Ở dọc các bờ sông miền Trung cách nay gần 2 tháng, lũ dồn dập tràn về nhấn chìm hàng ngàn ha rau màu, hoa, kiểng…là mùa vụ chính để người dân thu hoạch dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu này. Đông qua xuân đến, mầm non mới lại nhú lộc nhưng vẫn để buồn trong mắt ai…

Cỏ cây, hoa lá cũng buồn Tết sang

Lê Đình Dũng | 24/01/2017, 05:34

Ở dọc các bờ sông miền Trung cách nay gần 2 tháng, lũ dồn dập tràn về nhấn chìm hàng ngàn ha rau màu, hoa, kiểng…là mùa vụ chính để người dân thu hoạch dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu này. Đông qua xuân đến, mầm non mới lại nhú lộc nhưng vẫn để buồn trong mắt ai…

>> Bài 1: Tết không về trong những căn nhà đổ

>> Bài 2: Tết không chồng...

Mất trắng

Ven sông Vệ của huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) gần 2 tháng trước là mênh mông nước chìm nhà chìm đồng. Chính quyền thống kê, đã có hơn 300.000 chậu hoa cảnh của người dân, hàng trăm hecta hoa màu, hàng ngàn con gia súc, gia cầm... bị mất trắng.

Lũ đi qua, bùn khô bánh, mưa không còn trĩu hạt. Như xưa nay người miền Trung vẫn vậy, vượt qua thiên tai làm lại từ đầu. Trở lại vùng rốn lũ này, màu xanh của lúa và hoa màu đã khoác lên trên những đám ruộng bùn đất bao phủ ngày nào.

Hoa cỏ tiếp tục kiếp hồi sinh, còn nông dân thêm nặng nợ. Ông Nguyễn Văn Quang (thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa) chua chát: “Giữa năm 2016, tui bỏ vốn đầu tư 15 triệu đồng sản xuất 400 chậu hoa bán tết. Đến tháng 11 tiếp tục trồng 1 sào ớt và 2 sào rau màu. Lũ về quét sạch, còn hoa tết sống sót được mấy chục chậu”.

“Không có mưa lũ kéo dài, cái tết này gia đình tôi dư giả lắm. Riêng hoa tết, trừ chi phí có lãi được 20 triệu đồng, ớt thu mấy lứa có được 5 triệu và thêm khoản thu nhập rau màu. Từng ấy tiền cả gia đình no ấm khi tết đến nhưng đã 3 đợt mưa lũ liên tiếp mất gần hết, chưa năm nào mà ông trời cướp nhiều tài sản như vậy”, ông Quang nói như mếu.

Cùng cảnh, ông Trần Văn Phong (thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa) cũng đang lâm vào cảnh lao đao. Ông Phong có tiếng là người biết trồng hoa tết đem lại thu nhập nhiều nhất vùng. Giữa năm 2016, hai vợ chồng ông làm đất, trồng hơn 500 chậu hoa cúc và nhẩm tính sẽ có hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Lũ về liên tục, nay trắng tay!

“Chưa năm nào cây trồng thiệt hại nặng nề như năm nay, đợt lũ xuất hiện muộn, nước ngập không lớn nhưng kéo dài ngày quá. Hoa cúc không ưa nước nên bị thối rễ và chết từ từ. Sau lũ, tôi dùng nhiều loại thuốc đổ liên tục cứu hoa nhưng bất thành. Trời cho thì hưởng, trời cướp thì chịu”, ông nhìn trời, phận cam chịu.

Nông dân Quảng Ngãi lao đao vì mất vụ hoa tết do lũ chồng lũ gây ra

Tại thôn Mỹ Hòa (xã Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa), lão nông Nguyễn Văn Tuấn vay mượn 100 triệu trồng 1.300 chậu hoa tết. Đầu tháng 11.2016, cây mơn mởn, nhiều khách hàng đến tận vườn đặt mua 500 chậu đem đi các tỉnh tiêu thụ, ông tạm ứng tiền 50 triệu đồng.

“Năm nào cũng vậy, khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng và Tây Nguyên đến đặt hàng sớm lắm, số tiền đó phần giao kèo giúp khách có hàng về bán tết, còn chủ hoa có được tiền trang trải. Nhưng năm nay hoa chết, tiền tiêu hết rồi không biết nói gì với khách. Họ đang cần tiền buôn bán, mà tôi không có trả, chắc phải vay nóng để thanh toán thôi”, ông Tuấn thở dài.

Không những tiền khách đặt mua hoa; tiền vay mượn gần 100 triệu đồng đúc chậu, phân bón, giống…nay ông cũng không có trả. Để trả bớt nợ, ông Tuấn phải bán đi con bò giống. Còn lại ra năm tính đường trả nợ nóng.

Bên bờ sông Vu Gia (Đại Lộc, Quảng Nam) mùa tết năm nay buồn hiu hắt đến tội. Đây là vựa rau màu lớn ở tỉnh Quảng Nam chuyên cung cấp rau, củ, quả cho các vùng trong tỉnh và xuất xuống Đà Nẵng. Đợt lũ chồng lũ cuối năm vừa rồi, nơi đây cũng không thoát.

Thôn Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) có tới 300 hộ tham gia sản xuất trên vùng chuyên canh trồng rau quả. Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch xã cho biết, trận lũ vừa qua vùng chuyên canh rau Bàu Tròn thiệt hại 164 ha, chủ yếu rau quả vụ đông.

