Phương án 3 mà Chính phủ trình là chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Chuyển sang đầu tư công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam để bảo đảm an ninh quốc gia

02/06/2020, 12:44

Phương án 3 mà Chính phủ trình là chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Một tuyến đường cao tốc được xây dựng theo hình thức PPP - Ảnh

3 phương án cho cao tốc Bắc - Nam phía đông

Theo tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày, so với thời điểm Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, bối cảnh hiện nay đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi triển khai các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đấu thầu, các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu quốc tế sẽ giải quyết được khó khăn về tín dụng dài hạn trong nước, bảo đảm nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình sơ tuyển quốc tế đã xuất hiện yếu tố ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Trên cơ sở kết luận của cấp có thẩm quyền, Chính phủ đã quyết định chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, do vậy mục tiêu ban đầu là đấu thầu quốc tế để huy động vốn nước ngoài đã không thực hiện được.

Đồng thời, trong giai đoạn trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư (năm 2017), vấn đề được các đại biểu quốc hội quan tâm là tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt nên khó khăn về huy động tín dụng trong nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động tín dụng cho dự án đã phát sinh các yếu tố mới, đó là chính sách pháp luật về PPP chưa hoàn thiện, các cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được áp dụng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và tổ chức tín dụng trong nước.

Việc sụt giảm doanh thu tại nhiều dự án BOT giao thông trong thời gian qua đã minh chứng cho những rủi ro nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng phải gánh chịu toàn bộ do không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro. Điều này dẫn đến nhiều dự án phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản nợ và gây áp lực không nhỏ cho hệ thống ngân hàng. Mặt khác, tác động nhiều mặt của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng.

Để ứng phó với tác động của dịch COVID-19, bên cạnh những giải pháp quyết liệt về phòng chống dịch, Chính phủ tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian dịch bệnh và hỗ trợ lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dựa trên nguyên tắc lựa chọn dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công, quan điểm của Chính phủ khi lựa chọn một số dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công phải đảm bảo phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với việc đề xuất các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư, Chính phủ đã xây dựng các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên như sau:

Phương án 1 - Chuyển đổi sang đầu tư công toàn bộ 8 dự án.

Phương án 2 - Chuyển đổi sang đầu tư công 5 dự án, gồm có 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Phương án 3 - Chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm: 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Thống nhất phương án 3

Về các phương án, Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành với phương án 1 tại phiên họp thứ 45.

Phương án 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng phương án này cũng không phù hợp với các yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và một số ít dự án có nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công.

Vốn đầu tư công cho dự án cần thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn cho dự án sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau (2021 - 2025).

Về phương án 3, ông Vũ Hồng Thanh cho hay loại ý kiến thứ nhất là: Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với phương án chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công (đã gồm cả dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển).

Phương án này có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc hủy kết quả sơ tuyển, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi “số ít dự án”của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kết luận phiên họp thứ 45 (đợt 2).

Tuy nhiên, các ý kiến không nhất trí với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi vì các lý do là 2 dự án nêu trên có mức vốn nhà nước tham gia rất ít nhưng vẫn có từ 2 đến 3 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Đây cũng là 2 dự án có lưu lượng nhu cầu vận tải cao nhất trong tổng số 8 dự án, nằm tại cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, kết nối thuận tiện với các tuyến cao tốc hiện hữu, có thể phát huy hiệu quả ngay.

Loại ý kiến thứ 2 là: Một số ý kiến không tán thành việc chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công

Loại ý kiến thứ 3 là: Có ý kiến nhất trí với số lượng và phương án lựa chọn dự án thành phần của phương án 3 do Chính phủ đề xuất và cho rằng, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây là phù hợp do 2 dự án này có số vốn huy động lớn, nhà đầu tư khó có thể huy động được vốn tín dụng trong thời điểm hiện nay.

Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Theo đó chỉ chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần, đồng thời đề nghị xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi theo nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại phiên họp thứ 45.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo phương án thứ 3 của Chính phủ là ngoài dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì có thêm 2 dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây là sẽ sử dụng ngân sách của Nhà nước để đầu tư.

Lam Thanh

Bài liên quan
ADB: Đầu tư công là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Chuyên gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng đầu tư công là một "đầu tàu" quan trọng của tăng trưởng kinh tế, song cần hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển sang đầu tư công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam để bảo đảm an ninh quốc gia