Đêm rằm tháng tám, người lớn để mặc bọn trẻ con muốn làm gì thì làm. Cỗ cúng rằm của trẻ con thời ấy thường chỉ là hoa quả, nải chuối, quả bòng, mấy quả hồng, thêm vài cái bánh phong bột nếp trộn đường bọc giấy đỏ, cũng xôm tụ lắm.

Chuyện cúng rằm (kỳ 3)

14/02/2020, 08:36

Đêm rằm tháng tám, người lớn để mặc bọn trẻ con muốn làm gì thì làm. Cỗ cúng rằm của trẻ con thời ấy thường chỉ là hoa quả, nải chuối, quả bòng, mấy quả hồng, thêm vài cái bánh phong bột nếp trộn đường bọc giấy đỏ, cũng xôm tụ lắm.

Trẻ em ngày xưa vui chơi - Ảnh: Tư liệu/Internet

Năm âm lịch, từ tháng tám tới cuối năm còn 5 lần cúng rằm nhưng có nhẽ chỉ rằm tháng tám là đáng kể nhất, cúng to, rình rang, cuốn hút được tất tật mọi người, già trẻ lớn bé. Những rằm còn lại, kể cả lễ Hạ nguyên (rằm tháng mười) hoặc rằm tháng chạp chỉ được biện cho có lệ.

Rằm tháng tám còn có tên gọi Tết Trung thu, ngày xưa chỉ dành cho trẻ con. Trúng ngày rằm, ban ngày người lớn làm mâm cỗ cúng gia tiên, thì cũng lại thịt thà cá mú, món xào món nấu. Mâm cơm cúng nhỉnh nhao đủ đầy hơn những cúng rằm khác, ngoài xôi chè không thể thiếu, còn có gà luộc, thịt rán, món xào món ninh. Thậm chí có cả giò lụa, thứ đặc sản chỉ Tết Nguyên đán mới xuất hiện. Bọn trẻ con được người nhớn tháo khoán, ăn cho bằng thích, bù ngày đói thèm. Rằm nhưng cũng là tết của trẻ con, cấm đoán chúng nó làm gì, phải tội. Thày bu tôi thường nhường cỗ cúng cho các con, còn bản thân qua quít ăn sao cũng được. Mấy chị em, chị nhớn anh nhớn cũng lại biết điều, nhường nhịn cho các em nhỏ, cuối cùng rằm vẫn là tết của trẻ con. Xôi chè cúng xong, bu tôi bưng cất để vào mặt bàn trong buồng, tôi và đứa em gái lâu lâu lại lẻn vào, các cụ biết cả nhưng cứ lờ đi. Bây giờ, thấy tụi nhỏ thờ ơ với xôi chè, lại bùi ngùi về quãng tuổi thơ của mình tưởng đã chìm sâu, xa lắc trong ký ức.

Đêm rằm tháng tám, người nhớn để mặc bọn trẻ con muốn làm gì thì làm. Cỗ cúng rằm của trẻ con thời ấy thường chỉ là hoa quả, nải chuối, quả bòng, mấy quả hồng, thêm vài cái bánh phong bột nếp trộn đường bọc giấy đỏ, cũng xôm tụ lắm. Ít nhà có bánh trung thu, thời ấy gọi nôm na là bánh nướng bởi loại này chỉ bán phân phối, nông dân không phải đối tượng được mua. Cỗ bàn như đã kể, ấy là nói những nhà khá giả, chứ như nhà tôi và phần đông hộ trong làng, quả bòng quả bưởi thôi, cây nhà lá vườn. Thày bu bày ra giữa sân, bảo chúng bay phá cỗ đi rồi kéo nhau ra đường làng, ra sân hợp tác mà rước đèn. Kéo đàn kéo lũ trong bóng trăng nhập nhòa giữa mây, hát hò “ông giẳng ông giăng, ông to bằng cái bát, mời ông ơi xuống hát, với em vui giữa làng”, đẩy những chiếc đèn làm bằng ống bơ vỏ hộp sữa bò đốt nến hoặc bấc dầu, vung vẩy xâu hạt bưởi khô vừa cháy vừa nổ lép bép thơm lừng. Vui, và nghèo. Lại nhớ lời một bài hát thường được phát trên đài những năm tháng xưa, mô tả cảnh lẫn tình sao mà đẹp thế, đáng yêu thế: “Quê hương yêu dấu có những đàn em đùa trong đêm trăng. Lũy tre võng ru, vẳng tiếng ai ca như mùa xuân tới”, về sau khi nhớn tôi mày mò tìm hiểu mới biết lời ấy trong bản hợp xướng “Ca ngợi tổ quốc” của nhạc sĩ Hồ Bắc. Xưa nghe nó chỉ muốn khóc bởi xúc động, nay nghe lại cũng muốn khóc bởi thương xưa.

