trợ bằng nguồn dự trữ trong tương lai, nhưng không rõ liệu kế hoạch này có thực hiện được không.

Chính phủ Hàn Quốc có thể làm rất ít điều để bảo vệ các nhà đầu tư khi giao dịch tiền mã hóa diễn ra bên ngoài phạm vi quản lý của họ.

Điều gì đã xảy ra với TerraUSD và Luna?

Trong khi một số stablecoin, như Tether, có bảo đảm bằng tài sản, những loại khác dựa vào các thuật toán phức tạp để duy trì tỷ giá của chúng với đồng USD.

TerraUSD là một trong những loại stablecoin sử dụng thuật toán này. TerraUSD cố gắng duy trì giá trị tương đương USD bằng cách sử dụng một cơ chế bập bênh phức tạp với một loại tiền mã hóa có liên quan là Luna. Trong khi 1 TerraUSD luôn được cho là có giá trị chính xác là 1 USD, giá trị của Luna có thể dao động. Về bản chất, TerraUSD sử dụng Luna như một đối trọng để duy trì chốt giá quy đổi với đồng USD.

Đây là cách nó hoạt động: Bạn đốt hoặc phá hủy TerraUSD để đúc hoặc tạo ra Luna, và ngược lại. Đốt một TerraUSD luôn mang lại cho bạn 1 Luna, có giá trị tương đương 1 USD và đốt 1 USD của Luna mang lại cho bạn 1 TerraUSD. Nó giống như một chiếc bập bênh, nơi TerraUSD ở một đầu và Luna ở đầu kia.

Hãy tưởng tượng giá trị của TerraUSD giảm nhẹ để bây giờ nó có giá trị là 0,99 USD. Vì luôn có thể đổi 1 TerraUSD lấy Luna có trị giá 1 USD, những người thông minh sẽ chớp ngay cơ hội mua thứ gì đó trị giá 1 USD với giá 99 cent và kiếm được một khoản lãi nhỏ là 1 cent. Vì vậy, họ đốt TerraUSD của mình để đúc Luna và kiếm lợi nhuận.

Khi ngày càng nhiều người nắm giữ TerraUSD cố gắng kiếm 1 cent lợi nhuận đó bằng cách đốt nó để đúc Luna, nguồn cung TerraUSD giảm và giá nó tăng cho đến khi chạm mức chốt 1 USD.

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng có rất nhiều người đang tận dụng chênh lệch giá khiến giá 1 TerraUSD thực sự tăng lên 1,01 USD. Giờ đây, điều này đồng nghĩa là những người đang nắm giữ Luna nhận ra rằng nếu đốt Luna trị giá 1 USD, họ có thể nhận được TerraUSD và kiếm thêm 1 cent lợi nhuận. Vì vậy, khi ngày càng nhiều người đốt Luna để tạo ra TerraUSD, nguồn cung TerraUSD sẽ tăng lên và giá của nó giảm xuống cho đến khi chạm mức 1 USD.

Về cơ bản, sự cân bằng giữa TerraUSD và Luna đã bị phá vỡ.

Lý do lớn nhất mà hầu hết mọi người nắm giữ TerraUSD là vì một thứ gọi là Giao thức Neo (Anchor Protocol). Đây là một giao thức tiết kiệm dựa trên blockchain Terra, cung cấp cho người dùng của nó lợi suất lên đến 20%. Anchor giúp rút tiền nhanh chóng cũng như trả cho người gửi tiền với lãi suất biến động rất thấp.

Trong những tháng trước, thật là hợp lý nếu chỉ cần gửi TerraUSD vào tài khoản Anchor và chờ đợi khoản lợi nhuận 20%, đặc biệt là vì cũng không có nhiều thứ để có thể thực sự sử dụng tiền mã hóa. Theo Coindesk, đến gần đây, khoảng 75% lượng TerraUSD đang lưu hành đã được gửi vào Anchor.

Song vào tháng 3.2022, Anchor đã thông qua một nghị quyết thay thế tỷ lệ cố định 20% bằng tỷ lệ thay đổi. Sau đó, đã có một lượng lớn TerraUSD được rút khỏi Anchor, khiến các nhà giao dịch lo lắng và thúc đẩy họ bán TerraUSD và Luna. Một nhóm các nhà đầu tư khác đã sử dụng một dự án blockchain Curve Finance để hoán đổi TerraUSD lấy các stablecoin khác.

Nhiều người bắt đầu tìm kiếm lối ra bằng cách đốt TerraUSD để đổi lấy Luna. Nguồn cung Luna tăng vọt khiến giá giảm mạnh. Theo một nghĩa nào đó, Luna đã bị đẩy khỏi bập bênh.

Khi ngày càng có nhiều người cố gắng bán TerraUSD, cơ chế cân bằng ngừng hoạt động - TerraUSD bị rớt và Luna cũng vậy.

Bài liên quan
Giá Tether (USDT) xuống dưới mức 1 USD trong bối cảnh thảm họa của stablecoin diễn ra
Tether (USDT), stablecoin (đồng tiền số ổn định giá) hàng đầu, đã giảm xuống dưới 0,96 USD vào đầu ngày 11.5 trong dấu hiệu căng thẳng hơn nữa ở thị trường tiền mã hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luna mất 99,99% giá trị, nhiều người mong điều kỳ diệu vẫn mua, cơ quan quản lý lo lắng