Những đôi dép bị "cắt mõm" ra đời vì sự nghi ngờ của người kinh doanh.

Chuyện về những đôi dép bị 'cắt mõm'

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng | 13/09/2022, 20:03

Những đôi dép bị "cắt mõm" ra đời vì sự nghi ngờ của người kinh doanh.

Thời bao cấp, khó khăn bủa vây tư bề nên thói ăn cắp vặt manh nha rồi phát triển thành “dịch”, lây lan khắp nơi. Làm gì cũng tìm cách luồn lách, “ăn gian” để có lợi cho mình, dù rất nhỏ. Người gian có đủ thứ mánh khóe thế nên người ta nghĩ ra trăm kế đề phòng.

Kẻ xấu khiến người tốt cũng bị vạ lây, nghi ngờ.

Trước đây, rất nhiều du khách cảm thấy khó chịu khi vào các khách sạn, nhà nghỉ (Guest House) luôn có sẵn những đôi dép “không giống ai”. Nhẹ thì đánh dấu bằng sơn. Nặng thì cắt đầu, cắt đuôi, biến những đôi dép lành lặn thành dép cùn, ví von như “khuyết tật”. Có người thắc mắc, chủ nhân thì tỉnh bơ: “Làm vậy để khách không lấy dép”.

linhform.png
Kẻ xấu khiến người tốt cũng bị vạ lây, nghi ngờ và những đôi dép bị "khuyết tật" ra đời từ đó - Ảnh: LinhfromHanoi

Thói xấu này “xuất khẩu” qua cả Campuchia. Gần đây hầu như nước bạn bỏ hẳn, còn ở Việt Nam, một số nơi vẫn cố “bảo tồn”, dù còn rải rác.

Tuần rồi, tôi và mấy người bạn đón xe đò từ Sài Gòn đi Bảo Lộc rồi vào Đa Mi (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Đa Mi là xã duy nhất có 2 hồ mênh mông và 3 thác đẹp, trong đó thác Sương Mù cao gần 100m, được liệt vào “Tứ danh thác Việt” (4 thác hàng đầu Việt Nam).

Cả nhóm mua vé xe giường nằm một hãng xe nổi tiếng, được đón kiểu “Door to door” rất tiện lợi. Xe tốt, nhân viên tận tình. Chỉ bực mình vì chuyện rất nhỏ. Đó là những đôi dép để khách dùng khi xe ghé các trạm dừng dọc đường. Mỗi người một đôi để đi. Xe nào cũng cả thùng, mấy chục đôi, thế nhưng, chiếc nào cũng bị cắt cụt đầu.

Một bạn người Pháp, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thắc mắc với tôi viêc này. Tôi phải nói trớ đi “Làm vậy để phá cách, tạo sự khác biệt cho hành khách”. Bạn vặn lại: “Sao nhà xe nói với tôi là để chống trộm dép?”. Tôi đành chống chế: “Họ đùa đấy. Người Việt thích đùa mà. Khách nào mà trộm mấy đôi dép đó”.

Bạn có vẻ nửa tin nửa ngờ, nói với tôi “Anh đừng bao giờ mua hàng của mấy những công ty nghi ngờ khách hàng của mình”. Tôi lặng người suy nghĩ. Việc nhỏ đến mức ít ai để ý, thậm chí xem là bình thường. Lâu nay, tôi cũng khó chịu nhưng nghĩ rằng xã hội còn nhiều chuyện bực dọc hơn nên chịu đựng, riết thành quen.

Thế nhưng, khi nghe bạn nói mà tôi giật mình. Phải thay đổi từ những việc nhỏ nhặt nhất. Tới bến xe Bảo Lộc, trước khi ra xe trung chuyển, tôi cúi xuống xếp lại mấy đôi dép để chụp hình, liền bị một nhân viên hãng xe đến vỗ vai “Chú ơi, không phải dép từ thiện, chú không lấy được đâu”. Tôi chẳng biết giải thích thế nào. Dép từ thiện cũng đàng hoàng, chứ không bị “khuyết tật” như vậy. Cứ tưởng việc không tin khách chỉ là… suy diễn.

Đã kinh doanh, phải thật sự tin khách hàng. Nếu biết người bán nghi ngờ, dù chỉ trong suy nghĩ; chắc chắn khách hàng sẽ quay lưng, tìm người tin cậy. Những đôi dép rẻ tiền, nỡ nào nghi ngờ khách hàng có thể lấy trộm?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về những đôi dép bị 'cắt mõm'