Từng chỉ huy hàng chục vụ cứu nạn thành công, ông Nguyễn Hữu Hùng tối 15.10 được tìm thấy dưới hàng trăm ngàn mét khối bùn đất. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, ông không cứu được đồng bào và cả chính mình.
Ngày 13.10, ông Nguyễn Hữu Hùng cùng đoàn 12 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi đang trên đường tìm cách tiếp cận hiện trường sạt lở đất, cứu hộ cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng 3.
Đêm 11.10, mưa lớn khiến nửa quả núi sạt xuống nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), vùi lấp 17 công nhân. Chiều 12.10, đoàn công tác 21 cán bộ do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu, đi xuống Phong Xuân để kiểm tra tình hình và tìm phương án cứu nạn.
Đêm cùng ngày, đoàn đến Trạm Kiểm lâm 67, dừng nghỉ tại đây. Lúc 0 giờ ngày 13.10, sau tiếng nổ lớn, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà đoàn đang nghỉ. 8 người thoát ra ngoài, 13 người mất tích.
Tối 15.10, toàn bộ 13 thi thể đoàn cứu hộ gặp nạn được tìm thấy. Ông Nguyễn Hữu Hùng và ông Nguyễn Văn Man là hai trong 13 cán bộ đã hy sinh.
Ngày 17.10, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng được Chủ tịch nước truy thăng quân hàm lên Thiếu tướng.
Năm nay 50 tuổi, quê xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng là Cục phó Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng); Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Tại nhiều điểm nóng thiên tai hay sự cố, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng thường có mặt để chỉ huy việc tìm kiếm. 6 năm trước, khi đang là Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, ông đã chỉ huy công binh đào hầm trong cát, xuyên thẳng qua khối đất đá sạt lở, nhanh chóng cứu sống 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng).
Mới đây, ông Nguyễn Hữu Hùng vào Quảng Trị tham gia chỉ đạo cứu hộ thuyền viên trên tàu Vietship 01 bị mắc cạn tại vùng biển Cửa Việt. Chính ông đề xuất đưa trực thăng vào khu vực chìm tàu Vietship 01 để tham gia công tác cứu hộ cứu nạn.
Sau khi phương án được Bộ Quốc phòng chấp thuận, ông Nguyễn Hữu Hùng trực tiếp chỉ đạo toàn bộ quá trình cứu hộ bằng trực thăng. Sau 55 giờ nghẹt thở, những thành viên gặp nạn trên tàu Vietship 01 đã được đặc công nước và không quân đưa vào bờ an toàn.
Ông Hùng từng được nhận nhiều huân chương như: Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng.
Khoảng hơn 8 giờ sáng 19.10, xe đưa linh cữu Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trở về nhà riêng tại thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, thành phố Hà Nội.
Sau khi gia đình thực hiện các nghi lễ truyền thống theo phong tục địa phương, linh cữu Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng được đưa tới nghĩa trang liệt sĩ Sài Sơn để Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cùng gia đình phối hợp với địa phương tổ chức tang lễ theo nghi thức quân đội.
Từ sáng sớm cùng ngày, nhiều người dân đã đội mưa xếp hàng đón linh cữu Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trở về yên nghỉ tại quê nhà, vào viếng lễ tang.
Sáng cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với gia đình, UBND huyện Quốc Oai tổ chức trang trọng lễ truy điệu và an táng Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng tại nghĩa trang liệt sĩ Sài Sơn.