Nhiều điều để nói về cúng rằm tháng tám, nhất là trẻ con rõ lắm kỷ niệm khó quên. Tôi còn nhớ sách tập đọc, hình như lớp 2, có bài thơ Đèn kéo quân. Ê a mãi cũng phải thuộc. Hai thứ đèn phổ biến nhất dịp cúng rằm tháng tám là đèn ông sao và đèn kéo quân. Đèn ông sao dễ làm, hầu như đứa trẻ nào cũng biết dựng đèn ông sao, vót tre làm khung, nối với nhau thành hình ngôi sao, phết giấy bóng kính màu mua trên huyện vào, là có chiếc đèn rước trăng. Nền kinh tế tự cung tự cấp những năm khó khăn thiếu thốn đã vô tình tạo ra vài thế hệ giỏi việc, khéo tay, hay làm. Bây giờ người ta gọi là kỹ năng sống. Con trai cũng như con gái, ngoài thạo việc nhà nông như nhổ mạ, cấy lúa, đập nương, tát nước, cầm liềm, còn biết cả may vá, thêu thùa, đan lát rổ rá, việc thủ công.

Nhưng làm đèn kéo quân thì khó, đòi hỏi phải “chuyên nghiệp”, vả lại thứ này tốn kém tiền bạc. Tôi nhớ có lần xuống nhà cụ Hàn gần bờ đầm, được ngắm chiếc đèn kéo quân thật đẹp, sáng lung linh, mấy con vật trong đèn xoay xoay đuổi nhau kỳ diệu như phim thần thoại. Nhà cụ có người thoát ly, làm cán bộ công nhân ngoài phố, mua đem về, chứ ở quê bói đâu ra thứ quý hiếm này. Lại nói bài thơ Đèn kéo quân tả rằng “Khi đèn vừa cháy sáng/bao bóng người chạy quanh/A, các chú bộ đội/đuổi theo một lũ tây/Bọn tây chạy hớt hải/bộ đội đuổi như bay”, hình ảnh khác hẳn đèn nhà cụ Hàn chỉ có mấy con vật đuổi nhau. Phải công nhận, thơ cho trẻ con ngày xưa ở miền Bắc tràn đầy chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chả bù cho miền Nam, khi tôi vào Sài Gòn nhận việc sau năm 75 nghe hát “Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo. Ông trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa. Ông trăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái…”, chả thấy tính chiến đấu tí nào cả, chỉ rặt trẻ thơ.

Nhớ hồi những năm 1980, có lần tôi hỏi một ông Nam Bộ gốc về sự khác nhau lễ nghi, cúng bái, nhất là ngày rằm mùng một, giữa miền Bắc và miền Nam. Ông Nam gốc ấy là chú Dương Cao Thăng, quê Trà Vinh, dân tập kết, từng giảng viên trường cơ điện Thái Nguyên, sau 75 về nam, giữ ghế trưởng phòng nơi trường tôi dạy. Tôi thắc mắc, sao miền Nam không cúng mùng 1 mà cúng mùng 2, còn rằm đã có ngày 15 rồi, lại thêm 16 làm chi nữa… Cụ Nam Bộ rặt cười bảo, dân Nam thì gốc cũng từ miền ngoài thôi, nhưng là dân đi mở đất, kiêu hãnh, tự lập, mạnh mẽ, tính độc lập cao. Cứ phải khác đi một tí với “gốc” để khẳng định sự độc lập tự chủ ấy. Chẳng hạn ở ngoải (ngoài ấy), anh cả chị cả là người con đầu thì trong này không có cả, thay vào đó là anh hai chị hai. Ngoải cúng mùng 1 thì trong này cúng mùng 2, ngoải cúng rằm 15 thì trong cúng 16. Ngôn ngữ cũng vậy, ngoải nói bơi thì trong nói lội, ngoải nói thóc thì trong nói lúa, ngoải nói tôm thì trong nói tép…, dùng từ đứng sau, dù cùng chỉ một sự vật, một điều gì đó. Khác là cách để khẳng định, tồn tại độc lập trong cái tổng thể, đó là tính cách Nam Bộ, chú Thăng bảo vậy. Tôi nghe cũng có lý. Sau này chú Thăng chuyển qua Công ty Viso bột giặt làm bí thư đảng ủy, tôi có qua đó dạy bổ túc văn hóa cho công nhân, đôi lần trò chuyện với ông Nguyễn Quang Lộc giám đốc Viso, ông Lộc cười bảo ai chứ ông Thăng thì nam rặt tới từng tế bào. Có nhẽ đúng, cả ông Thăng lẫn ông Lộc.

- Chuyện cúng rằm (Kỳ 1)

- Chuyện cúng rằm (kỳ 2)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện cúng rằm (kỳ 3)