Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố thông tin. Các chuyên gia cho rằng quy định này góp phần ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi. Luật có nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng góp phần giúp hoạt động của các TCTD an toàn, phát triển lành mạnh và bền vững thời gian tới.
Có thể thấy, các quy định sửa đổi lần này theo hướng chặt chẽ hơn, thận trọng hơn và bao trùm hơn, vừa góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện tại (như sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu…), vừa kiến tạo phát triển một số hoạt động mới (như ngân hàng số, giao dịch điện tử, ngân hàng đại lý…).
Đáng chú ý, Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố thông tin. Theo quy định trước đó, dù nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hay ngân hàng, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn doanh nghiệp, ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).
Theo các chuyên gia, quy định này sẽ tạo ra một môi trường minh bạch, giúp ngăn chặn sự không minh bạch trong quản lý cổ đông và sở hữu; từ đó giảm thiểu tình trạng nhờ người khác làm người đứng tên sở hữu.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu BIDV cho rằng Luật Các TCTD mới bổ sung quy định tăng tính công khai, minh bạch nhiều hơn. Theo đó, các cá nhân giữ chức vụ quan trọng trong TCTD (thành viên HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc…) phải cung cấp các thông tin về người và doanh nghiệp có liên quan cho TCTD, và TCTD sẽ báo cáo cho NHNN, đại hội đồng cổ đông, đại hội thành viên, đội đồng thành viên...
Ngoài ra, danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD sẽ được công bố công khai. Điều này được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch và giám sát đại chúng đối với các TCTD (kể cả các TCTD chưa niêm yết), góp phần làm giảm tình trạng sở hữu chéo, theo túng TCTD.
Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin một cách thực chất, minh bạch và kịp thời…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết luật mới quy định sở hữu 1% là phải công bố thông tin, điều này cũng sẽ giúp mọi thứ phát triển theo chiều hướng tốt hơn.
“Nếu như tôi có thẩm quyền quyết định, tôi còn đặt ra những chính sách đặc thù với ngân hàng khác biệt với các lĩnh vực khác. Ví dụ, thay vì công bố thông tin dư nợ lớn 10 - 20% thì cần công bố tất cả danh sách vay vốn”, ông Đức nêu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng việc công bố thông tin là rất cần thiết.
Theo ông Hùng, trong hoạt động của nhiều TCTD, có những cổ đông không thấy xuất hiện trong danh sách cổ đông, nhưng người khác đại diện cho họ tới 80 - 90% cổ phần vì không công bố thông tin minh bạch. Theo đó, việc yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố thông tin minh bạch là cần thiết.
“Cổ đông phải thực tế, có thực lực, vốn bỏ vào có thể lên tới 5%. Tuy nhiên, nếu chiếm giữ 1% thì phải công bố các thông tin như nhân thân, tình trạng tài chính… để làm sao cho mọi người biết được đây là vốn thật, chứ không phải do đứng tên hộ cho người khác. Điều này nhằm hạn chế sự chi phối hoạt động của các TCTD”, ông Hùng nói.
Để chống thao túng, theo ông Hùng, cần nâng cao vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, tăng thành viên hội đồng quản trị độc lập. Còn cơ quan thanh tra, giám sát sẽ vào cuộc kịp thời khi tổ chức tín dụng có dấu hiệu bất thường.