Khắp các cánh đồng dọc các con sông miền Trung năm nay bị thiệt hại nặng do lũ lụt

Ngoài vùng rau Bàu Tròn, nhiều cánh đồng chuyên canh rau màu của các xã Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Lãnh… ven sông Vu Gia, Thu Bồn bị ảnh hưởng do mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ gây thiệt hại lớn. Riêng xã Đại Hồng bị thiệt hại hơn 200 ha cây trồng, rau màu đông xuân các loại, 70% diện tích bị ngập úng là cây đậu phụng, còn lại là cây ớt và các loại cây trồng khác, ước tính thiệt hại gần 4 tỉ đồng. Vậy là Tết năm nay, dân Đại Lộc nhiều nhà không đủ tiền mua sắm. Một cái tết buồn dù hoa màu lứa mới đã bắt đầu nhú lại.

Mâm cơm Tết nghèo

Hỏi tết năm nay lấy tiền đâu ra mua sắm, ông Quang đáp: “Không có được nhiều thì sắm ít thôi, ngày cuối năm có mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng gia tiên. Nông dân là vậy, năm nào thu được nhiều thì cuối năm mua sắm sung túc, con cái có áo quần mới. Còn không có đành cắn răng mà chấp nhận một cái tết thiếu thốn”.

Nhìn mấy chục chậu hoa vạn thọ còn sống sót nhưng bông nở không được đẹp lắm nên khách không mua, ông tặc lưỡi: “Cứ đà này chắc tôi đem tặng người thân, làng xóm chưng tết cho đẹp. Tôi hết cơ hội chờ khách rước đi rồi”.

Ngoài trồng hoa tết, dọc ven sông Vệ hằng năm bà con sản xuất rau màu đem lại nguồn thu tương đối lớn nhất là vào dịp tết. Nhưng năm nay, nhà nhà rau màu mất trắng, không ai có được luống rau xanh.

Ông Lê Quang Trung thu dọn những chậu hoa bị nước lũ làm hỏng mất cây

Trong khuôn viên vườn nhà hơn 1 sào đậu cô ve vừa nhú, ông Lê Quang Trung (76 tuổi, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp) đang dựng lại giàn leo. Ông kể đây là lần thứ 3 xuống giống bởi nhiều lần mưa lũ liên tiếp đã gây thiệt hại hoàn toàn.

“Năm trước số diện tích này thu hoạch mỗi ngày vài chục ngàn đồng, nhưng năm nay trồng mà không biết ra giêng có được thu hoạch nữa không. Bởi trời mưa liên tục xuất hiện, cứ đà này leo lên giàn e khó lắm”, ông Trung tâm sự. “Làm nông dân thường tự túc rau xanh vậy mà năm nay đều phải mua với giá đắt đỏ. Thứ rau đó chắc không được sạch như mình trồng nhưng biết làm sao, thiếu thốn thì phải mua hết thôi”.

Giống các hộ dân trong vùng, ông Trung trồng 200 chậu hoa, tết chưa đến thì đã thu hoạch. Quanh vườn số chậu hoa được ông Trung sắp chồng ngay ngắn. “Nước lũ nhấn chìm khiến hoa chết, đồng nghĩa tôi mất cả vốn lẫn lời hơn 20 triệu đồng. Tết về trông chờ vào nguồn trồng hoa, rau màu nhưng không có”, ông Trung chua chát.

Ở xóm bên, tết sắp đến nhưng vợ chồng bà Trần Thị Lý vẫn chưa hết cãi vã vì chuyện mất hoa tết. Hơn 300 chậu hoa sắp cho thu hoạch của vợ chồng bà đang bị chết dần, trong khi số tiền nhận của khách 30 triệu đồng giờ họ đến đòi lại. Khách hỏi ăn tết thế nào, bà Lý cũng chẳng thèm nhìn lên: “Tết chi mà tết nữa trời! Nợ nần chồng chất giờ không có trả cho người ta chú ạ. Mấy hôm nay đi khắp nơi vay tiền nhưng không được, hẹn với người ta vài ngày nữa trả. Giờ chỉ biết cách khất nợ, trình bày hoàn cảnh với họ rồi sang năm trả sau”.

Ngày mỗi ngày giáp Ba Mươi. Ngoài đường xe cộ râm ran, người người hối hả. Ở trong mấy xóm làng miền Trung vẫn yên ắng như kiểu ‘Ba Mươi chưa phải là Tết’.

Làm nông nhưng chính nông dân miền Trung lại phải đi mua rau củ để ăn trong dịp này vì lũ cuốn mất trắng

Cuốc vội mấy dặm đất trồng rau trong chiều lạnh, ông Trung dừng lại nhìn xa xăm: “Nhắc đến tết mà buồn! Cơn lũ hoành hành khiến người dân quê hết tết rồi. Heo, gà thì trôi theo lũ, rau màu mới xuống giống. Các năm trước, nhiều loại thực phẩm tự sản xuất được còn năm nay hầu hết không có. Đụng cái gì cũng phải mua, trong khi tiền cạn túi. Thôi có ít mình dùng ít, khó khăn đến mấy cũng mua vài cân thịt, con cá về soạn mâm cơm cúng tất niên. Tết đến sau nhà rồi”.

Lê Đình Dũng-An Nhiên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cỏ cây, hoa lá cũng buồn Tết sang