Cộng đồng RISC-V Trung Quốc phần lớn đã phớt lờ các động thái tiềm tàng từ Mỹ nhằm hạn chế cường quốc châu Á tiếp cận công nghệ thiết kế chip nguồn mở. Trong khi các chuyên gia Trung Quốc hạ thấp tác động có thể xảy ra của một hành động như vậy.
Không ai trong số các thành viên hàng đầu của Trung Quốc tại tổ chức phi lợi nhuận RISC-V International, gồm Alibaba Cloud, Huawei, ZTE Corp và Tencent Holdings đưa ra bất kỳ bình luận nào trước các báo cáo cho rằng các nhà làm luật của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ thúc giục chính quyền Biden hạn chế các công ty Mỹ hợp tác với Trung Quốc về công nghệ RISC-V.
RISC-V International là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Thụy Sĩ, gồm nhiều thành viên, đặt mục tiêu thúc đẩy RISC-V.
RISC-V là kiến trúc tập lệnh tiêu chuẩn mở (ISA) cung cấp cho các nhà phát triển chip khả năng định cấu hình và tùy chỉnh thiết kế của họ. RISC-V trở thành niềm hy vọng mới cho Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp sở hữu trí tuệ (IP) nước ngoài trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ với Mỹ và khi quốc gia châu Á tìm cách giảm chi phí liên quan đến thiết kế chip.
Peng Jianying, Giám đốc điều hành Nuclei System Technology, nhà cung cấp IP bộ xử lý RISC-V hàng đầu tại Trung Quốc, nói với trang SCMP rằng tác động sẽ bị hạn chế vì Mỹ chỉ có thể tìm cách kiểm soát xuất khẩu từ các công ty Mỹ sang Trung Quốc hoặc ngăn hợp tác với Trung Quốc. Lý do vì sẽ khó đặt ra bất kỳ hạn chế nào với tiêu chuẩn mở.
Cũng là Tổng thư ký CRVIC (liên minh RISC-V Trung Quốc), Peng Jianying cho biết các hạn chế từ Mỹ sẽ không có tác động trực tiếp đến các công ty RISC-V Trung Quốc nhưng có thể có “tác động tiêu cực” đến các nhà cung cấp IP ở Mỹ.
Jack Kang, Phó chủ tịch cấp cao của SiFive, một công ty IP RISC-V khác, nói RISC-V giống như các tiêu chuẩn mở khác như Linux, Ethernet và Wi-Fi, rất quan trọng với “đổi mới và tăng trưởng công nghệ”.
“Dường như có sự nhầm lẫn giữa tiêu chuẩn mở RISC-V và các sản phẩm công nghệ thực tế nằm dưới phạm vi luật xuất khẩu liên quan”, Jack Kang nói.
Những người bán IP RISC-V thương mại như SiFive phải chịu những hạn chế khi kinh doanh với các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt. Jack Kang trước đây nói rằng SiFive không thể bán IP RISC-V của mình cho các công ty Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể). Tuy nhiên, SiFive nhìn thấy tiềm năng lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là về chip ô tô, nơi nhu cầu được thúc đẩy bởi lĩnh vực ô tô điện đang phát triển mạnh.
Sophie Teng, cựu Tổng thư ký CRVIC - hiệp hội RISC-V lớn nhất Trung Quốc với hơn 100 công ty thành viên, nói trong trường hợp tốt nhất thì Mỹ có thể hạn chế một số mã dựa trên RISC-V được sản xuất tại Mỹ hoặc việc bán IP thương mại RISC-V của các công ty Mỹ cho Trung Quốc.
Sophie Teng nói RISC-V International cung cấp một nền tảng để các thành viên hợp tác và cạnh tranh, trong đó mỗi thành viên đều cố gắng đưa các sáng kiến và lộ trình công nghệ của mình được đưa vào các tiêu chuẩn.
Liên minh RISC-V Trung Quốc (CRVA), do Viện Công nghệ Máy tính quản lý, hôm 11.10 đã công bố lại một tuyên bố đã được dịch từ RISC-V International, nêu rõ rằng “RISC-V International không cung cấp thiết kế chip, nhân mã nguồn, IP độc quyền hoặc triển khai, mà thay vào đó là xuất bản một bộ tiêu chuẩn mở toàn cầu được sử dụng phổ biến”.
