Trong cơn biến động, rất cần sự nhanh nhạy, sự tìm tòi chuyển hướng sản xuất, sự đổi thay sáng tạo, sự thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh của các DN trong nền kinh tế”, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh nêu giải pháp để DN vượt khó khăn trong đại dịch.

Chuyên gia ‘hiến kế’ giúp DN Việt thoát khỏi vũng lầy suy thoái do COVID-19

13/07/2020, 13:55

Trong cơn biến động, rất cần sự nhanh nhạy, sự tìm tòi chuyển hướng sản xuất, sự đổi thay sáng tạo, sự thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh của các DN trong nền kinh tế”, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh nêu giải pháp để DN vượt khó khăn trong đại dịch.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - Ảnh: ĐĐK

Kinh tế suy thoái vì COVID-19

Dịch bệnh COVID – 19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu khiến các chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng toàn cầu bị đứt gãy, thương mại thế giới bị gián đoạn và dẫn tới sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế thế giới. Tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề khi cả đầu vào và đầu ra của nền sản xuất đều bị thắt lại.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6.2020 của Ngân hàng thế giới (WB) nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay. Các hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng.

Cùng với đó, hàng trăm triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm nay. Thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm 13,4% so với năm 2019.

Đối với Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26 nghìn DN, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2019; 16,5 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

Điều này có thể thấy số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh để tái cấu trúc, thay đổi cơ chế quản lý, đổi mới mô hình sản xuất hoặc chờ đợi dịch bệnh kết thúc tăng rất cao. Nhưng số DN chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể giảm so với cùng kỳ 2019 và các DN gặp khó khăn phải giải thể chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Trong cơn biến động, cần nhất sự nhanh nhạy

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ rằng trong nền kinh tế thị trường, các DN là chủ thể quan trọng hình thành nên sức mạnh của nền kinh tế.

Theo ông Thịnh, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn đang nỗ lực chống chọi với dịch bệnh dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn. Từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, các DN cần thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh sản xuất, tạo sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Chuyên gia này cho rằng để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn và đáp ứng các điều kiện về điều kiện lao động mà một số Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, các DN và cơ sở sản xuất kinh doanh cần đề cao công tác vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, phải cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường sức đề kháng cho người lao động; thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống sự bùng phát trở lại của dịch COVID – 19 và các loại dịch bệnh trong mùa hè và mùa thu tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng các DN cần rà soát toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, giảm thiểu tới mức tối đa các chi phí sản xuất.

Đồng thời, thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho lực lượng lao động, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa để có thể tồn tại và phát triển bền vững trong cạnh tranh.

“Trong cơn biến động, rất cần sự nhanh nhạy, sự tìm tòi chuyển hướng sản xuất, sự đổi thay sáng tạo, sự thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh của các DN trong nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng chia sẻ, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, các DN cần đẩy mạnh liên kết để tạo chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra các sản phẩm thuần Việt để nâng cao vị thế trong cạnh tranh.

Hơn nữa, với sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất do dịch bệnh và chiến tranh thương mại, các DN cần tìm kiếm và tích cực tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu cùng các công ty đa quốc gia, khi nhiều tập đoàn ở nhiều quốc gia đang muốn dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng khỏi Trung Quốc để không quá phụ thuộc vào một quốc gia nào.

Theo chuyên gia này, các DN cũng cần chú trọng và chủ động tìm kiếm nguồn hàng hóa, vật tư, nguyên liệu, linh phụ kiện đa dạng phục vụ cho đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh của DN.

Về dài hạn, với các DN lâu nay phải nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện để phục vụ cho quá trình sản xuất cần nỗ lực tìm kiếm hoặc có kế hoạch xây dựng các nguồn cung ứng nội địa cho đầu vào của quá trình sản xuất thay cho các nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu.

“Đây là một công việc khó khăn, lâu dài, cần có thời gian, nguồn lực đầu tư và chiến lược dài hạn. Trước mắt, các DN cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề và các cơ quan thương vụ đại sứ quán ở các nước để tìm kiếm nguồn nguyên liệu, linh phụ kiện, máy móc thiết bị từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau nhằm tránh bị chèn ép hoặc gặp sự cố bất ngờ do thiên tai, dịch bệnh hay sự thay đổi của các chính sách kinh tế của các quốc gia”, ông Thịnh nêu.

Phải giữ được thị phần ở “sân nhà”

Do dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ vẫn tiếp tục kéo dài và có thể tái bùng phát ở nhiều quốc gia, hàng loạt các đơn hàng của nhiều ngành nghề ở các thị trường xuất khẩu truyền thống của các DN Việt Nam bị các đối tác xin hủy. Lý do là các quốc gia vẫn tập trung ứng phó với dịch bệnh và sự sụt giảm thu nhập buộc người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu.

Chia sẻ với phóng viên ván đề này, ông Thịnh cho rằng các DN Việt Nam cần nắm bắt, liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối nội địa để đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Việc này nhằm vừa tiết kiệm chi phí, vừa thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa để có cơ hội thúc đẩy sản xuất và nắm giữ thị phần tiêu dùng của gần 100 triệu người dân có mức tăng thu nhập rất nhanh và có các nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Chuyên gia này cho rằng cần coi thị trường gần 100 triệu dân là mục tiêu và đối tượng chinh phục, gắn bó lâu dài để phát triển bền vững. Theo đó, cần có sự thay đổi phù hợp trong sản xuất và đáp ứng cao nhất nhu cầu của thị trường.

“Đây phải được coi là biện pháp bền gốc rễ để DN Việt Nam giữ được thị phần trên “sân nhà”, tạo năng lực cả về tài chính, công nghệ, uy tín và thương hiệu để phát triển trên thị trường thế giới”, ông Thịnh nói.

Một vấn đề nữa ông Thịnh cho rằng cũng khá quan trọng là phải tích cực tìm kiếm bạn hàng mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa của DN, tránh phụ thuộc vào thị trường của một quốc gia nào đó.

“Đây vừa là giải pháp trước mắt giúp các DN gia tăng khả năng xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa khi nhiều thị trường truyền thống đang gặp khó khăn và có mức sụt giảm lớn, nhưng đồng thời cũng là chiến lược lâu dài giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa được trôi chảy, đảm bảo sự phát triển bền vững của các DN”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, các DN cũng cần tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa trong quản lý sản xuất. Về lâu dài, việc này sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động cho các DN trong nền kinh tế và giảm thiểu chi phí quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Ở góc độ Chính phủ, ông Thịnh cho rằng cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm giữ lạm phát ở mức dưới 4% và giảm thấp mức thâm hụt NSNN. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ kịp thời cho các DN ở các ngành nghề, lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong nền kinh tế, nhằm giúp các DN giảm chi phí và thời gian, tăng năng suất và hiệu quả quản lý sản xuất.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
30 phút trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia ‘hiến kế’ giúp DN Việt thoát khỏi vũng lầy suy thoái do COVID-19