RISC-V International xuất bản kiến trúc tập lệnh tiêu chuẩn mở dựa trên các nguyên tắc máy tính tập lệnh rút gọn (RISC) có nguồn gốc từ Mỹ, được phát triển lần đầu tiên bởi Giáo sư David Patterson của California - Berkeley năm 1980. Qua nhiều năm, nó đã phát triển qua bốn phiên bản, từ RISC-I đến RISC -IV, trước khi RISC-V ra đời vào năm 2015. Kể từ đó, mức độ phổ biến toàn cầu của RISC-V đã tăng lên do tính chất nguồn mở của nó.
Tiêu chuẩn này mang lại cho Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu chip hàng đầu thế giới và hiện rơi vào cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang với Mỹ) nền tảng tiêu chuẩn mở đầu tiên cho thiết kế chất bán dẫn.
China Mobile, nhà khai thác viễn thông lớn nhất nước này, hôm 11.10 đã ra mắt modem đầu tiên dựa trên chip lõi RISC-V 64 bit được sản xuất trên quy trình 22 nanomet.
X86 do Intel phát triển vẫn là kiến trúc thiết kế chip thống trị cho máy tính để bàn và máy tính xách tay, nhưng Intel không cấp phép cho X86 của mình. Trong khi kiến trúc thiết kế đằng sau hầu hết các chip smartphone trên thế giới do công ty Arm (Anh) kiểm soát.
Hôm 10.10, Calista Redmond - Giám đốc điều hành RISC-V International cho biết rằng những hạn chế của chính phủ Mỹ nếu xảy ra với công nghệ chip nguồn mở sẽ làm chậm sự phát triển của các chip mới và tốt hơn, kìm hãm ngành công nghệ toàn cầu.
Bình luận này được đưa ra sau khi Reuters tuần trước đưa tin rằng ngày càng nhiều nhà làm luật Mỹ đang kêu gọi chính quyền Biden áp đặt kiểm soát xuất khẩu với RISC-V, công nghệ chip nguồn mở được giám sát bởi RISC-V International.
Công nghệ RISC-V có thể được sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra chip cho smartphone hoặc trí tuệ nhân tạo (AI).
Các công ty Mỹ lớn như Qualcomm và Google đã sử dụng RISC-V, nhưng các công ty Trung Quốc như Huawei cũng tham gia. Các nhà làm luật Mỹ cho rằng đây là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Trong một bài đăng trên blog, Giám đốc điều hành RISC-V International, cơ quan điều phối công việc giữa các công ty về công nghệ, cho biết RISC-V không khác gì các tiêu chuẩn công nghệ mở khác như Ethernet, giúp các máy tính trên internet giao tiếp với nhau.
Calista Redmond viết: “Các hành động được xem xét bởi các chính phủ để hạn chế chưa từng có với các tiêu chuẩn mở sẽ dẫn đến hậu quả là khả năng tiếp cận thị trường sản phẩm, giải pháp và tài năng toàn cầu bị giảm sút. Tách rời mức tiêu chuẩn sẽ dẫn đến một thế giới có các giải pháp không tương thích với nhau, gây lãng phí công sức và đóng cửa các thị trường”.
Calista Redmond viết rằng RISC-V International đã thu hút được sự đóng góp ngang nhau từ Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Các tiêu chuẩn được RISC-V International công bố không phải là bản thiết kế hoàn chỉnh cho một chip và không cung cấp cho bất kỳ bên nào nhiều thông tin hơn về cách tạo ra chip so với những gì có sẵn từ các hãng công nghệ chip độc quyền như Arm.
Ông viết: “Sự khác biệt duy nhất là thị trường được phép sử dụng các tiêu chuẩn này mà không cần giấy phép độc quyền từ công ty kiểm soát. Việc tiếp cận các tiêu chuẩn mở cho phép các công ty đổi mới nhanh hơn và dành thời gian tạo ra các sản phẩm khác biệt, thay vì cố gắng phát minh lại cái bánh xe”.